Dưới mái đền làng biển

26/10/2014 14:30

(Baonghean) - Tôi dợm bước lên những bậc thang đá dẫn lên đền Cờn. Khói hương nghi ngút từ chiếc lư đá lớn khiến tôi thoáng chuếnh choáng, hay là sông Mai Giang vỗ dập dềnh vào chân đền, chân người khiến ta như đi giữa hư ảo trập trùng?... Dưới những mái đình, mái đền làng biển, thấy một nét tâm hồn người dân vùng biển mộc mạc, gắn bó với sóng nước đến mức tôn thờ, thần thánh hóa, làm nên nền văn hóa tâm linh tín ngưỡng rất riêng...

(Baonghean) - Tôi dợm bước lên những bậc thang đá dẫn lên đền Cờn. Khói hương nghi ngút từ chiếc lư đá lớn khiến tôi thoáng chuếnh choáng, hay là sông Mai Giang vỗ dập dềnh vào chân đền, chân người khiến ta như đi giữa hư ảo trập trùng?... Dưới những mái đình, mái đền làng biển, thấy một nét tâm hồn người dân vùng biển mộc mạc, gắn bó với sóng nước đến mức tôn thờ, thần thánh hóa, làm nên nền văn hóa tâm linh tín ngưỡng rất riêng...

Bước vào ngôi đền nổi danh trong "Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng" này, không khỏi rúng động trước nét uy nghiêm của công trình kiến trúc bề thế mang những dấu ấn thời cuối Lê đầu Nguyễn, lại vừa có cái gì gần gũi, mộc mạc như những con người Phương Cần quanh năm gắn liền với sông biển và ruộng đồng. Một ông cụ ngồi ở thềm nhà bái đường nhìn ra, nói như thể đọc được điều tôi đang thắc mắc: "Bao giờ đến lễ hội ngày 19, 20, 21 tháng Giêng, người về dự lễ mới thật là đông". Phía trong điện nghe có tiếng người lầm rầm khấn vái, tiếng gõ mõ lóc cóc, tiếng đọc sớ sang sảng như hát chầu, hòa vào tiếng sóng vỗ vẳng lên từ chân đền khiến người ta thấy thanh thản mà nhẹ nhàng. Nâng gót qua bậu cửa vào trong nhà bái đường, tưởng như bước hẫng, lâng lâng như đang vào một cõi hư vô theo lời kể của ông cụ về sự tích đền Cờn: "Theo lời truyền kể của cư dân quanh vùng cửa Cờn, "Tứ vị thánh nương" thờ tại ngôi đền này là 3 mẹ con Thái hậu họ Dương của nước Nam Tống (Trung Quốc) và 1 bà nhũ mẫu. Lại cũng có thần tích cho rằng đó là 3 mẹ con Thái hậu Dương Nguyệt Quả - mẹ vua Đế Bính cùng 2 công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương cùng Hoàng Hậu Quách Thị - vợ vua Đế Bính. Một dị bản khác lại kể có khúc gỗ thần trôi dạt vào bến Cờn, người dân vớt lên, được báo mộng đó là nữ thần hóa thành, truyền khắc thành 4 bức tượng để thờ phụng. Đền Cờn gồm 2 đền: Đền Trong thờ "Tứ vị thánh nương", ngự trên cồn Diệc, trước hướng mặt ra sông, sau gối ra hướng biển. Hai linh vật của đền là khúc gỗ và vỏ hạt lúa, tượng trưng cho nghề đánh cá và nghề nông. Đền Ngoài thờ vua Đế Bính và các trung thần, dựng trên nơi cao nhất của núi Thằn Lằn. Về kiến trúc, đền Ngoài không được bề thế như đền Trong, chỉ giữ lại được hệ thống tượng đá tinh xảo. Người ta thường hay nhắc đến đền Trong và Tứ vị thánh nương chứ ít ai nhắc đến Đế Bính của đền Ngoài, âu cũng là điều lạ đối với tư duy phong kiến trọng nam khinh nữ nói chung và với nghề biển mà vai trò của người đàn ông chiếm phần lớn nói riêng.

