Những lá thư trải lòng
(Baonghean) - Dù mới triển khai nhưng phong trào viết thư “Gửi lời xin lỗi” tại Trại giam số 6 thực sự trở thành hoạt động ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc. Chính tình người và lòng yêu thương, tha thứ đã khơi dậy lòng hướng thiện, sự ăn năn, hối hận của mỗi phạm nhân; giúp họ gạt bỏ phần nào cảm giác dày vò, cắn rứt lương tâm, từ đó quyết tâm học tập, lao động, cải tạo tiến bộ để sớm làm lại cuộc đời.
Trại giam số 6 đóng trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương hiện đang quản lý gần 4.000 phạm nhân. Những năm qua, Ban Giám thị trại đã thường xuyên tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân. Trong đó, việc triển khai Kế hoạch số 319/KH-C81- C86 ngày 06/03/2014 của Tổng cục VIII về việc tổ chức phát động phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi” là một việc làm mang ý nghĩa thiết thực. Đến nay đã có 3.216 phạm nhân tham gia viết thư, trong đó có 2564 thư gửi thân nhân, 219 thư gửi người bị hại, thân nhân người bị hại, 433 thư gửi các cơ quan, tổ chức, thầy cô, bạn bè và các thành phần khác…
Thư của phạm nhân được Ban chỉ đạo tập hợp. |
Phạm nhân N.C.L, trong thư gửi mẹ đã viết: “Mẹ kính mến! Hơn 1 năm đã trôi qua mà con vẫn bàng hoàng tưởng như mới ngày nào. Đêm đêm trong những giấc ngủ chập chờn, những ký ức về gia đình ập đến giày vò tâm hồn con trong nỗi ân hận xót xa vô bờ, đau khổ tột cùng của một người con bất hiếu, 1 người chồng bất lương và 1 người cha bất kính. Con mạnh dạn viết những dòng thư trải lòng mình cùng lời xin lỗi muộn màng tới mẹ và gia đình ta… Nếu ngày ấy con hiểu được rằng hạnh phúc gia đình là quý giá và thiêng liêng vô cùng thì con đâu để sự ích kỷ nhỏ nhen và tàn nhẫn chế ngự trái tim con để rồi gây ra tội lỗi tột cùng… cho dù vết thương lòng không dễ gì có thể chữa lành được, nhưng con tin rằng với sự sám hối và quyết tâm hướng thiện của mình, con sẽ bù đắp phần nào nỗi đau của gia đình mà con đã gây ra”.
Còn trong lá thư gửi vợ con, phạm nhân B.X.T đã trải lòng “H. Đ và các con yêu thương, sau khi được học tập và được sự quan tâm chỉ bảo của Ban giám thị trại giam, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và tôi hiểu rằng đã đến lúc tôi phải dừng lại, phải tự giác tu dưỡng, phải thực sự hướng thiện thì mới thấy cuộc sống có giá trị, cuộc đời sẽ yên tĩnh và phẳng lặng. Trước đây tôi sai nhiều quá em à, tôi chưa biết dừng lại ở làn ranh giới phẩm giá và thiếu phẩm giá, nên bây giờ đã gần 60 tuổi mà tôi như một đứa trẻ con lẫm chẫm đi học hai chữ “làm người”…
Ngoài những lá thư gửi đến người thân, nhiều phạm nhân còn gửi đến gia đình, người thân của những người bị hại với mong muốn nhận được sự khoan dung tha thứ. “Kính thưa hai bác và gia đình!... Trong những ngày tháng ở trại giam, cháu đã suy nghĩ rất nhiều về những lỗi lầm của cháu, đáng lẽ ra cháu phải quỳ trước hai bác để xin hai bác tha thứ cho cháu nhưng cháu chưa thể làm được điều đó vì chưa có cơ hội… Cháu không mong gì nhiều, chỉ mong hai bác nhận cho cháu một lời xin lỗi thay cho người đã khuất, để người đã khuất cũng vui nơi chín suối và lương tâm cháu cũng nhẹ nhõm phần nào và cho cháu thêm sức mạnh để cháu cải tạo tốt dẫu biết rằng tội lỗi của cháu là quá lớn…”. Đó là lời ăn năn, hối cải tận đáy lòng xin nhận được sự khoan dung của T.V.T.
