Nâng tầm công tác đối ngoại

22/02/2015 11:21

(Baonghean) - Hoạt động đối ngoại năm 2014 đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác giữa Nghệ An với các đối tác nước ngoài. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Ngọc Danh - Giám đốc Sở Ngoại vụ về công tác đối ngoại của tỉnh.

P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại năm 2014?

Đồng chí Trần Ngọc Danh: Năm 2014, công tác đối ngoại của tỉnh Nghệ An phát triển mạnh mẽ trên cả 3 trụ cột chính là: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trên cơ sở đó, tiếp tục tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác truyền thống, đặc biệt là với các tỉnh của nước CHDCND Lào có chung đường biên giới; Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Hàn Quốc... Mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới như Nhật Bản, Vương quốc Anh. Công tác ngoại giao văn hóa Nghệ An giành thắng lợi lớn, chúng ta thành công khi UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hoạt động đối ngoại góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2014.

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc).Ảnh: Thục anh
Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc). Ảnh: Thục Anh

Công tác thông tin đối ngoại có nhiều tiến bộ, với sự hợp tác chặt chẽ với VTV, Báo Thế giới & Việt Nam, Tạp chí Quê hương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, Cổng thông tin điện tử Nghệ An, Bản tin đối ngoại Nghệ An bằng tiếng Việt và tiếng Anh... để tuyên truyền chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử của Việt Nam, tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của Nghệ An.

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được chú trọng, tích cực thông tin về các chủ trương, chính sách, cơ chế ưu đãi, nhu cầu đầu tư của tỉnh để vận động, khuyến khích người Nghệ An đang học tập, làm ăn, sinh sống ở nước ngoài hướng về cội nguồn, đóng góp bằng nhiều hình thức phù hợp để xây dựng quê hương, trong đó lượng kiều hối gửi về trong năm 2014 đạt trên 350 triệu USD (chưa bao gồm tiền gửi qua cá nhân và tổ chức không chính thức).

P.V: Một trong những kết quả nổi bật là hoạt động ngoại giao kinh tế. Vậy đồng chí có thể cho biết vài nét về hoạt động này của Nghệ An trong năm qua?

Đồng chí Trần Ngọc Danh: Trong năm qua, hoạt động ngoại giao kinh tế diễn ra sôi nổi, tỉnh đã tăng cường tiếp xúc với các nhà đầu tư tiềm năng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, EU... các công ty, tập đoàn đa quốc gia nước ngoài, các cơ quan, tổ chức là đầu mối xúc tiến đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam để kêu gọi đầu tư, vận động dự án. Qua đó, lĩnh vực kinh tế đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả đáng kể như:

- Vốn FDI: Năm 2014 tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 187 dự án/55.663 tỷ đồng vốn đăng ký, trong đó: cấp mới cho 145 dự án/43.892,27 tỷ đồng, điều chỉnh cho 42 dự án/11.770,73 tỷ đồng.

- Vốn ODA: Tính đến hết tháng 12/2014, tỉnh tiếp tục xúc tiến vận động 11 chương trình, dự án với các lĩnh vực: 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 3 dự án thuộc lĩnh vực y tế; 2 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp thoát nước và 1 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 31 dự án ODA, với tổng mức đầu tư 15.050 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 12.109 tỷ đồng, vốn đối ứng 2.941 tỷ đồng.

- Vốn NGO: Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tài trợ cho 33 chương trình, dự án và phi dự án gồm nhiều hình thức và nhiều lĩnh vực như hỗ trợ phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, dạy nghề, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu... tập trung chủ yếu cho các huyện miền núi khó khăn như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu với tổng nguồn vốn cam kết tài trợ trên 5 triệu USD. Trong đó, có 9 chương trình, dự án chuyển tiếp với tổng số vốn cam kết tài trợ gần 3 triệu USD; 24 chương trình, dự án và viện trợ phi Chính phủ mới triển khai năm 2014 với tổng số vốn cam kết tài trợ 3,2 triệu USD.

P.V: Trong thời gian tới, công tác đối ngoại của tỉnh cần tập trung những nhiệm vụ nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Ngọc Danh: Trong thời gian tới, công tác đối ngoại của tỉnh tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Về hợp tác quốc tế, tiếp tục củng cố, tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống; xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đối tác mới như: tỉnh Shizouka (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc), Hoa Kỳ, Ca-na-da, Ốt-xtrây- li-a... đặc biệt các nước trong Hiệp hội APOTC (gồm 9 tỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng Đường 8 và Đường 12) và cộng đồng ASEAN để chuẩn bị tiến tới Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015.

Về kinh tế đối ngoại, tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện có hiệu quả các dự án đã ký kết, đồng thời xúc tiến, vận động nguồn vốn cho các dự án mới. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài theo chương trình của các bộ, ngành; lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch kết hợp với phát triển quan hệ đối ngoại trong chương trình hoạt động các đoàn công tác của tỉnh ra nước ngoài.

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới để giới thiệu, quảng bá về lịch sử, văn hóa, con người, tiềm năng, lợi thế, môi trường đầu tư của Nghệ An.

- Lực lượng người Nghệ An ở nước ngoài là cầu nối quan trọng trong công tác đối ngoại. Vì thế, tỉnh chủ trương thắt chặt tình cảm, cổ vũ khích lệ bà con kiều bào hướng về cội nguồn, huy động nhiều hơn nữa trí tuệ và nguồn lực của kiều bào vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Lê (thực hiện)