Thi đẩy gậy trong Lê hội Đền Cờn. Ảnh: Thành Chung
Thi đẩy gậy trong Lê hội Đền Cờn. Ảnh: Thành Chung

TIN LIÊN QUAN

Đến bây giờ, có lẽ cũng chỉ còn những người già trong làng là biết rõ sự tích "Tứ vị". Con cháu thời nay mấy ai biết được những tích ấy, chỉ nghe đền thiêng, thần thiêng nên ghé vào cầu ngư, cầu an, cầu công danh sự nghiệp, khiến những cư dân của biển cả ít nhiều chạnh lòng. Nói đến tín ngưỡng miền biển, đền Cờn chỉ là 1 mắt của tấm lưới ôm trọn lấy dải biển từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An cho đến Quảng Nam, Đà Nẵng. Qua đó, để biết văn hóa tâm linh tín ngưỡng miền biển phong phú đến thế nào. Vốn dĩ người dân miền biển có đức tin mạnh mẽ, có tục thờ cá, thờ thần, thờ vật trôi - nhất là người chết trôi trên biển, có lẽ chính bởi nghề ngư phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên. Tùy vào mỗi vùng, miền, người ta đề cao một thần chủ khác nhau. Nếu như mạn miền trong có văn hóa thờ cá Ông (cá voi) rõ nét thì ở Nghệ An, Thanh Hóa lại chủ yếu thờ thần, thờ vật. "Tứ vị thánh nương" là bậc thần mẫu phổ biến nhất đối với ngư dân vùng này, bởi gắn liền với những tích sử liên quan đến Vua Trần Thái Tông, Vua Lê Thánh Tông và Vua Quang Trung được các bà hiển linh phù hộ thắng trận. Tín ngưỡng là từ văn hóa mà ra, nhưng được vun đúc, phát triển và lưu giữ là nhờ những đóng góp cho lịch sử".

Múa lân tại Lễ hội Đền thờ Nguyễn Xí. Ảnh: Sỹ Minh
Múa lân tại Lễ hội Đền thờ Nguyễn Xí. Ảnh: Sỹ Minh

Những nét văn hóa rất cổ xưa, rất mặn mòi ấy, bây giờ còn lại được bao nhiêu? Tôi thắc mắc và ông cụ một lần nữa lại cười hiền hậu: "Tháng Giêng ghé qua Hội đền Cờn, xem đua thuyền dọc trên sông, rước gỗ thần tạc tượng, rước voi, rước kiệu Tứ vị thánh nương, chạy Ói giành lễ". Tôi nhìn theo bóng 2 ông cháu - 1 tóc bạc, 1 trẻ thơ - thành khẩn dâng nén hương lên trước bàn thờ Thánh mẫu. Bước ra khỏi điện, đứa cháu ríu rít hỏi:

- Ông vừa cầu Thánh Mẫu điều gì thế ạ?

- Ông cầu cho ngày mai thuyền đánh cá ra khơi căng buồm no gió, cho tôm cá đầy khoang, cho sóng đãi người câu... Còn cháu của ông, cháu cầu gì?

- Cháu xin Thánh Mẫu cho ông và bố đánh được nhiều cá hơn ngày thường, cháu sẽ chia cho nhà bạn Na hàng xóm. Bố bạn ấy đi làm xa mãi chưa về. 2 mẹ con bạn ấy không có cá để ăn!

Tôi bật cười trước sự hồn nhiên của một tâm hồn bé thơ nhưng đã chớm mặn mà lòng nhân ái, kết đoàn của miền sóng nước. Niềm tin vào biển cả, vào sự đãi ngộ hào phóng của thiên nhiên đã hình thành nên tình yêu lao động, vun đắp nên lòng thương yêu con người trong nhân cách người dân miền biển. Có lẽ bản chất con người là hướng thiện, hướng tâm, hướng về những giá trị tâm linh - những điều khoa học không lý giải được - nhưng gắn liền với cội nguồn của sự sống. Chỉ khi nào người ta quên lãng đi nguồn gốc của những giá trị mình đang tôn thờ, mới là lúc những cái đáng yêu, đáng quý đó thoái hóa biến chất, trở thành cái cớ, cái vỏ che đậy cho thói đời trần tục, toan tính hơn thua. Tôi chắp tay thắp nén hương trước tượng Thánh mẫu, nghĩ về một thuở hồng hoang con người bé nhỏ trước thiên nhiên, nên mới nuôi cho mình lòng tin vào đấng thánh thần có cội nguồn từ chính những gì vô tri mà gần gũi, gắn bó với mình nhất. Có phải những người con miền biển được hoài thai từ những hạt muối không, mà kết tinh nơi họ đức tin thuần khiết và bề dày truyền thống văn hoá đậm đà...