Việc phát động phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi” nhằm tạo cơ hội cho phạm nhân được bày tỏ những xúc cảm, những suy tư, sự ăn năn hối hận do hành vi phạm tội mà họ gây ra. Việc làm này có ý nghĩa lớn trong công tác quản lý, giáo dục đối với phạm nhân; tạo động lực thúc đẩy phạm nhân xoá đi những mặc cảm, tự ti, tích cực thi đua rèn luyện, lao động, cải tạo tiến bộ để làm lại cuộc đời; góp phần hạn chế và giảm thiểu tình trạng tái phạm tội đối với những phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Bức thư của phạm nhân N.C.B gửi mẹ |
Để cuộc vận động đạt kết quả, Ban Giám thị Trại giam số 6 đã thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời tổ chức phổ biến, quán triệt cho toàn thể CBCS trong từng phân trại, nắm vững mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của việc phát động phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi”. Theo đó phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ quản giáo trực tiếp, gặp gỡ từng phạm nhân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vướng mắc, mặc cảm tự ti của họ. Từ đó, tuyên truyền, động viên phạm nhân vượt qua lỗi lầm, tự giác đăng ký viết thư...
Những lá thư mang đầy sự hối hận này đã được ban chỉ đạo tra cứu địa chỉ chính xác để gửi đến đúng địa chỉ mà phạm nhân đăng ký. Những lá thư đó tuy không thể xoá hết những nỗi đau, mất mát, song với những lời lẽ chân tình, sự ăn năn, hối hận của những phạm nhân đã tạo cho những người nhận thư có cái nhìn cảm thông hơn đối với những người đang chấp hành án, những người đang phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, lương tâm… Theo đó, đã có những hồi âm từ phía người nhận. Đây chính là những nhịp cầu khoan dung, góp phần giúp các phạm nhân xóa bỏ mặc cảm, cải tạo tốt và tái hòa nhập cộng đồng. Có thể kể đến như thư của mẹ phạm nhân N.V.K. Trong thư bà viết: “Tôi cũng cảm động và tha thứ cho nó, con mình đẻ ra bỏ mô được, trước đây chơi bời quá mới có cơ sự này… Cảm ơn trại đã có cách gợi mở cho phạm nhân, những người như con tôi biết suy nghĩ về những điều tốt đẹp”.
Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị Trại giam số 6, cho biết: Việc tổ chức cho phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi” là một hình thức giáo dục mang tính nhân văn, khơi dậy tính thiện tiềm ẩn trong con người phạm nhân. Đồng thời giúp cán bộ quản giáo nắm tâm lý, tư tưởng phạm nhân để có biện pháp giáo dục phù hợp; kêu gọi các tổ chức xã hội, chính quyền, địa phương, gia đình, người thân, người bị hại cùng vào cuộc tham gia giúp đỡ họ hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt. Qua theo dõi, rất nhiều phạm nhân sau khi viết thư đã có chuyển biến tốt về mặt tâm tư tình cảm, vui vẻ, lạc quan hơn. “Không bao giờ quá muộn nếu ai đó biết hối lỗi chân thành. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức cho phạm nhân viết thư, xem đây là một biện pháp giáo dục phạm nhân yên tâm phấn đấu cải tạo tốt, sớm hòa nhập cộng đồng”.
“Gửi lời xin lỗi” đã là chiếc cầu chắp nối những ân tình, những tiếng nói từ bản năng sâu thẳm của con người một thời lầm lỡ bị đánh cắp. Chúng tôi tin rằng, những cánh thư đi sẽ nhận lại được một điều tốt đẹp, để ngày càng có nhiều phạm nhân trót bước vào con đường tội lỗi sớm trở lại cộng đồng, làm một người có ích cho xã hội…
Quảng An