"Mệnh lệnh" từ trái tim

26/02/2015 09:30

(Baonghean) - Những người cán bộ y tế mà chúng tôi đã gặp đều đáng quý, đáng trọng: Họ luôn tận tụy với nghề, với bệnh nhân. Mỗi người mỗi tính chất công việc khác nhau, nhưng họ có cùng suy nghĩ "Người thầy thuốc không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức, coi bệnh nhân như những người thân của mình”. xuất phát từ “mệnh lệnh” của trái tim, Đứng ngoài những cuộc vinh danh, họ lặng thầm tỏa sáng trong công việc…

Tâm niệm lương y...

Ở Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh, từ lâu, Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh Phạm Thị Hương là một tấm gương sáng về tinh thần tận tụy với công việc, được các đồng nghiệp nể phục, người bệnh yêu mến. Với bệnh nhân cao tuổi chị Hương như người con hiếu thảo, với người bệnh ít tuổi chị lại trở thành người chị, người mẹ bao dung. Tinh thần và thái độ của chị Phạm Thị Hương đối với người bệnh như liều thuốc giảm đau xoa dịu bệnh tật, tạo sự thoải mái cho bệnh nhân khi đến khám bệnh tại khoa. Bà Bùi Thị Sửu (66 tuổi) ở phường Trung Đô, Thành phố Vinh, là bệnh nhân thường xuyên đến khám bệnh nhận xét: Khi tiếp xúc với chị Hương tôi thấy rất thoải mái vì chị nhiệt tình, phục vụ bệnh nhân tốt, thái độ luôn vui vẻ, cởi mở. Có những bệnh nhân lớn tuổi, khó tính nhiều khi cáu gắt vô cớ, song chị Hương vẫn hòa nhã và đối xử, chăm sóc tận tình khiến chúng tôi rất cảm động. Dù ốm đau phải vào viện, song chúng tôi luôn yên tâm, tin tưởng vì nơi đây có những “lương y như từ mẫu” hết lòng vì người bệnh như chị Hương.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hương tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hương tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân.

Tâm tình về “bí quyết” tạo được lòng tin, sự yêu mến của người bệnh, chị Phạm Thị Hương chia sẻ: Cán bộ ngành Y có sứ mệnh là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, vì vậy bản thân luôn hết mình phục vụ người bệnh; luôn ghi nhớ lời Bác dạy “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh mà còn phải nâng đỡ tinh thần của người ốm yếu” để rồi tự nhắc nhở mình, nhắc nhở đồng nghiệp tận tâm với nghề… Bản thân chị Hương luôn cố gắng sống, làm việc đúng theo tâm nguyện đó, luôn dành thời gian gần gũi, động viên, chia sẻ với đồng nghiệp, tích cực thăm hỏi, động viên bệnh nhân và gia đình bệnh nhân nên luôn nhận được nhiều tình cảm yêu quý của mọi người. Bác sỹ Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh cho biết: “Chị Phạm Thị Hương luôn gương mẫu trong mọi phong trào, đã truyền “ngọn lửa” trách nhiệm, tình đoàn kết gắn bó cho đồng nghiệp, những người quanh mình. Nhất là chị Hương luôn tận tâm với bệnh nhân và được họ yêu quý”.

Tận tụy với người bệnh

Chị Nguyễn Thị Sen – nữ điều dưỡng viên ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An dành gần trọn cuộc đời mình cho công việc chăm sóc người bệnh. 50 tuổi đời, 32 năm tuổi nghề, chị Sen đã có 15 năm làm việc ở Khoa Cấp tính nam. Chị kể: Lúc mới vào nhận việc, tiếp cận với thực tế bản thân chị đã thấy rất sợ, bởi bệnh nhân là những người “không bình thường”. Nhưng khi vượt qua “rào cản tâm lý”, chị nhận thức rằng đó là những người đáng thương, đáng được quan tâm, chăm sóc, yêu thương. Hàng ngày ngoài việc chữa bệnh cho bệnh nhân, chị Sen còn chăm sóc, phục vụ người bệnh, giúp đỡ những người không tự ăn uống, vệ sinh cá nhân.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Sen chăm sóc bệnh nhân tâm thần.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Sen chăm sóc bệnh nhân tâm thần.