Tôi nhặt một chiếc vỏ ốc dập dìu trôi vào mé nước, áp lên tai nghe vọng âm tiếng hát ai tha thiết lạ. Khi vỗ về tình cảm như sóng vỗ mạn thuyền, khi giục giã rộn ràng như mẻ lưới nào đổ cá đầy khoang. Tôi đi theo tiếng hát ấy như con thuyền đi theo tăm cá của nàng mỹ nhân ngư. Một con sóng lớn đánh vào khiến thuyền tôi chao đảo, chiếc vỏ ốc rơi tõm xuống, chìm vào đáy sông. Tiếng hát vụt tắt, tôi ngẩn ngơ tiếc nuối nhìn lên. Trước mặt không phải là mỹ nhân ngư, mà là một ông cụ với cái nhìn thẳm sâu mà trầm mặc - cụ Đinh Trọng Ấn, người sưu tầm, biên soạn mới các làn điệu, tích trò cổ của xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu.

Ấy vậy mà sóng nước lại chẳng đãi kẻ đi câu, tôi tìm về nhưng Lễ hội Đền Thượng có đâu bây giờ. Lại phải chờ đến tháng Giêng âm lịch mới được xem diễn trò lề, hát trống quân. Những người như nghệ nhân dân gian Đinh Túc hay cụ Đinh Trọng Ấn (đang được xã Quỳnh Nghĩa làm hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân dân gian) là những chiếc vỏ ốc hiếm hoi nằm lại nơi bến cát, cất tiếng hát vọng về từ thuở Rồng Vàng uống cạn lạch Quèn, ông bà đưa con cái về khai hoang rồi hoá đá, Mỹ quận công bày hội diễn trò lề làm quân giặc xao lãng... Người miền biển không ghi chép lịch sử của mình bằng mực đen giấy trắng, mà bằng những giọt mồ hôi muối đúc đá núi thành đền, bồi bến sông thành bãi. Họ lưu giữ những giá trị truyền thống và văn hoá trong điệu ví, câu hò, để ngàn đời sau còn hát mãi lời thuỷ chung.

Từ đâu đến đây, những con dân của biển cả? Một lúc nào đó trong đời người, sẽ thấy thôi thúc muốn tìm về mạch nguồn sự sống - như bản năng của những con cá tìm về suối nguồn quê hương để sinh sôi. Tôi đã ngộ ra chân lý này chính vào buổi chiều ngồi dưới mái hiên Đền thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Bước ra khỏi những câu chuyện nhuốm màu thần thoại, dòng chảy lịch sử dẫn tôi về vùng đất Nghi Hợp (Nghi Lộc), cái nôi của dòng họ Nguyễn Đình - dòng họ "khai quốc" nên "xứ sở" biển cả này. Khởi công xây dựng vào năm 1467 theo lệnh của Vua Lê Thánh Tông, đền thờ Nguyễn Xí đã được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990. Trải qua hơn 500 năm lịch sử với nhiều biến cố thăng trầm, nơi đây hầu như vẫn giữ được vẹn nguyên những quần thể kiến trúc chính cùng với nhiều hiện vật như: bia đá, tượng gỗ, chuông đồng, đồ tế khí và nhiều câu đối, hoành phi. Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá - hẳn là đứa con phương xa nào đã về đây xin nhận họ và kính tặng - nhìn những nhóm khách thập phương ghé qua đền dâng lễ, dâng hương. Cậu bé con mặt mũi lém lỉnh đang mè nheo đòi ông kể chuyện:

- Ông ơi, ông Nguyễn Xí là ai mà người ta xây đền thờ to thế ạ?

- Đấy là vị công thần 2 lần khai quốc, làm quan dưới 4 triều vua đấy cháu ạ. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Xí là một trong những trung thần phò trợ và giúp ngài dựng nên triều đại đầu tiên của nhà Lê. Sau này, Nguyễn Xí lại góp phần diệt phản nghịch Lê Chi Dân. Cháu xem bức hoành phi bên trong kia, đề 3 chữ "Nhạc giáng thần" của Vua Lê Thánh Tông ban cho, nghĩa là "Khí thiêng của núi đã giáng vào vị thần này"...

- Nhưng tại sao đền thờ lại được xây ở đây ạ?

