Chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn cho lúa

08/03/2015 09:23

(Baonghean) - Hiện tại, 89.000 ha lúa vụ Xuân của toàn tỉnh đang ở thời kỳ bắt đầu đẻ nhánh trong điều kiện thời tiết âm u, trở lạnh và độ ẩm không khí cao khiến bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Bệnh đã xuất hiện trên diện tích 120 ha lúa tại các huyện Nghi Lộc, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Thành Phố Vinh…Vì vậy, cần có những biện pháp phòng trừ quyết liệt và hiệu quả.

Bà con xóm 7, xã Nghi Thái (Nghi Lộc) phun thuốc trừ bệnh đạo ôn.
Bà con xóm 7, xã Nghi Thái (Nghi Lộc) phun thuốc trừ bệnh đạo ôn.

Số liệu thống kê của các địa phương, đến ngày 26/2, tổng diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn trên toàn tỉnh mới phát hiện với 12 ha, nhưng sau 7 ngày (3/3), tổng diện tích nhiễm bệnh đã tăng lên 120 ha. Điều đó cho thấy sự lây lan và bùng phát mạnh mẽ của bệnh. Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật thì trong số diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn nêu trên, huyện Nghi Lộc là địa phương có diện tích nhiễm bệnh cao nhất với 50 ha tại các xã: Nghi Thái, Nghi Phong, Nghi Trường. Còn các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương, Yên Thành và Thành phố Vinh… diện tích lúa nhiễm bệnh dao động trên dưới 20 ha và phân bố rải rác.

Những ngày này, ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc) bà con đang tập trung chăm sóc cho diện tích lúa và lạc xuân ở thời kỳ bén rễ. Anh Nguyễn Văn Chiến, Xóm trưởng xóm 7, cho biết: “Cả xóm 7 gieo cấy 19 ha lúa, hiện đã có 1 ha ở cánh đồng Đồng Biền và Đồng Chùa bị nhiễm bệnh đạo ôn. Nơi nhiễm nặng có khoảng 4 đến 6 gốc/m2, còn những ruộng nhiễm nhẹ thì cũng khoảng 2 đến 3 gốc/m2, chủ yếu trên các giống lúa Xi23 và Nx30. Khi phát hiện lúa bị nhiễm đạo ôn, chúng tôi kịp thời báo cáo ngay với cán bộ khuyến nông xã và được hướng dẫn phun thuốc, hiện tại, sau 6 ngày kể từ đợt phun thứ nhất, bà con đang tiến hành phun phòng đợt hai để đảm bảo bệnh được dập tắt hoàn toàn”. Ông Nguyễn Văn Ngãi, cán bộ khuyến nông xã Nghi Phong cho biết: Ngay từ mùng 4 Tết, trên một số diện tích lúa của bà con xóm 10, 14, 15 và 18 đã có hiện tượng nhiễm bệnh đạo ôn. Sau khi phát hiện, xã đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con tiến hành phun thuốc phòng trên tất cả diện tích. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng bệnh trên lúa đã được khống chế.

Còn tại xã Thanh Hương (Thanh Chương), trên cánh đồng Cồn Đâu và Bãi Rành, chúng tôi gặp anh Lê Văn Năm đang kiểm tra đồng ruộng. Anh cho biết: “Cách đây 1 tuần, sau khi kiểm tra 2 sào ruộng cấy giống lúa BC15 của gia đình thì phát hiện có nhiều cây ngả vàng, lá khô và lụi. Biết là lúa đã nhiễm đạo ôn, tôi liền mua 4 gói Beam 75WP hòa với nước và tiến hành phun, hiện bệnh đã cơ bản được khống chế…”. Không chỉ riêng gia đình anh Năm, một số thửa ruộng gần bên cũng bị nhiễm khoảng 1 sào, bà con đã tiến hành phun thuốc theo hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật (BVTV). Ông Nguyễn Văn Tư - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau khi phát hiện có hiện tượng đạo ôn trên lá lúa, khuyến nông xã đã báo cáo lên Trạm Bảo vệ thực vật huyện và được cung ứng thuốc để phun. Tổng diện tích lúa nhiễm bệnh được phát hiện là 4 ha, nhưng xã đã tiến hành phun cho 10 ha lúa trên những cánh đồng lân cận để phòng. Đến nay cơ bản đã dập tắt được bệnh”.

Hiện tại, các diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn trên địa bàn tỉnh ta đều đã cơ bản được phun thuốc BVTV phòng trừ và khống chế. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi điều kiện thời tiết ấm, xen kẽ các đợt không khí lạnh ẩm kèm theo mưa là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, lây lan trên diện rộng, đặc biệt là trên những chân đất cát pha, thịt nhẹ, vùng bán sơn địa và trên những ruộng bón phân không cân đối, thừa đạm. Anh Phạm Thanh Long – Phó phòng BVTV cây nông nghiệp, Chi cục BVTV cho biết: “Ngoài yếu tố về điều kiện thời tiết thì vẫn còn tồn tại một số bất cập từ phía người dân trong quá trình đối phó và phòng trừ căn bệnh này. Cụ thể, để phun thuốc đạt hiệu quả cao cần tuân thủ tỷ lệ pha nước vào thuốc.

Tuy nhiên, bà con lại thường hòa nước ít hơn hướng dẫn, do đó khi phun lượng thuốc không phủ hết toàn bộ diện tích lá, dẫn đến các bao tử bệnh sẽ dễ dàng tấn công những diện tích không có thuốc. Mặt khác, khi mua thuốc bà con cũng chưa nắm vững kiến thức về các loại thuốc mà thường lệ thuộc vào người bán hoặc mua theo những người khác, nhiều lúc chưa sử dụng đúng loại thuốc cần dùng, dẫn đến hiệu quả phun trừ không cao. Điều đó không những gây lãng phí mà còn có thể gây “lờn thuốc” đối với sâu bệnh. Nếu trong thời gian lúa bị nhiễm bệnh, người dân cũng cần chú ý bón phân hợp lý, hạn chế bón đạm, giúp bệnh đạo ôn càng phát triển và lây lan nhanh chóng. Do đó, muốn dập tận gốc bệnh đạo ôn thì bà con cần tìm hiểu và tuân thủ những quy tắc trong việc phòng ngừa và xử lý những diện tích lúa bị nhiễm bệnh, tuân thủ đúng hướng dẫn, khuyến cáo của cán bộ khuyến nông, BVTV trong phòng trừ loại bệnh nguy hiểm này”.

Thanh Quỳnh