Thế giới và bàn cờ chính trị
(Baonghean) - Chính trị là chất xúc tác kết nối, chi phối mọi mối quan hệ: giữa các lĩnh vực, các nhóm lợi ích, các quốc gia...Ngay cả những lĩnh vực tưởng chừng độc lập như khoa học cũng không thể hoàn toàn gỡ bỏ mối dây liên hệ đó. Bàn cờ chính trị - trung tâm chi phối thế giới và đổi lại, cũng phản chiếu sự vận động của thế giới này.
Ông Thorbjorn Jagland, Nguyên Chủ tịch Ủy ban giải Nobel hoà bình. |
Nobel và chính trị: có thực sự độc lập?
Thứ Ba, ngày 3/3, Chủ tịch Ủy ban giải Nobel hoà bình Thorbjorn Jagland và cũng là Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu đã được thay thế bởi Kaci Kullmann Five, là thành viên của Ủy ban Nobel kể từ năm 2003 đến nay. Sự kiện này đã đẩy Ủy ban Nobel hoà bình vào một “trận chiến” chính trị, đồng thời cũng được nhận định như là một động thái rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc.
Nguyên Chủ tịch Thorbjorn Jagland từng là Thủ tướng Na Uy thuộc Đảng Lao động, được đề bạt vào vị trí đứng đầu Ủy ban Nobel vào năm 2009. Trong khi đó, người được lựa chọn để thay thế ông lại từng là người đứng đầu Đảng Bảo thủ. Quyết định này đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều ở Oslo, Na Uy. Asle Sveen, “sử gia” của giải Nobel nhận xét: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một Chủ tịch Ủy ban bị yêu cầu rời khỏi vị trí đó, trái với nguyện vọng của mình”. Tổng biên tập tờ Aftenposten, ông Harald Stanghelle thì bình luận: “Ủy ban Nobel đã đánh cược với sự độc lập của mình và viết nên một trang sử chưa từng có khi chính thức đặt mối dây liên hệ giữa tổ chức này với cuộc bầu cử Tổng thống của Na Uy”. Abid Raja, thành viên Đảng Tự do thì tuyên bố thẳng thừng: “Tất cả chúng ta đều biết rằng Ủy ban giải Nobel là bộ mặt của Na Uy trên trường quốc tế và sự kiện này đã biến chúng ta thành trò hề lố bịch cho cả thế giới”. Ông này cũng cùng chung quan điểm với nhiều người rằng đằng sau quyết định này, có sự chi phối nhất định của Trung Quốc.
Theo nhận định của Asle Sveen, việc cách chức ông Jagland có thể được xem như một động thái “cầu thân” với Trung Quốc. “Người Trung Quốc chắc chắn sẽ xem đây là một động thái xích lại gần Trung Quốc trên bàn chính trị”, bởi vào năm 2010, giải Nobel Hoà bình đã được trao cho Lưu Hiểu Ba. Ông Lưu là một nhà hoạt động nhân quyền và trí thức Trung Quốc, đã bị bắt vào năm 2008 vì tham gia viết Hiến chương 08, bị tước quyền chính trị trong vòng 2 năm kể từ ngày 25/12/2009. Việc trao giải Nobel Hoà bình cho ông Lưu bị chính quyền Bắc Kinh cực lực phản đối, với lý do sự kiện này sẽ truyền đi những thông điệp lệch lạc và gây ảnh hưởng không tốt đến chính trị Trung Quốc và quốc tế. Gần đây nhất, vào tháng 5/2014, chuyến thăm Na Uy của Dalai-lama để kỷ niệm 25 năm ngày ông nhận giải Nobel Hoà bình cũng khiến chính quyền Bắc Kinh khó chịu, mặc dù chính phủ cánh tả mới của Na Uy đã hết sức cẩn trọng khi không có cuộc gặp chính thức nào với vị khách này.