Chị Sen không kể, nhưng đồng nghiệp của chị vẫn còn ám ảnh về một tai nạn nghề nghiệp mà chị gặp phải 4 năm trước. Năm 2011, có một bệnh nhân nam, quê ở Nghĩa Đàn, bị bệnh động kinh nặng đã nhập viện điều trị nhiều lần. Hôm đó, chị Sen trực đúng ngày Chủ nhật nên cán bộ ở khoa không nhiều. Sau khi đi lấy cơm và chia cho bệnh nhân ăn, chị Sen đi buồng kiểm tra tình hình bệnh nhân. Lúc này bệnh nhân bị kích động nặng và chị Sen bị bệnh nhân này đánh hôn mê 1 tuần, bệnh viện kết luận chị bị chấn thương sọ não, ảnh hưởng 25% sức khỏe. Sau 1 thời gian chạy chữa, sức khỏe có khá hơn, nhưng chị Sen bị liệt nửa người bên trái, tay, chân yếu dần do ảnh hưởng não. Tình trạng này ảnh hưởng đến chị tận bây giờ: chồng phải chở đi, đón về, phát âm không chuẩn… Sức khỏe ổn định, chị Sen lại tiếp tục công việc tại Bệnh viện Tâm thần. Chị tâm tình: “Không thể vì một tai nạn mà mình lại “quay lưng” với nghề, trong thâm tâm tôi luôn trân trọng cái nghề mình đang làm. Công việc tuy vất vả, nguy hiểm như vậy, những cứ mỗi lần thấy bệnh nhân khỏi bệnh ra viện, bình phục là tôi lại thấy vui. Bệnh nhân được chữa trị khỏi là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn, gian khổ của một chuyên ngành đặc biệt”.

Sau tai nạn, sức khỏe chị Sen kém hơn nên được bệnh viện điều chuyển sang khoa y học cổ truyền. Chị Nguyễn Thị Hường, Điều dưỡng trưởng, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho hay: “Chị Sen là một người tận tụy với bệnh nhân, chăm sóc họ rất cẩn thận, tỉ mỉ. Đối với thế hệ trẻ, chị luôn dặn dò, chỉ bảo cẩn thận và truyền đạt những kinh nghiệm quý báu cho họ. Suốt 32 năm công tác, năm nào chị Sen cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến xuất sắc của bệnh viện”.

Lặng thầm cống hiến

Hộ lý Đặng Thị Thanh làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Sản - Nhi.
Hộ lý Đặng Thị Thanh làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Sản - Nhi.

Đứng ngoài các cuộc vinh danh, bình chọn hay đơn giản là sự ghi nhận, nhưng những người hộ lý ở bệnh viện chẳng bao giờ mặc cảm, tự ti. Họ ngày đêm miệt mài với những công việc không tên, rất đỗi bình thường mà không kém phần cao cả, lặng lẽ góp sức mình trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe chung. Hộ lý Đặng Thị Thanh, Khoa Gây mê – Hồi sức, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An là một người như thế… Ngày làm việc của chị Thanh bắt đầu từ tinh mơ: gom rác, phân thành rác sinh hoạt và rác y tế, đưa lên nhà chứa rác ở phía sau bệnh viện và lau dọn lại khu phòng mổ. Tiếp đến, nhận các đồ vải và dụng cụ phẫu thuật gửi hấp tiệt trùng từ hôm trước; phân loại và cho vào các vị trí sẵn sàng cho những ca mổ trong ngày; lau chùi ở hành lang nơi tiếp nhận bệnh nhi chờ phẫu thuật, rồi nhà vệ sinh. Khi đợt mổ kết thúc, chị lại tiếp tục thu gom đồ bẩn để phân loại, vệ sinh, gửi đi hấp sấy; vệ sinh bàn mổ và đưa các dụng cụ sạch vào phục vụ các ca mổ tiếp theo.

Chị Thanh gắn bó với nghề hộ lý tại Bệnh viện Sản – Nhi đã được gần 30 năm, tiền lương chẳng đáng là bao, công việc có lắm buồn tủi, nhưng chị lại thấy niềm vui trong cuộc sống từ con cái, gia đình và sự thấu hiểu, cảm thông của đồng nghiệp.

Thúy Hiền - Quỳnh Trang

Trung tâm TT – GDSK tỉnh