Phải bồi hoàn 100% học bổng từ ngân sách nếu không chấp hành điều động

12/03/2015 21:38

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính vừa ký Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BGDĐT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.

 Các học sinh Việt Nam nhận học bổng của Chính phủ Singapore. (Ảnh minh họa: Đại sứ quán Singapore)
Học sinh Việt Nam nhận học bổng của Chính phủ Singapore. (Ảnh minh họa: Đại sứ quán Singapore)

Thông tư quy định về cách tính chi phí bồi hoàn, hội đồng xét chi phí bồi hoàn, quy trình trả và thu hồi chi phí bồi hoàn.

Theo đó, người học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học tập ở nước ngoài theo các chương trình giáo dục cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả chương trình giáo dục theo hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam) và người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước theo các đề án đặt hàng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp hoặc chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo.

Chi phí bồi hoàn bao gồm học phí, học bổng và các khoản chi phí khác phục vụ cho khóa học đã được ngân sách nhà nước cấp.

Đối với những người không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải bồi hoàn 100% chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước.

Đối với những người chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo số tháng làm việc còn thiếu. Chi phí bồi hoàn được tính bằng tổng chi phí đào tạo chia cho tổng số tháng phải làm việc theo yêu cầu và nhân với số tháng làm việc còn thiếu. Thời gian làm việc được tính tròn tháng nếu số ngày làm việc trong tháng từ 15 ngày trở lên.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ra quyết định điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người học không chấp hành, hoặc kể từ ngày người học tự ý bỏ việc (hoặc xin nghỉ việc) mà chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy đinh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thành lập hội đồng xét chi phí bồi hoàn.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyêt sdidnhj chi phí bồi hoàn, người học hoặc gia đình người học có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền bồi hoàn vào ngân sách nhà nươc qua kho bạc nhà nước.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 24/4.

Thông tư này không áp dụng với người học là cán bộ, công chức, viên chức và người học theo chế độ cử tuyển./.

Theo TTXVN