Sức lan tỏa từ chủ trương giúp đỡ xã nghèo

02/01/2015 15:47

(Baonghean) - Bằng những chương trình hỗ trợ thiết thực, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giúp đồng bào miền Tây giảm nghèo bền vững. Điều đó làm cho khu vực miền núi - vùng cao có nhiều khởi sắc.

Từ mấy năm nay, người dân bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương) có thêm một nguồn thu nhập đáng kể, từng bước thoát nghèo. Đó là sản phẩm rau sạch được chính bà con trồng từ mô hình hỗ trợ của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp với Khoa Nông - Lâm - Ngư, Trường Đại học Vinh. Có 35/165 hộ ở bản Phòng tham gia thực hiện, bình quân mỗi hộ được khoán trên dưới 600m2 để sản xuất sau sạch.

Dẫn chúng tôi tham quan đồng rau xanh tươi, Phó bản Mạc Xuân Núi cho biết: “Đây là dự án ứng dụng tiến bộ KHCN, xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn được triển khai thực hiện từ tháng 6/2011. Diện tích 2 ha trước đây là vùng đất cằn cỗi, dân bản khai hoang trồng lúa nhưng quanh năm thiếu nước nên hầu hết phải bỏ hoang. Nay thì anh thấy đó, nó đã trở thành vùng chuyên canh rau sạch cho thu nhập cao”. Gia đình anh Núi cũng tham gia dự án sản xuất rau sạch. Hàng ngày, ngoài việc chăm lo sản xuất lương thực và chăn nuôi gia súc, gia cầm, vợ chồng anh Núi còn tranh thủ chăm bón, thu hoạch rau. Sau mỗi vụ rau, gia đình anh thu về khoảng 8 triệu đồng tiền lãi.

áo Nghệ An tặng quà học sinh bản Đình Tài, xã Xiêng My (Tương Dương). Ảnh: N.K
Báo Nghệ An tặng quà học sinh bản Đình Tài, xã Xiêng My (Tương Dương). Ảnh: N.K

Từ Thạch Giám, chúng tôi ngược lên xã Lưu Kiền (Tương Dương), địa phương đang được Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) nhận giúp đỡ. Đến bản Lưu Thông, ghé vào thăm ngôi nhà mới của anh Vừ Tông Mà. Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, trước đây sống trong ngôi nhà xập xệ, bị nước tràn vào mỗi khi mưa xuống. Được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng, cùng với số tiền dành dụm và sự giúp đỡ của họ hàng, dân bản, anh đã làm được căn nhà vững chãi, không còn lo lắng mỗi khi trời mưa to. Nhiều gia đình khác như: Lữ Văn Phúc (bản Pủng), Mạc Thị May (Khe Kiền), Lô Văn Tá (Con Mương), La Văn Tuất, Vi Văn Bún, Lô Văn May (Xoóng Con) đều được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ tiền làm nhà. Vào đầu mỗi năm học mới, các trường học và học sinh nghèo trên địa bàn được tặng bàn ghế, sách vở, áo quần. Đó là những món quà thiết thực giúp người nghèo ở xã Lưu Kiền từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Cũng ở huyện Tương Dương, Báo Nghệ An nhận giúp đỡ Xiêng My - một xã vùng sâu cách trung tâm huyện hơn 70 km, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao (khoảng 80%). Khi nhận giúp đỡ, lãnh đạo cơ quan nhiều lần lên tận nơi, đến từng bản làng để khảo sát thực tế, tìm hiểu nhu cầu để đưa ra giải pháp giúp đỡ hợp lý. Trên cơ sở đó, BBT Báo quyết định giúp đỡ địa phương bằng cách tặng giống vật nuôi để hộ nghèo phát triển kinh tế. Với nguồn kinh phí vận động từ cán bộ, phóng viên và nhân viên cơ quan, đến nay đã trao tặng được 8 con bò sinh sản cho 8 hộ nghèo. Các hộ này nuôi đến lúc bò sinh sản, bê phát triển cứng cáp sẽ chuyển bò giống cho hộ nghèo khác nuôi. Cứ thế, sau nhiều năm, nhiều hộ nghèo ở Xiêng My có bò giống để nuôi, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Báo Nghệ An đang tiếp tục hỗ trợ giống bò, giống lợn sinh sản cho người nghèo ở Xiêng My, giúp bà con từng bước thoát nghèo. Đặc biệt, đầu năm học 2014 - 2015, hưởng ứng Chương trình “Nâng bước tới trường”, Báo Nghệ An đã quyên góp được hơn 40 triệu đồng, mua 26 bộ bàn ghế, 5 chiếc bảng đen, hơn 60 bộ quần áo tặng học sinh điểm trường bản Đình Tài. Đồng thời, trao 2 suất quà trị giá 1 triệu đồng cho 2 em học sinh ở bản có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Cán bộ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 hướng dẫn người dân xã Na Ngoi (Kỳ Sơn)  chăm sóc cây dong riềng.Ảnh: trần hải
Cán bộ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 hướng dẫn người dân xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) chăm sóc cây dong riềng. Ảnh: Trần Hải

