Nhìn lại việc khử độc phóng xạ tại Fukushima

12/03/2015 08:30

(Baonghean) - Bốn năm đã trôi qua kể từ khi con sóng thần ngày 11 tháng 3 năm 2011 tràn vào vùng Tohoku ở phía Đông Bắc đảo Honshu và phá hủy Nhà máy điện hạt nhân Fukushima-Daiichi, nhưng các công đoạn khử độc phóng xạ cho khu vực này vẫn đang được tiếp tục tiến hành.

Những nỗ lực trong việc “làm sạch” Fukushima sau sự cố rò rỉ chất phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân của Chính phủ Nhật Bản đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhật Bản đã huy động hơn 6.000 công nhân cho việc tháo dỡ những phần còn lại của nhà máy. Do mức độ phóng xạ cao nên những đội công nhân sẽ luân phiên thay đổi. Theo tính toán, công việc dỡ bỏ nhà máy sẽ hoàn tất trong vòng từ 30 cho đến 40 năm nữa.

Một góc khu xử lý nước thải của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ảnh: Arnaud Vaulerin
Một góc khu xử lý nước thải của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ảnh: Arnaud Vaulerin

Hồi giữa tháng 2, các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra kết luận “Nhật Bản có nhiều tiến bộ vượt bậc. Tình trạng tại các khu vực bị ô nhiễm đã được cải thiện mặc dù việc xử lý ở các khu vực này rất phức tạp”. Viện Bảo vệ phóng xạ và An toàn hạt nhân (IRSN) cũng đưa ra đánh giá “Một khối lượng công việc đồ sộ với nguồn chi phí khổng lồ đã được thực hiện. Tuy nhiên, khu vực bị ô nhiễm vẫn còn nhiều và còn rất nhiều việc phải làm”.

Hiện nay, việc quản lý nguồn nước bị ô nhiễm đang là một thách thức đối với Công ty Tepco – công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Mỗi ngày, khoảng 350m3 nước ngọt vẫn phải được bơm vào khu vực nhà máy để làm mát 3 trong 6 lò phản ứng đang hoạt động kể từ sau thảm họa. Những bể chứa của 3 lò phản ứng trên đã bị bể sau vụ sóng thần và người ta buộc phải làm mát nó ở nhiệt độ từ 20 đến 500C nếu không muốn xảy ra thêm những vụ nổ ở các lò phản ứng.

Theo ước tính, hàng ngày, có khoảng 650 tấn nước nhiễm phóng xạ được bơm và xử lý trước khi đưa quay trở lại để làm mát các lò phản ứng. Phần còn lại được tích trữ trong các bể chứa ngầm hoặc trên mặt đất. Theo thời gian, số lượng nước nhiễm chất phóng xạ ngày một tăng lên và tính tới thời điểm này đang có khoảng 600.000 tấn nước trong các bể chứa. Tepco đã lên kế hoạch mở rộng thêm sức chứa của các bể chứa lên đến 800.000 tấn.

Để giải quyết lượng nước thải của nhà máy, Công ty Tepco bắt đầu cho lắp thêm nhiều hệ thống máy khử độc. Sau nhiều lần thất bại, hiện các hệ thống này có thể xử lý sạch hoàn toàn 2.000 m3 nước nhiễm phóng xạ mỗi ngày. Từ đó, Tepco hy vọng có thể sớm xử lý được hết tất cả lượng nước thải ở Fukushima. Tuy nhiên, hồi đầu năm, Tepco thông báo rằng mục tiêu trên sẽ phải kéo dài hơn so với dự kiến nhưng tốc độ xử lý như hiện tại vẫn được duy trì.

Gần đây, người ta phát hiện tình trạng rò rỉ các chất thải phóng xạ liên tục xảy ra. Hồi cuối tháng 2, các bộ cảm biến gắn trên đường ống dẫn nước mưa và nước ngầm dưới biển đã đo được mức độ phóng xạ cao hơn bình thường đến 70 lần. Ngay sau đó, Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản đã khiển trách Tepco nặng nề. Vài ngày sau đó, người ta lại phát hiện một đường ống dài 20m chứa nước nhiễm phóng xạ dưới tòa nhà tua bin của lò phản ứng.

Theo Tepco, việc di dời phần lõi của 3 lò phản ứng đã bị tan chảy sau vụ sóng thần động đất năm 2011 vẫn chưa thể tiến hành. Đây được đánh giá là phần khó nhất trong công đoạn khắc phục sự cố ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Phía Công ty Tepco cũng không hề mong đợi sẽ giải quyết được vấn đề này trước năm 2020 hay 2025. Và IAEA đã đánh giá công việc của Tepco là “một thách thức rất lớn trong dài hạn” và chưa từng có ở bất cứ nơi đâu.

Chu Thanh (Theo LeMonde 11/3)

TIN LIÊN QUAN