"Mùa xuân Crimea":Bài học xương máu về bình đẳng các dân tộc

11/03/2015 09:57

Các cuộc chiến tranh Nam Tư, Iraq… trước đây cho đến Ukraine hiện nay đều xuất phát từ nguyên nhân không giải quyết tốt vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc.

Nga-Ukraine: 2 thái cực của vấn đề dân tộc

Trong khi Moscow đã làm quá tốt thì Kiev đã sai lầm trầm trọng trong vấn đề giải quyết hài hòa các vấn đề sắc tộc, tôn giáo. Sự kỳ thị người Nga, ghẻ lạnh ngôn ngữ tiếng Nga đã khiến Kiev mất đi bán đảo Crimea và có thể mất nốt một số vùng lãnh thổ mang đậm dấu ấn văn hóa Nga.

Chúng ta có thể thấy điều này qua bài phát biểu trước toàn dân về ý nghĩa lịch sử trọng đại của “Hiệp ước Thống nhất”, sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga của Tổng thống V.Putin ngày 18/03/2014. Trong đó, ông khẳng định, việc Crimea có ba ngôn ngữ chính thức: Tiếng Nga, Ukraine và tiếng Tatar Crimea là đúng đắn.

Vấn đề đặc biệt quan trọng là ông Putin khẳng định, Nga cần phải thực hiện tất cả các biện pháp chính trị và pháp lý để hoàn tất quá trình phục hồi “quyền dân tộc” của nhân dân Tatar Crimea. Nó thể hiện thể hiện quyền tự do và bình đẳng của mỗi dân tộc trong mái nhà chung Crimea, của mỗi nước cộng hòa trong toàn thể Liên bang Nga.

Sự hiện diện của “quyền bình đẳng dân tộc và quyền tự do ngôn ngữ của người Tatar” trong bản “Thông điệp Liên bang” của ông Putin ngày 18/03 đã một lần nữa cho thấy chính sách đúng đắn của Nga trong giải quyết các sự vụ quốc tế và thể hiện quyết tâm xây dựng hòa bình, ổn định trên bán đảo Crimea.

Những chủ trương và hành động nhất quán, có chủ đích của họ đã hướng tới 1 mục đích rõ ràng là ngăn chặn mầm mống của sự nổi loạn ở Crimea. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng người Moscow chiến thắng ở Crimea bằng việc đưa quân vào Symferopol hay bằng những hứa hẹn cứu trợ và phát triển kinh tế.

Ukraine đã mất Crimea và có thể sẽ mất nốt cả Lugansk và Donetsk do sai lầm trong chính sách dân tộc
Ukraine đã mất Crimea và có thể sẽ mất nốt cả Lugansk và Donetsk do sai lầm trong chính sách dân tộc

Thắng lợi của người Nga còn thể hiện ở chỗ, lợi dụng những chính sách bài Nga và tiếng Nga của chính quyền Kiev, Moscow đã tác động vào tâm lý thân Nga, ghét phương Tây của nhân dân miền đông Ukraine, khiến nhân dân Donbass đứng lên đòi độc lập, tạo nên một vùng đệm cho Nga chống lại sự bành trướng sang phía đông của NATO.

Moscow đã tập trung đánh vào vấn đề “nhân tâm”, tạo tâm lý xã hội bất bình về một chính quyền được xây dựng bằng đảo chính, khơi dậy sự bất mãn đối với chính quyền trung ương Kiev và dọn đường cho việc tổ chức trưng cầu dân ý về "mở rộng quyền tự trị trong đất nước Ukraine Liên bang hóa hoặc khả năng gia nhập Liên bang Nga”.

Nga tập trung đánh vào vấn đề “nhân tâm” và coi đó là điều cực kỳ quan trọng bởi cộng đồng quốc tế khó có thể phản biện về cái gọi là “nguyện vọng chân chính của nhân dân”. Nó sẽ là chỗ dựa hợp pháp để Nga tiến hành các hoạt động sáp nhập hay hậu thuẫn cho các vùng li khai ở Ukraine.