Ông Lữ Văn Xằn, bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) không bao giờ quên ơn cán bộ, nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh. Bởi vợ chồng ông đã già yếu, không còn sức lao động, không có con trai, con gái đi lấy chồng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ngôi nhà làm hàng chục năm trở nên xập xệ, mục nát. Trước hoàn cảnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã hỗ trợ ông Xằn 40 triệu đồng để làm nhà mới. Cơ quan Bảo hiểm xã hội còn xây dựng mô hình hỗ trợ giống lợn đen (hơn 10 con) cho 2 hộ nghèo là Lương Văn Tăng (bản Hòm) và Lương Thị Tín (bản Bà). Được hỗ trợ lợn giống, 2 gia đình này làm chuồng trại, phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, cơ quan còn tặng UBND xã Hữu Kiệm bộ máy vi tính, photocopy, tập huấn kỹ năng xử lý văn bản cho cán bộ giữ chức vụ trưởng, phó các ban, ngành. Cùng với đó là hỗ trợ sách vở cho các em học sinh, thiết bị y tế học đường cho các trường học và tổ chức khám, cấp phát thuốc cho người nghèo trên địa bàn.

Cuộc sống của bà con Đan Lai ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (Con Cuông) thời gian gần đây đã có nhiều đổi thay, khởi sắc. Đường bộ đã vào tận bản, không còn cảnh ngồi thuyền ngược sông Giăng hoặc lội bộ cả ngày đường. Điện lưới được dẫn đến từng nhà, mang theo ánh sáng văn minh, thắp sáng niềm hy vọng vươn lên thoát nghèo. Điểm trường tiểu học ở Cò Phạt và Khe Búng cũng được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện cho con em đồng bào Đan Lai tới lớp. Trạm Y tế quân - dân - y kết hợp hoạt động rất hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tất cả những yếu tố ấy đều mang đậm dấu ấn của cán bộ, chiến sỹ biên phòng Nghệ An, đơn vị nhận giúp đỡ xã Môn Sơn. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn nhận giúp đỡ xã Tam Hợp (Tương Dương) và Bắc Lý (Kỳ Sơn). Cán bộ, chiến sỹ biên phòng Nghệ An còn tặng bà con các xã 15 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng). Tổng kinh phí hỗ trợ lên tới 415 triệu đồng, được huy động từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sỹ, các nhà hảo tâm và doanh nghiệp.

Cán bộ Kho bạc Nhà nước tập huấn phần mềm quản lý ngân sách xã  tại xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp).Ảnh: Đào Tuấn

Cán bộ Kho bạc Nhà nước tập huấn phần mềm quản lý ngân sách xã tại xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp).

Ảnh: Đào Tuấn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 110 đơn vị, tổ chức doanh nghiệp nhận giúp đỡ 110 xã nghèo thuộc 11 huyện miền Tây của tỉnh. Riêng năm 2014, tổng kinh phí các đơn vị và doanh nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ các xã nghèo lên tới 6,9 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị thực hiện tốt việc hỗ trợ xã nghèo là Ban Dân vận Tỉnh ủy (xã Thanh An - Thanh Chương), Công an tỉnh (xã Châu Hoàn - Quỳ Châu), Tỉnh đoàn (xã Đoọc Mạy - Kỳ Sơn), Chi cục Kiểm Lâm (xã Mường Típ - Kỳ Sơn), Sở Nội vụ (xã Tiền Phong - Quế Phong), Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh (xã Tà Cạ - Kỳ Sơn)...

Trao đổi về chủ trương mỗi đơn vị, tổ chức doanh nghiệp nhận giúp đỡ một xã nghèo, ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Đây là chủ trương chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Phần lớn các xã nghèo miền Tây đã được gúp đỡ củng cố và nâng cao hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; xây dựng mô hình mẫu để tiến tới nhân rộng. Chúng ta ghi nhận, biểu dương các cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt chủ trương này, tạo sức lan tỏa, giúp đồng bào miền Tây tăng tốc phát triển...”.

Công Kiên