Lễ hội Đền Vua Mai - Điểm đến du lịch văn hóa tâm linh
(Baonghean) - Nam Đàn có nhiều di tích ghi dấu những giai đoạn mang tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc. Trong đó, cụm di tích gắn liền thân thế Mai Thúc Loan và sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường do ông lãnh đạo, từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa, nhất là Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm...
(Baonghean) - Nam Đàn có nhiều di tích ghi dấu những giai đoạn mang tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc. Trong đó, cụm di tích gắn liền thân thế Mai Thúc Loan và sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường do ông lãnh đạo, từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa, nhất là Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm...
Trên địa bàn Thị trấn Sa Nam thuộc huyện Nam Đàn ngày nay, có 3 di tích liên quan đến vua Mai (Mai Thúc Loan): Lăng, đền thờ Mai Hắc Đế và mộ mẹ Vua Mai. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia và tương truyền 3 di tích này hết sức linh thiêng.
Đấu vật tại Lễ hội vua Mai năm 2014. Ảnh: Phạm Bằng |
Mẹ vua Mai vốn người huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) lưu lạc đến vùng rú Dẻ (xã Nam Thái - Nam Đàn ngày nay), hằng ngày kiếm củi hái rau sinh sống và sinh ra Mai Thúc Loan - người con trai duy nhất. Khi bà mất, người con được dân làng cưu mang, lớn lên thành một thanh niên khỏe mạnh, vạm vỡ, là Mai Hắc Đế sau này. Khu mộ của bà được xây dựng ngay trên đỉnh rú Dẻ, rất thiêng. Nhờ vậy, trải qua hàng ngàn năm, khu rừng dẻ mãi xanh tốt vì bom đạn chiến tranh không phạm đến, không một ai dám chặt phá.
Đua thuyền tại Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh: Thanh Lê |
Cách đó không xa, dưới chân núi Đụn (Hùng Sơn), nay thuộc xã Vân Diên, là khu lăng mộ Mai Hắc Đế và con trai là Mai Thúc Huy - đây được coi là thành lũy của kinh đô Vạn An dưới triều đại Vua Mai. Từ Vạn An, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Đường ở thế kỷ thứ VIII đã lôi cuốn sự tham gia của nhân dân cả nước và đi đến thắng lợi hoàn toàn. Lăng Mai Hắc Đế nay được trùng tu nằm sau các công trình kiến trúc cổ uy nghi thờ ông và các tướng sỹ, là nơi để nhân dân và du khách đến viếng vào những ngày lễ lớn.
Từ khu lăng mộ, đi chừng hơn cây số du khách đến với đền thờ Mai Hắc Đế ở khu vực Ngọc Đái Sơn, trước thuộc làng Hương Lãm, tổng Nộn Liễu, nay là Thị trấn Sa Nam. Đây là ngôi đền cổ uy nghi và nổi tiếng linh thiêng được coi là địa điểm tổng hành dinh cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Khi ông xưng đế, lập quốc hiệu Vạn An, thì nơi đây được coi là quốc đô. Cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan diễn ra từ năm 713 đến năm 813 đã đánh đuổi quân nhà Đường tàn bạo xâm chiếm nước ta, bóc lột dân nghèo... Cả vua Mai, hai phu nhân là Đinh Thị Tô Ngọc và Phạm Thị Uyển, các hoàng tử Mai Bảo Sơn, Mai Kỳ Sơn, Mai Thúc Huy (Mai Thiếu Đế) cùng các thân tướng đã lần lượt hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến xưa đều được thờ tự trang nghiêm tại đây. Đền thờ được trùng tu lần mới nhất vào năm 2005, gồm 3 phần: Thượng điện thờ vua và gia quyến; Trung điện thờ các thân tướng, nghĩa liệt của vua; Hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng cộng đồng và lưu giữ nhiều hiện vật như long ngai, bài vị, câu đối. Trong đó có câu đối nổi tiếng liên quan đến lòng dân ngày ấy: “Một dạ như cha con cầm tay mà đánh giặc/Ngàn năm tựa vua tôi, sát cánh để lên trời”. Hằng năm tại đền thờ vua Mai, ngoài lễ hội vào dịp Rằm tháng Giêng, còn có các ngày giỗ mẹ vua, các hoàng hậu vào tháng 7 và ngày giỗ vua vào ngày 16/9 thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương.