Sở dĩ sự thay đổi người đứng đầu của Ủy ban Nobel thu hút nhiều sự quan tâm như vậy là bởi, đây là minh chứng cho sự ảnh hưởng, chi phối của chính trường lên giải Nobel hoà bình. Mặc dù bản thân Ủy ban Nobel và Nghị viện, chính phủ Na Uy luôn tuyên bố rằng hoạt động của Ủy ban này hoàn toàn độc lập với giới chính trị Oslo. Tờ nhật báo Dagbladet chỉ trích: “Bằng việc thay đổi người đứng đầu Ủy ban Nobel, đa số thành viên của Ủy ban đã đồng thời xác nhận mối liên hệ mật thiết giữa Ủy ban và các cơ quan, tổ chức chính trị”.
Ủy ban này gồm có 5 thành viên, được bầu chọn bởi các đảng chính trong Nghị viện Na Uy với thời hạn là 6 năm. Hiện nay, Ủy ban có 2 thành viên của Đảng Lao Động, 2 của Đảng Bảo thủ và 1 của Đảng Tiến bộ - một phong trào cánh tả dân chủ và phản đối nhập cư. Trên lý thuyết, Nghị viện Na Uy hoàn toàn có quyền đề bạt các cựu chính trị gia hoặc công dân Na Uy bình thường. Mùa thu năm 2014, phần đa của Ủy ban đã thay đổi màu sắc chính trị của mình khi Henrik Syse, một nhà triết học và nghiên cứu được Đảng Bảo thủ chọn để thay thế một thành viên đại diện cho Đảng Xã hội cánh hữu trong Ủy ban. Sự kiện này là hình phản chiếu của việc thay đổi phần đa trong kỳ bầu cử Hiến pháp hồi tháng 9/2013. Từ sau kỳ bầu cử đó, dựng lên một chính phủ mà Đảng Bảo thủ và Đảng Tiến bộ cùng "chung sống" và chia sẻ quyền lực.
Đó là những ví dụ về sự chi phối của chính trị đến hoạt động của Ủy ban Nobel. Theo chiều ngược lại, năm 2009, giải Nobel được trao cho Barack Obama chỉ vài tháng sau khi ông đắc cử đã gây nhiều tranh cãi, bởi nhiều ý kiến cho rằng còn quá sớm để nhận định những kết quả mà ông làm được liệu có xứng đáng với giải Nobel. Có ý kiến còn cho rằng, ông Jagland đã tận dụng ảnh hưởng của mình để tạo lợi thế cho ông Obama trên trường quốc tế. Hoặc năm 2012 khi giải Nobel được trao cho Liên minh châu Âu trong khi ông Jagland đang giữ chức Tổng thư ký Hội đồng châu Âu. Bản thân việc ông Jagland nhậm chức Chủ tịch Ủy ban khi vẫn đang đương chức Chủ tịch Nghị viện cũng cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa Ủy ban Nobel với giới chính trị Na Uy.
Israel thách thức Tổng thống Mỹ
Thứ Ba, ngày 3/3, Thủ tướng Israel trong bài diễn văn trước Nghị viện Mỹ đã đề nghị "chặn đứng" thoả thuận về hạt nhân với Teheran. Điều này đã khiến mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước có nguy cơ căng thẳng.
Trước ông Netanyahou, chỉ có duy nhất Thủ tướng huyền thoại Winston Churchill của Anh từng có vinh dự được diễn thuyết ba lần trước Nghị viện Mỹ. Tuy nhiên, ông Churchill chưa bao giờ nhân cơ hội đó để lên án chính sách đối ngoại của Nhà Trắng và kêu gọi thính giả của mình phản đối lại chính sách đó. Theo ông Netanyahou thì tiến trình đàm phán với Iran nếu diễn biến theo xu hướng hiện tại thì kết cục sẽ chính là điều mà Mỹ muốn tránh: nhà nước Hồi giáo IS tự xưng sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông cũng miêu tả chân dung của IS như một tổ chức đe doạ đến "không chỉ Israel mà còn đe doạ hoà bình thế giới", "một tổ chức cực đoan chưa từng thấy", đã "cắn xé" bốn đất nước là Iraq, Syria, Liban và Yemen và sẽ "luôn luôn là kẻ thù của nước Mỹ". Ông cũng cảnh báo Mỹ rằng, nếu không thận trọng trong chính sách đối ngoại của mình thì "kẻ thù của kẻ thù của các vị cũng sẽ là kẻ thù của các vị".
