Phí sử dụng đường bộ: Bảo trì lợi ích chung
(Baonghean) - Ngày 11/9/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 133 thay cho Thông tư 197 về Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Sở Tài chính Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 93 của Hội đồng nhân dân tỉnh để kịp thời điều chỉnh, tuân thủ theo quy định mới của Chính phủ.
Đường Nguyễn Hiền (TP. Vinh) được làm mới từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ. Ảnh: T.A |
Trên thực tế, phí sử dụng đường bộ vẫn còn là một loại phí khá "mới mẻ". Đối tượng thu phí chia thành 2 nhóm sơ bộ: nhóm sử dụng ô tô (gọi chung cho xe ô tô, máy kéo, rơ móoc, sơ mi rơ móoc được kéo bởi ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự); nhóm sử dụng xe mô tô (gọi chung cho xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự). Qua khảo sát cho thấy, tình trạng phổ biến hiện nay là công tác thu phí xe ô tô thực hiện tốt; còn thu phí xe mô tô đạt tỷ lệ thấp.
Theo báo cáo tình hình thu phí mô tô năm 2013 và 2014 toàn tỉnh đạt 47,61% (tính đến tháng 11/2014). Huyện đạt tỷ lệ kém nhất là Quỳ Châu (29,51%), cao nhất là Đô Lương (63,66%). Điều đáng chú ý là tỷ lệ thu phí năm 2014 tại một số huyện, thành, thị giảm hẳn so với năm 2013, ví dụ như ở Thành phố Vinh giảm hơn một nửa. Như vậy, sau 2 năm Chính phủ ban hành Nghị định 18 và Bộ Tài chính ban hành Thông tư 133, người dân vẫn chưa hình thành được thói quen, ý thức chấp hành việc thu phí sử dụng đường bộ. Nguyên nhân do đâu?
Nghiên cứu nội dung Thông tư 197 (và sau này là Thông tư 133), có thể rút ra điểm khác biệt giữa việc thu phí đối với 2 nhóm đối tượng nằm ở đơn vị và phương thức thu, nộp phí. Việc thu phí với ô tô được tiến hành vào chu kỳ đăng kiểm. Sau khi hoàn tất việc thu, nộp phí, chủ sở hữu phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm cấp tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp. Trong khi đó, việc thu phí đối với mô tô do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm. Chứng từ thu phí là biên lai theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư của Bộ Tài chính. Ông Nguyễn Hoàng Mạnh - Chủ tịch UBND phường Vinh Tân, Thành phố Vinh cho biết: “Chấp hành nộp phí sử dụng đường bộ là trách nhiệm của người dân.
Việc nộp phí tại hội quán khối, xóm đối với người sử dụng mô tô chủ yếu do tinh thần tự giác, chứ chưa có tính ràng buộc về pháp lý như việc đưa xe ô tô đi đăng kiểm theo chu kỳ. Ngoài ra cũng có một điểm cần chia sẻ là việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ không tiến hành cùng lúc với các loại phí, trách nhiệm khác nhưng lại vào thời điểm cuối năm khi các hộ gia đình có nhiều khoản cần chi tiêu nên ý thức nộp phí của người dân còn miễn cưỡng”. Tính đến tháng 11/2014, số phí phường Vinh Tân thu được chỉ mới đạt 15.281.200 đồng trên tổng số phí giao dự toán là 261.000.000 đồng (đã làm tròn), tức đạt 9,06% kế hoạch”. Điều này thể hiện nhận thức, trách nhiệm của phần lớn người dân còn hạn chế, chưa xây dựng ý thức tuân thủ các qui định của Nhà nước. Đây cũng là một trong những con số thấp nhất trong thông báo của UBND Thành phố Vinh gửi đến 25 phường, xã ngày 04/12/2014.
Trước vấn đề này, mỗi người dân cần phải hiểu rõ, tại sao chúng ta phải nộp phí, tiền phí thu được phục vụ cho mục đích gì? Đó là nguồn thu cần thiết để nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân trong khai thác, bảo quản các tuyến đường được đầu tư bằng nguồn ngân sách hoặc vay từ nước ngoài. Quan trọng hơn nữa, nguồn phí đó sẽ phục vụ công tác bảo trì, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường. Đặc biệt, theo thông tư mới, nguồn Quỹ bảo trì đường bộ được Sở Tài chính tham mưu dành 60% bổ sung cho ngân sách để tái đầu tư xây dựng đường và 40% sẽ do tỉnh phân bổ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, trong khuôn khổ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Như thế, phí sử dụng đường bộ được phát huy giá trị tích cực vào công cuộc phát triển, vừa xây dựng thêm nhiều tuyến đường mới, vừa sửa chữa đường khi bị hư hỏng, xuống cấp... Ông Hồ Nghĩa Đức - Phó phòng Quản lý giá và công sản, Sở Tài chính cho biết, trên cơ sở Nghị định 56 của Chính phủ sửa đổi bổ sung cho Nghị định 18; Thông tư 133 của Bộ Tài chính thay thế Thông tư 197, Sở Tài chính sẽ tham mưu cho tỉnh sửa đổi phân bố, sử dụng phí sử dụng đường bộ phù hợp như nêu trên. Thông qua đó có thể khuyến khích được nguồn quĩ cho phát triển, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng giao thông.