Đầu Xuân, về với Nam Đàn mới cảm nhận được không khí tưng bừng chuẩn bị cho ngày khai hội. Khắp các con đường rợp cờ, phướn, khẩu hiệu chào mừng Lễ hội Đền Vua Mai năm 2015. Ông Nguyễn Thiện Dũng, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Nam Đàn cho biết: “Năm nay về với Lễ hội Đền Vua Mai, người dân sẽ được chứng kiến một số nội dung lễ hội truyền thống được phục hồi như: Lễ rước nước từ bến Sa Nam về đền thờ Vua Mai. Đồng thời sẽ được thưởng thức vở cải lương “Mai Hắc Đế” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đàn (nay là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) do Nhà hát Cải lương Việt Nam trình diễn. Được biết, sau khi công diễn tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) từ 27 đến 29/1, vở cải lương “Mai Hắc Đế” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Qua 3 đêm diễn, gần 3.000 khán giả không chỉ được thưởng thức câu chuyện về người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế cách đây hơn 1.300 năm, mà còn cảm nhận những thông điệp đầy tính thời sự. Đó là tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, sự bảo vệ vẹn toàn chủ quyền lãnh thổ.
Ở các địa phương trên địa bàn huyện Nam Đàn, không khí chuẩn bị cho lễ hội cũng không kém phần sôi nổi. Tại các xã Khánh Sơn, Nam Trung, Nam Phúc, Nam Kim, Nam Cường, Nam Lộc, Nam Tân, Nam Thượng, Vân Diên, Nam Thanh, Nam Hưng, Nam Nghĩa và thị trấn, các đoàn viên thanh niên cùng nhau “thiết kế” những ngôi nhà trại, những chiếc bàn, những khu vườn, cổng chào... thật ấn tượng, góp phần cho thành công của hội trại được tổ chức tại Lễ hội. Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân xã Vân Diên, chia sẻ: “Không khí chuẩn bị cho Lễ hội Đền Vua Mai thu hút đông đảo già trẻ, trai gái trong xã tham gia các hoạt động của lễ hội như hội trại, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên... Riêng chị em chúng tôi năm nào cũng tham gia thi làm cỗ xôi gà - nét đẹp truyền thống của Lễ hội Đền Vua Mai”.
Ông Đinh Xuân Quế, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đền Vua Mai năm 2015, cho biết: Xác định Lễ hội Đền Vua Mai năm 2015 là điểm nhấn quan trọng cho các lễ hội năm 2015 của tỉnh, nhằm tưởng nhớ công đức Vua Mai cùng các tướng lĩnh và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc, xây dựng nước Vạn An độc lập; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là thế hệ trẻ để tăng thêm niềm tự hào, lòng yêu nước gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Thông qua các hoạt động của lễ hội để quảng bá, giới thiệu, từ đó thu hút các nhà đầu tư, khách thập phương đến tìm hiểu, thưởng ngoạn các giá trị văn hoá thông qua các di tích đền, lăng Vua Mai nhằm phát huy văn hoá truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc và địa phương, làm tiền đề phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Bởi vậy, tiếp nối truyền thống lễ hội các năm trước, Lễ hội Đền Vua Mai năm 2015 tiếp tục được tổ chức mang đậm nét văn hóa truyền thống gắn liền với những truyền thuyết, sự tích lịch sử về Mai Hắc Đế và nghĩa quân. Lễ hội gồm hai phần: Phần lễ bao gồm các nghi thức mang đậm yếu tố văn hóa tâm linh, như lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ đại tế, lễ tạ. Phần hội gồm nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh thần thượng võ, đoàn kết như đua thuyền, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đấu vật, đẩy gậy, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, văn nghệ... Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhân dân các địa phương ở Nam Đàn sẽ chuẩn bị mâm cỗ tươm tất để dâng lên Vua Mai và các nghĩa quân. Mùa lễ hội năm 2015 này, Ban Tổ chức lễ hội đang đặt ra yêu cầu cao trong công tác đảm bảo tốt an ninh trật tự cũng như bố trí các khu vực ăn uống, vệ sinh, phục vụ nhân dân địa phương và du khách thập phương về dự lễ hội.
Với sự chuẩn bị chu đáo và thành tâm, Lễ hội Đền Vua Mai năm 2015 đang được đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong cả nước chờ đợi dịp Rằm tháng Giêng này để về tham gia “trẩy hội”.
Thanh Thủy
Lễ hội Đền Vua Mai năm 2015 sẽ diễn ra từ ngày 3 - 5/3/2015 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng năm Ất Mùi) tại 3 địa điểm: Đền thờ Vua Mai, Khu lăng Vua Mai, khu mộ Thân mẫu Vua Mai, với các hoạt động phong phú như: phần lễ (lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương, lễ đại tế, lễ tạ); phần hội đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc dân tộc như hội vật, cờ thẻ, giao lưu hát dân ca ví, giặm, thi “cỗ xôi gà”, thả đèn hoa đăng…Tối 14/1 âm lịch, Đoàn cải lương của Nhà hát cải lương Việt Nam sẽ công diễn vở “Mai Hắc Đế” tại Khu lăng Vua Mai. |