Quả nhiên sau đó, ở tất cả các vùng đều tiến hành những cuộc “trưng cầu dân ý", có sự chứng kiến của quan sát viên và truyền thông phương Tây để không ai có thể nghi ngờ về kết quả của nó. Điểm đặc biệt quan trọng là chúng đều diễn ra trong trạng thái hòa bình, ổn định và mang tính chất tự nguyện.

Người Nga đã không đi vào vết xe đổ dưới thời Liên Xô cũ và điều giúp họ làm nên chiến thắng chính là điều hòa được các mâu thuẫn, giải quyết tốt mối quan hệ giữa các dân tộc trong một chủ thể và biết lợi dụng vấn đề sắc tộc để đạt được mục đích của mình. Đây là một bài học lớn mà những nước khác cần học hỏi.

Nhân dân Crimea ăn mừng ngày sáp nhập vào Liên bang Nga
Nhân dân Crimea ăn mừng ngày sáp nhập vào Liên bang Nga

Ông Putin đã từng mỉa mai phương Tây về cái gọi là “một cuộc xâm lược” Crimea của Nga và giải thích rằng, đó là do “lòng dân mong muốn”, đồng thời thách Mỹ và châu Âu tìm ra được cuộc xâm lược nào không có bom rơi, đạn nổ giống như các sự kiện Mỹ và NATO đã từng làm ở Nam Tư, Iraq, Afghanistan, Lybia…

Cho đến nay, ông Putin vẫn có thể đường hoàng tuyên bố rằng, Moscow sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga là do “không thể từ chối nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân trên bán đảo”, còn Donbass đòi độc lập là do họ không chấp nhận sự cai quản của một chính phủ Kiev “cướp chính quyền bằng bạo lực, dựng dân chủ trên đầu mũi súng”.

Bài học xương máu cho Ukraine về vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc

Về phía Ukraine, chính sách bài Nga của giới lãnh đạo không những khiến họ mất đi Crimea mà còn có khả năng mất nốt 2 tỉnh miền Đông. Dường như Kiev không hiểu rằng đối với 1 quốc gia đa sắc tộc, vấn đề điều hòa quyền lợi giữa các dân tộc là tối quan trọng, quyết định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Các dân tộc thiểu số trong mỗi quốc gia đều có quyền được sống, được tôn trọng và phát huy giá trị riêng của dân tộc mình. Thế nhưng, chính quyền Kiev thân phương Tây đã ttước đoạt những di sản lịch sử và thậm chí cả ngôn ngữ của người Nga, cướp đoạt cội nguồn dân tộc của họ. Đây là sai lầm lớn nhất của Kiev.

Giới chính trị thân phương Tây thay nhau lên nắm quyền sau cuộc “Cách mạng Cam 1” đã thất bại trong việc củng cố khối đoàn kết toàn dân, đồng thời những hành động “bài Nga” đã trở thành một bộ phận của chính sách nhà nước, bắt đầu xuất hiện sự chèn ép tiếng Nga và văn hóa Nga trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội Ukraine.

Nga đã lợi dụng tâm lý thân Nga, ghét phương Tây để thúc đẩy phong trào đòi độc lập ở Donbass
Nga đã lợi dụng tâm lý thân Nga, ghét phương Tây để thúc đẩy phong trào đòi độc lập ở Donbass

Những khẩu hiệu kích động chiến tranh như: “Ukraine - không phải là Nga”, “người Ukraine không người Nga”, “Nga đang xâm lược Ukraine” đang đẩy đất nước này vào vực thẳm nội chiến, gây mất ổn định lâu dài trên biên giới giữa 2 nước và sẽ lan rộng ra toàn cõi châu Âu.

Chính quyền Kiev đã kích động tâm lý thù hận và ngoảnh mặt làm ngơ khi những phần tử phát xít mới Ukraine đã đẩy đổ tượng Lê Nin, thét vang lên đòi treo cổ và đâm chết "bọn Moskal" (tức người Nga), giành lại "mảnh đất Ukraine lâu đời, dường như kéo dài tới tận dãy núi Ural".

Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk còn thản nhiên xuyên tạc lịch sử, coi rẻ xương máu của những chiến sĩ của các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết - trong đó có những người con Ukraine - đã hy sinh để bảo vệ Liên bang Xô viết, đánh bại quân Đức, bảo vệ thế giới khỏi hiểm họa phát xít, bằng những tuyên bố mang tính xét lại lịch sử.

Nếu những người tham gia Maidan coi phương Tây là một hình mẫu cho tương lai, thì miền Đông Ukraine coi phương Tây là dạng thể chế chuyên áp đặt mọi thứ vì quyền lợi của mình. Miền Đông Ukraine luôn luôn ủng hộ việc thiết lập liên hệ với Nga, cả về mặt chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa và ngôn ngữ.

Đối với miền Đông, Liên minh Hải quan là một biểu tượng của việc họ sẽ đi cùng với nước Nga. Người miền Đông sẵn sàng tiếp nhận sự gia nhập của Ukraine vào Liên minh Hải quan như là một bước tiến trên con đường đi tới ổn định và phát triển của đất nước, trong khi Kiev bắt họ phải lựa chọn con đường phương Tây.

Bởi vậy, khi được kêu gọi, nhân dân miền Đông và Crimea đã đồng thanh nhất trí đứng lên chống lại chính quyền mới thân phương Tây. Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa Kiev với hai nước Cộng hòa ly khai DPR và LPR sẽ không xảy ra khi Kiev coi tất cả các dân tộc sinh sống trên đất nước Ukraine bình đẳng như nhau.

Nếu Kiev không thực hiện chính sách bài Nga thì chưa chắc nội chiến đã bùng phát ở miền đông Ukraine
Nếu Kiev không thực hiện chính sách bài Nga thì chưa chắc nội chiến đã bùng phát ở miền đông Ukraine

Nhìn từ cuộc chiến huynh đệ tương tàn ở Kosovo dẫn đến sự tan rã của Liên bang Nam Tư hay cuộc nội chiến hiện nay ở Iraq chúng ta đều thấy, chúng xuất phát từ một mẫu số chung là yếu tố mẫu thuẫn giữa các sắc tộc, thậm chí là xung đột giữa các dòng trong cùng một tộc người.

Điều này đã cho thấy, nếu không giải quyết tốt mối quan hệ giữa các cộng đồng người, giữa các dân tộc trong một đất nước, tất yếu sẽ dẫn đến xung đột sắc tộc, nội chiến và tạo cớ cho nước ngoài can thiệp phá tan đất nước như ở Nam Tư và Iraq.

Ukraine đã không thấm nhuần bài học này để đến nỗi hiện nay đất nước đang đứng trước cảnh chia năm, sẻ bảy. Chỉ một quyết định vô trách nhiệm với vận mệnh dân tộc, thể hiện sự “nhiệt tình thái quá” theo phương Tây của chính quyền Kiev đã khiến cho đất nước mình tan nát.

Nếu các đời chính quyền Kiev trước đây và sau đảo chính không đề ra cái chính sách “dại dột” là bài Nga và tiếng Nga thì Moscow không có lí do gì để thu hồi Crimea về với mình, đồng thời cũng không thể kích động tâm lý lo sợ của nhân dân miền đông Ukraine khiến họ phải đứng lên đòi độc lập.

Bài học từ "Mùa xuân Crimea" cho thấy, đối với tất cả các quốc gia đa sắc tộc, vấn đề giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các dân tộc, thực hiện bình đẳng dân tộc, chăm lo đến các dân tộc thiểu số và thi hành một chính sách hòa hợp dân tộc là yếu tố cực kỳ quan trọng, có tính chất quyết định đến sự phát triển hòa bình và ổn định của đất nước.

Nếu giải quyết tốt vấn đề này sẽ xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy được sức mạnh toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Còn nếu không sẽ rất dễ tạo ra những mâu thuẫn giữa các dân tộc, kích động tâm lý ly khai, tạo kẽ hở để kẻ thù lợi dụng chống phá gây bất ổn chính trị, dẫn đến bạo loạn, lật đổ.

Theo baodatviet.vn

TIN LIÊN QUAN