Bài diễn thuyết của ông Netanyahou tập trung vào việc bảo vệ quan điểm cho rằng việc ký kết các thoả thuận ở Geneve giữa Teheran và các quốc gia lớn sẽ đảm bảo việc Iran bắt tay với IS trong cuộc chiến hủy diệt, với vũ khí hạt nhân trong tay. Ông thể hiện thái độ hoài nghi với một thoả thuận mà theo đó Iran sẽ không phải tháo dỡ các lò phản ứng hạt nhân. Trong trường hợp rạn nứt quan hệ với các đối tác ký thoả thuận, Iran vẫn hoàn toàn có thể tập trung vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng. Ông cũng không hề tin tưởng vào các biện pháp giám sát hay ngăn chặn nếu Iran có biểu hiện vi phạm thoả thuận. Ông khẳng định: "Tôi không tin chính quyền đó sẽ thay đổi mà trái lại. Thoả thuận này sẽ không phải là lời vĩnh biệt đối với vũ khí mà là lời vĩnh biệt với sự kiểm soát vũ khí". Thế nên theo ông, cuộc đàm phán này là "một phi vụ trao đổi thất bại".
Bài diễn thuyết đã ngay lập tức tạo hiệu ứng - những vết rạn nứt. Một phần tư các Nghị sỹ dân chủ đã quyết định tẩy chay bài diễn thuyết vì sự thiếu tế nhị đối với ngài Tổng thống. Ngay khi ông Netanyahou kết thúc phần phát biểu, đại diện thiểu số dân chủ của Hạ viện - bà Nancy Pelosi đã lên tiếng phê phán hành động "sỉ nhục" nước Mỹ của vị khách đến từ Trung Đông. Cũng cùng buổi sáng hôm đó, lịch trình của Tổng thống Mỹ đã được bổ sung một cuộc hội thảo trực tuyến với các lãnh đạo cao cấp châu Âu về vấn đề Ukraina - cùng thời điểm mà ông Netanyahou diễn thuyết trước Nghị viện. Tổng thống Mỹ chỉ trả lời Thủ tướng Israel 2 giờ sau đó mà không có lễ nghi gì.
Ông nhấn mạnh rằng, đây không phải là lần đầu tiên ông Netanyahou đưa ra những lời cảnh báo tương tự, sau khi một thoả thuận tiền đề được ký kết vào tháng 11/2013. Theo đó, chẳng một lời "tiên tri" nào thực sự xảy ra và lần này, bài diễn văn của ông cũng không đem lại điều gì mới mẻ, không đề xuất được một phương án thay thế nào khả dĩ. "Chúng ta vẫn chưa ký kết thoả thuận và hoàn toàn có khả năng Iran từ chối. Tôi đã luôn nói rằng thà không có thoả thuận nào còn hơn là một thoả thuận tồi. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì đây là phương án tốt nhất để ngăn Iran sở hữu bom nguyên tử", ông tuyên bố. Việc ông Netanyahou gây áp lực lên chính sách đối ngoại của Mỹ thông qua Nghị viện mà đa số ghế thuộc về Đảng Cộng hoà dường như không làm ông Obama nao núng, ông nhắc lại quy định của Hiến pháp Mỹ một cách lạnh lùng: "Trong hệ thống của chúng ta, chính sách đối ngoại thuộc thẩm quyền hành pháp và Tổng thống chứ không thông qua kênh nào khác".
Thục Anh (Theo Le monde)
TIN LIÊN QUAN |
---|