Trạm thu phí cầu Bến Thủy (TP. Vinh) Ảnh: L.T |
Có thể thấy, để các nghị định, thông tư - nhất là khi đề cập đến một vấn đề hoàn toàn mới, các cấp ngành, địa phương khi triển khai vào cuộc sống cần tuyên truyền cụ thể, chi tiết cho người dân hiểu: nội dung chính như thế nào, vì sao cần như thế… Bên cạnh đó, để áp dụng đúng đối tượng, đúng nội dung, quy trình và đúng mục đích, cần có sự minh bạch và rõ ràng trong văn bản quy định cũng như công tác triển khai trong thực tiễn. Điều quan trọng hơn cả là trách nhiệm, ý thức và sự phối hợp của các bộ phận khác nhau trong "dây chuyền", gồm: người quản lý - người dân - người kiểm tra, điều tiết. Mỗi người tự giác hoàn thành đúng bổn phận, chức năng của mình, chính là đang cùng nhau xây dựng nên một xã hội quy củ, lề lối và tiến bộ.
Để khắc phục tình trạng người sử dụng mô tô không chấp hành nộp phí sử dụng đường bộ có thể đi theo hai hướng giải pháp: ràng buộc trách nhiệm và vận động tinh thần tự giác. Ràng buộc trách nhiệm ở đây nghĩa là cần thiết phải có và thực hiện nghiêm chế tài xử phạt đối với người không nộp phí sử dụng đường bộ. Trên thực tế, đã có Thông tư 186 của Bộ Tài chính ban hành ngày 5/12/2013 về Hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí. Trong đó có điều khoản quy định rõ: "Phạt tiền từ 01 đến 03 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định. Mức phạt tiền tối đa là 50.000.000 đồng". Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với các trường hợp chưa tuân thủ việc nộp phí sử dụng đường bộ với xe mô tô vẫn chưa có phương án cụ thể, chưa thực hiện dứt khoát. Đây cũng là một bất cập mà người dân nhiều địa phương phản ánh, khiến sức nặng pháp lý của chủ trương thu phí đường bộ giảm đi đáng kể, tỷ lệ thuận với xu hướng giảm sút ý thức chấp hành của người dân.
Để khắc phục tình trạng trên, cần giải quyết hai điểm bất cập lớn nhất, đó là: Tính khả dụng của chứng từ thu phí và đối tượng có chức năng chính quản lý, kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm. Có ý kiến đề nghị nên cấp phát một dạng thẻ như thẻ bảo hiểm phương tiện, hoặc dưới dạng tem phiếu dán lên phương tiện như tem phiếu đăng kiểm dành cho ô tô.
Khó khăn của giải pháp này là những loại chứng từ trên trước nay vẫn thuộc quyền cấp phát của một số cơ quan, đơn vị đặc thù, còn việc thu, nộp phí đối với xe máy lại do ủy ban nhân dân xã quản lý, tức nghiêng về yếu tố dân sự về mặt pháp lý. Tuy nhiên, do đây là một loại phí mới nên việc đưa ra những chế tài, thủ tục hành chính mới phù hợp để kiểm soát, quản lý là cần thiết để hình thành "nề nếp", quy chuẩn có tính ổn định. Về mặt hình thức, chứng từ thu, nộp phí có điểm tương đồng với các loại giấy tờ bắt buộc đi kèm phương tiện nên việc kiểm tra, xử phạt còn có thể giao cho lực lượng cảnh sát giao thông.
Những giải pháp nêu ra chỉ mang tính tức thời để khắc phục tình trạng “lười” nộp phí sử dụng đường bộ, còn giải pháp mang tính bền vững hơn - không gì khác ngoài việc vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trách nhiệm. Cần tích cực giải thích để người dân hiểu rằng, mức phí thu theo mỗi phương tiện chính là đóng góp cho những con đường chúng ta đi hàng ngày càng thêm bằng phẳng, êm thuận và bền vững.
Điều 43, Chương 5, Nghị định 109 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định các đối tượng sau có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí: "Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp; công chức thuế đang thi hành công vụ, Chi cục trưởng Chi cục thuế, Cục trưởng Cục thuế; thanh tra viên có nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ, Chánh thanh tra Sở và các chức danh tương đương có chức năng thanh tra chuyên ngành;...". |
Thục Anh