Kim Liên: Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
(Baonghean) - “Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là điều chưa có tiền lệ từ trước đến nay của cả nước. Vì chưa có tiền lệ nên chúng tôi sẽ phải vừa thực hiện, vừa rút kinh nghiệm…”. Đó là chia sẻ của ông Trần Lê Chương - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên (Nam Đàn) khi được hỏi về việc xây dựng Kim Liên trở thành đơn vị nông thôn mới kiểu mẫu.
Những khó khăn trước mắt
Theo dự thảo “Hướng dẫn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn năm 2015 – 2020” của tỉnh, một đơn vị chỉ được công nhận đạt “kiểu mẫu” nếu phần lớn các tiêu chí đều phải đạt từ 90% trở lên. Nghĩa là những “điểm chuẩn” của bộ tiêu chí nông thôn mới được nâng lên ở mức độ cao hơn. So với một số địa phương trong tỉnh, xã Kim Liên có nhiều lợi thế hơn bởi công tác quy hoạch, hệ thống hạ tầng, giao thông, thủy lợi, môi trường, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khá đồng bộ từ trước. Tuy vậy, thực tế đây là xã có tỷ lệ sản xuất nông nghiệp lớn chiếm 77%. Trong khi đó, vì là địa bàn có tính chất đặc thù nên Kim Liên không quy hoạch và định hướng phát triển công nghiệp. Đây có thể xem là một yếu tố ít nhiều có tác động đến cơ cấu kinh tế và thu nhập của xã. Bên cạnh đó, với diện tích đất nông nghiệp hơn 1.174 ha, chiếm 77% trong cơ cấu diện tích đất tự nhiên, nhưng xã chưa có thế mạnh về sản xuất lúa hay hoa màu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các hộ nông dân khó có thể trông chờ vào giá trị nông sản để cải thiện căn bản về thu nhập, mức sống.
Bà con xóm Vân Hội 2, xã Kim Liên (Nam Đàn) làm đường nông thôn. |
Vượt qua những trở ngại đó, với việc cán đích sớm trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), cho thấy quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền và đồng tâm nhất trí của bà con nhân dân. Nhưng, để trở thành đơn vị kiểu mẫu về nông thôn mới, đòi hỏi chính quyền và người dân phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Như cách nói của ông Chu Văn Ngụ – Bí thư – Xóm trưởng xóm Vân Hội 2, xã Kim Liên thì: “Mọi chủ trương khi có sự đồng thuận, bà con sẽ đóng góp hết mình…”. Tuy nhiên, ông Ngụ cũng phân vân rằng, bà con không ngại khó, ngại khổ nhưng xóm chỉ có 70 hộ với 347 khẩu, lao động nông nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 100%. Cho nên hướng phát triển mới cũng là điều trăn trở.
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện một cuộc vận động chung tay hiện thực hóa các tiêu chí “kiểu mẫu” trong điều kiện trước mắt là không dễ. Chỉ riêng về các khoản đóng góp, thời gian qua, các hộ dân đã nỗ lực rất nhiều. Như gia đình chị Trần Thị Bốn - Xóm Vân Hội 2, có 6 khẩu, riêng trong năm 2014, mỗi khẩu đóng góp 700 ngàn đồng. Tính ra gia đình chị đã đóng góp hơn 4 triệu đồng để thực hiện chương trình nông thôn mới. Và theo chị Bốn, để tiếp tục thực hiện một đợt huy động nữa trong thời điểm hiện nay với nhiều gia đình là khó, cho dù tinh thần của bà con luôn sẵn sàng. Ông Trần Lê Chương - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên thừa nhận rằng: “Cái khó nhất là việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Vì lĩnh vực này đòi hỏi nguồn đầu tư lớn, trong khi nhận thức của người dân không phải ai cũng như nhau. Một thực tế nữa là ở xã có một số tiêu chí NTM chưa thực sự bền vững”.