- Bởi vì Nguyễn Xí sinh ra tại Nghi Hợp, Nghi Lộc. Thân phụ của ông là Nguyễn Hội vốn làm nghề muối, bị hổ vồ chết nên Nguyễn Xí mồ côi cha, sau mồ côi cả mẹ, nên mới ra Lam Sơn, Thanh Hóa, chịu ơn dưỡng dục của Lê Lợi. 15 người con trai của ông sau chia nhau đi thành 15 chi của dòng họ này, ai cũng đóng góp những công lao to lớn cho việc lập nước, giữ nước. Lát nữa ông cháu mình sẽ qua đền Vạn Lộc thắp hương cho Đức thánh Sư Hồi. Người con cả này của Nguyễn Xí giữ chức Đô đốc hải quân, cai quản 12 cửa biển từ sông Gianh ra đến Hải Phòng. Chính ông là người đã đưa dân ra khai hoang, lấn biển, lập nên Cửa Lò đến tận ngày nay nên dân miền biển mình tôn ông làm Thành hoàng, thờ phụng ông như một vị thần biển đấy cháu ạ. Ngày nay lớp lớp con cháu của ngài đã toả đi khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều người thành đạt, giỏi giang đến mấy rồi hàng năm cũng về đây quần tụ tại nhà thờ họ. Cháu thấy không, con người cũng như sóng biển, đi xa, dâng cao đến mấy rồi cũng phải tìm về bến bờ. Bởi sóng đánh giữa biển khơi sẽ chỉ tan biến thành bọt biển, có vỗ về bờ cát mới đem lại những chiếc vỏ ốc đẹp và hạt muối mặn mòi.

Tôi ngẩn người ngồi nghe, thấy ngờ ngợ: Phải chăng vì vậy mà ngôi đền này vẹn nguyên như chưa từng trải qua bao cuộc gươm đao chinh chiến? Có phải xương và máu của hơn 20 thế hệ họ Nguyễn đã thấm vào hồn thiêng sông núi, biến nơi đây thành mảnh đất linh trấn giữ dải đất, dải biển này? Đã qua rồi một thuở đựng đất, dựng nước. Một thuở Lạc Long Quân - vị thần biển đưa con dân đi lập ấp, lập làng, lấn biển xây nhà, đan lưới bắt cá. Rồi một thuở dân Việt cổ xăm mình, vẽ mắt cho thuyền để đánh giao long, thuồng luồng. Lại một thuở khác con người lấp lạch, đào mương, nắn dòng chảy tự nhiên, đắp đê chắn con nước dữ. Bây giờ sóng im bể lặng rồi, nhưng mạch sống tự ngàn đời thì vẫn không ngừng chảy rì rào trong dòng máu mặn mòi truyền từ những vị thủy tổ đã hóa thân thành đấng thánh thần trong tâm tưởng của lớp lớp cháu con.

Tôi cứ nghĩ mãi về những cư dân miền biển, về sự bao dung và cởi mở của họ trong quan niệm tâm linh tín ngưỡng: với họ, đấng thánh, thần có thể là một vật thể vô tri vô giác, khi lại là những nhân vật có xuất xứ từ nền văn hóa ngoại bang, nhưng cũng có thể là chính những con người rất hiện hữu, gắn bó với mảnh đất này. Có phải vì vậy mà văn hóa miền biển mới đa dạng và đặc sắc đến thế? Có lẽ chính đó là cái hồn, cái cốt của đất và người xứ thuyền, lưới: vô tư, mộc mạc mà tình cảm, thủy chung. Những tính cách đáng yêu, đáng quý đó không chỉ làm nên một nền văn hóa tín ngưỡng giàu có mà còn đắp bồi cho đời sống tinh thần và lao động sản xuất: một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ và một loạt các ngành nghề sinh ra từ nguồn sống của biển. Bất giác tôi như nghe lại tiếng hát vọng về từ chiếc vỏ-ốc-nhân-ngư:

Quét cho ngư cá được dồi dào

Quét cho canh đầy tràn thóc lúa

Quét cho mục hưng thịnh bò trâu

Quét cho phường hàng nại đâu đâu

Muối được nắng ngày thu vạn tạ...

Trăm nghề, trăm người, trăm ngả suối sông... dù có đi đâu, làm đâu rồi cũng nhớ tìm về dưới mái đền làng biển!

Ký của Thục Anh