Phát huy giá trị của di tích văn hóa, lịch sử

01/10/2014 20:26

(Baonghean.vn) - Ngày 1/10, Đoàn Giám sát của Ban Văn hóa- xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Trần Công Dương- Ủy viên BTV, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa- xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Nam Đàn về công tác quản lý nhà nước về  di tích lịch sử-văn hóa.

(Baonghean.vn) - Ngày 1/10, Đoàn Giám sát của Ban Văn hóa- xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Trần Công Dương- Ủy viên BTV, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa- xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Nam Đàn về công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử-văn hóa.

Sau khi đi kiểm tra, giám sát một số di tích lịch sử trên địa bàn, đoàn giám sát đã có buổi làm việc với lãnh đạo, các ban, ngành, địa phương có di tích lịch sử văn hóa của huyện Nam Đàn. Là địa phương có bề dày về truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, Nam Đàn có hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình. Toàn huyện có 167 di tích, 37 di tích đã được xếp hạng, trong đó di tích cấp Quốc gia 24, cấp tỉnh là 13, số di tích cần được lập hồ sơ xếp hạng là 130 di tích. Đặc biệt được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự đóng góp của người dân nên hệ thống di tích trên địa bàn huyện đang được bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị nhiều mặt, nhất là giá trị giáo dục truyền thống tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Tại buổi làm việc, huyện Nam Đàn kiến nghị HĐND, UBND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ công tác trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp. Đặc biệt là di tích xuống cấp nghiêm trọng như đình Hoành Sơn, đền Vua Mai. Tỉnh cần đẩy mạnh việc lập hồ sơ công nhận các di tích đưa vào quản lý; chính sách cho các tổ, ban quản lý di tích phù hợp với tình hình hiện nay.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Thay mặt, đoàn giám sát, đồng chí Trần Công Dương ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, khai thác phát huy giá trị các di tích văn hóa-lịch sử trên địa bàn. Trong thời gian tới, huyện cần quan tâm phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; quản lý tốt nguồn xã hội hóa bảo tồn, tôn tạo di tích; quan tâm công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh cảnh quan môi trường khuôn viên; tăng cường phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc kiểm kê, phân cấp, xếp hạng di tích, xây dựng kế hoạch bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn; tổng kết xây dựng nhân rộng mô hình quản lý di tích tốt…

Các kiến nghị của huyện sẽ được đoàn tổng hợp, kiến nghị Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tham mưu để HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết công tác quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử- văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Lê Thanh