Phát huy giá trị văn hóa, tạo đà xây dựng xã kiểu mẫu
Mặc dù có những khó khăn được nhận định nhưng xã Kim Liên lại có những tiềm năng, lợi thế mà ít nơi nào có được. Đó là vùng đất văn hiến, văn vật với bề dày truyền thống và bản sắc văn hóa của làng quê Việt. Kim Liên là nơi sinh thành nhiều nhà nho yêu nước, chí sỹ cách mạng, đặc biệt là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây hội tụ nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị sâu sắc trong đời sống tinh thần của người dân Nghệ An, nhất là Khu Di tích Kim Liên, nơi lưu giữ những hiện vật gắn liền với quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Bác Hồ. Năm 2012 Khu Di tích Kim Liên được Chính phủ công nhận là Di tích đặc biệt cấp Quốc gia. Xét trên phương diện văn hóa phục vụ du lịch, đây là những tiềm năng để gắn kết với việc thực hiện mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Sở dĩ chúng tôi đề cập đến nội dung này là vì với một xã có đặc thù như Kim Liên, nếu hiện thực hóa được việc kết hợp giữa di tích lịch sử - văn hóa - du lịch sẽ góp phần giải quyết được một loạt vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội.
Theo Đề án “Xây dựng xã Kim Liên thành xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2015 – 2020”, trong lĩnh vực du lịch dịch vụ, Kim Liên sẽ huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng điểm du lịch trọng điểm của Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ và là điểm du lịch lịch sử - văn hóa hấp dẫn của quốc gia. Trên thực tế, trong bản đồ du lịch của tỉnh, từ nhiều năm nay Kim Liên đã được quy hoạch để trở thành vùng du lịch trọng điểm. Mỗi năm có hàng triệu lượt khách hành hương về Kim Liên, tuy vậy giá trị thu được qua hoạt động du lịch, dịch vụ vẫn còn hạn chế. Theo thống kê, tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ - thương mại năm 2014 của xã Kim Liên ước đạt 26,4 tỷ đồng, tăng 177,2% so với năm 2010. Với một địa phương như xã Kim Liên thì đây là những con số còn khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là hệ thống dịch vụ tại đây chưa tương xứng, hấp dẫn, sản phẩm du lịch quá đơn điệu, trong khi nhiều người dân trong xã dường như vẫn còn “xa lạ” với loại hình dịch vụ du lịch nhằm tăng nguồn thu của gia đình.
Mục tiêu đặt ra, đến năm 2020, tỷ trọng ngành dịch vụ của Kim Liên sẽ đạt khoảng 35% cơ cấu kinh tế. Đây là tỷ lệ cao trong cán cân kinh tế mà xã hướng tới. Và nếu đối chiếu với thực tế, để làm được điều này không phải là điều đơn giản. Hiện nay xã đang chỉ đạo chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế theo hướng: dịch vụ - thương mại - du lịch - công nghiệp xây dựng - nông nghiệp. Hướng phát triển kinh tế chủ yếu vẫn xoay quanh trục: dịch vụ - thương mại – du lịch. Ông Trần Lê Chương cho biết thêm: “Xã luôn khuyến khích người dân sản xuất các sản phẩm du lịch theo các tiêu chí: gần gũi, thân thiện. Bên cạnh đó, khai thác tối đa diện tích đất đai phát triển đa dạng các loại cây trồng hàng hóa phục vụ khách du lịch như: ngô nếp, khoai lang; Xác định và xây dựng các vùng trồng hoa, rau xanh an toàn; Khuyến khích nhân dân xây dựng vườn sinh thái tạo không gian thư giãn.
Theo hướng đó, có nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp, trồng cây ăn quả phục vụ tại chỗ cho du khách, những loại cây được khẳng định phù hợp với khí hậu, chất đất của địa phương như: na, hồng xiêm, bưởi…Với sự đầu tư từ nhiều nguồn, xã sẽ tôn tạo, phục dựng nhiều công trình kiến trúc văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ du khách, nhằm tăng nguồn thu. Hiện, các câu lạc bộ hát ví, dặm, phường vải đang được khôi phục để thu hút khách du lịch…”. Cùng với những giải pháp trên, xã Kim Liên chủ trương nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng văn hóa ứng xử phù hợp. Những giải pháp có tính “nền tảng” nêu trên được kỳ vọng sẽ phát huy được giá trị hệ thống di sản văn hóa, di tích, danh thắng, mở ra những loại hình dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đó để tái đầu tư vào các tiêu chí, hạng mục khác, hiện thực hóa mục tiêu đưa Kim Liên trở thành xã kiểu mẫu về NTM của Nghệ An và cả nước.
Bài, ảnh: Đào Tuấn