Người "thổi hồn" vào văn hóa dân gian
(Baonghean) - Năm 1956, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, cố Phó Giáo sư Ninh Viết Giao - về dạy Văn cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh), sau đó dạy và phụ trách công tác bồi dưỡng giáo viên Trường Trung cấp Sư phạm Nghệ An, được điều về Ty Giáo dục (nay là Sở Giáo dục - Đào tạo). Sau đó, ông được điều động sang làm biệt phái Ban Sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, chuyên sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn văn hóa và văn nghệ dân gian xứ Nghệ.
Những năm tháng gian khổ, ác liệt trong hai cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, với chiếc xe đạp Lin-con cũ kỹ, cọc cạch, chiếc mũ lá che nắng mưa, gói cơm nắm bằng lá chuối với muối vừng lạc đeo bên hông đã in dấu khắp các làng quê xứ Nghệ. Ông đi sưu tầm, ghi chép, nghiên cứu những câu ví, câu hò, câu vè, bài hát đối, hát ghẹo, hát phường vải, những câu chuyện cười, châm biếm còn lưu truyền trong dân gian. Tròn 58 năm cất công sưu tầm, ông đã cho ra đời hơn 50 tác phẩm gồm nhiều thể loại: Thơ văn, Hồi ký cách mạng; Nghề, làng nghề thủ công truyền thống, Hương ước, Từ điển nhân vật ở xứ Nghệ...
Nhưng chủ yếu là các công trình nghiên cứu về văn học, văn hóa dân gian xứ Nghệ như: Hát phường vải; Hát giặm Nghệ Tĩnh; Chuyện cổ Thái Nghệ Tĩnh; Gánh bưởi qua sông (truyện cười xứ Nghệ); Kho tàng chuyện kể dân gian xứ Nghệ; Kho tàng ca dao xứ Nghệ; Kho tàng vè xứ Nghệ; Tục thờ thần và thần tích Nghệ An; Văn bia Nghệ An; Văn học dân gian Nghệ Tĩnh; Văn hóa xứ Nghệ; Văn hóa ẩm thực dân gian xứ Nghệ... Các sách về địa chí: Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh (Nguyễn Đổng Chi, đồng chủ biên); Nam Đàn quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh (đồng tác giả Trần Thanh Tâm); Tân Kỳ truyền thống và làng xã; Diễn Châu - Địa chí văn hóa làng và xã; Quỳnh Lưu - Địa chí văn hóa; Địa chí huyện Quỳ Hợp; Địa chí huyện Hưng Nguyên; Địa chí huyện Nghi Lộc; Nghệ An lịch sử và văn hóa; Diễn Châu 1380 năm lịch sử - văn hóa - nhân vật và trên 100 bài viết, báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí hoặc in trong các sách kỷ yếu.
Cố PGS Ninh Viết Giao với những tư liệu về Dân ca xứ Nghệ. ảnh internet |
Có lẽ, chính từ cái nghiệp, sự say mê “đãi cát tìm vàng” cho văn hóa dân gian xứ Nghệ, nên bạn bè văn nghệ ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã “nhại” lại bài thơ của Tản Đà để tặng ông:
“Nực cười cho bác Viết Giao
Quê hương Thanh Hóa lại vào Nghệ An
Sưu tầm văn học dân gian
Bàn chân trải khắp trên ngàn dưới sông
Dạo chơi Nam Bắc Tây Đông
Bạn bè sum họp, vợ chồng cách xa”
Suốt cuộc đời ông đã dành tâm sức, trí tuệ phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đeo đuổi cái “nghiệp” văn hóa dân gian xứ Nghệ. Ông được Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm chức danh khoa học Giáo sư cấp I; Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; hạng Nhì; được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; Năm 2013 Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam: “Xác lập kỷ lục người có nhiều công trình nghiên cứu nhất về văn hóa dân gian xứ Nghệ” và nhiều huân, huy chương, các giải thưởng khác... Nhưng trên hết, ông được nhân dân xứ Nghệ, nhiều người làm khoa học ở Việt Nam và quốc tế gắn cho ông những “danh xưng”: “Nhà Nghệ Tĩnh học”, “Nhà địa phương học ở Nghệ An”, “Người thổi hồn văn hóa dân gian xứ Nghệ”, “Người nặng lòng với văn hóa xứ Nghệ”, “Người đi tìm vàng trong cái nghèo của xứ Nghệ”, “Người phủi bụi tìm vàng”, “Người cứu một gia tài phi vật thể của xứ Nghệ”, “Người thổi hồn vào gia tài văn hóa dân gian xứ Nghệ”, “Người xứ Thanh, thành danh xứ Nghệ”. Những vất vả, gian truân, lao tâm khổ tứ, những giọt mồ hôi nhỏ xuống trên những trang sách, trên khắp mảnh đất xứ Nghệ đã kết tinh thành những hạt “vàng mười” cho kho tàng văn hóa, văn học dân gian xứ Nghệ.
Những năm tháng cuối đời nằm trên giường bệnh, chống chọi, vật vã với những cơn đau của căn bệnh hiểm nghèo, Phó Giáo sư vẫn trăn trở với cái kho tàng Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh chưa được khai thác hết, chưa được nhân loại công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể để được trường tồn sống mãi với thời gian và nhân dân Nghệ Tĩnh. Ông từng lặn lội đi đến các cơ quan văn hóa, Ủy ban nhân dân các cấp, những người có tâm huyết ở Nghệ An, Hà Tĩnh; rồi gửi thư cho bạn bè, đồng nghiệp trong cả nước đề xuất, kêu gọi ủng hộ, lập tờ trình, hồ sơ trình UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Giờ đây, điều trăn trở ước vọng của cả cuộc đời ông, cái nợ của “nghiệp” ông với nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã thành hiện thực...
Ninh Viết Quang