Tháng Ba của mế

08/03/2015 09:12

(Baonghean) - Với phụ nữ vùng cao, Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) cũng là một ngày bình thường như bao ngày khác. Họ vẫn làm lụng trên rẫy, trên nương với cuộc mưu sinh vất vả. Nhưng đâu đó, trong ánh mắt họ vẫn ánh lên niềm khát khao về một ngày vui trọn vẹn…

Phụ nữ bản Tả Xiêng - Ngọc Lâm (Thanh Chương) thu hoạch sắn.
Phụ nữ bản Tả Xiêng - Ngọc Lâm (Thanh Chương) thu hoạch sắn.

Trong một ngày tháng Ba trọng đại của giới nữ, cách đây cả chục năm trời, tôi từng hỏi một bà mế ở bản rằng, trong ngày 8/3 mế làm gì, có được nghỉ ngơi không, có được bố quan tâm săn sóc như phụ nữ ở miền xuôi không? Bà chia sẻ: Đó cũng là ngày làm việc bình thường trên nương rẫy. Mế biết đó là ngày vui của giới nữ, nhưng mối bận tâm lớn nhất của họ vẫn là cái ăn, cái mặc, rẫy nương. Trong ngày kỷ niệm mà các mế quen gọi là “phụ nữ vùng lên” ấy, chỉ có Chi hội phụ nữ bản đứng ra tổ chức cho chị em hát hò, chia nhau đĩa kẹo. Những người già như mế đã hết tuổi sinh hoạt hội, lại chẳng hợp với kiểu hò hát của người trẻ nên vẫn lên rẫy bình thường. Có những chị em, dù là hội viên Chi hội phụ nữ thôn bản nhưng vì nhiều lẽ, họ đang phải lao vào cuộc mưu sinh trong cái ngày này, nên đây chỉ là một ngày bình thường.

Bây giờ, mọi chuyện đã khác xưa? Tôi tự hỏi như thế và tìm về những bản làng vùng cao xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Chúng tôi đến bản Xiềng Lằm trong một buổi sáng lây rây mưa phùn. Quả là, bản cũ chỉ còn trong hoài niệm, bởi không gian nhà sàn gần như đã biến mất. Cái còn lại để người ta nhận ra nếp bản này là tiếng Thái bà con còn dùng hàng ngày và trang phục truyền thống nữ xuất hiện lác đác trên các nẻo đường bê tông trong bản. Trên sân bóng chuyền của bản, một tốp hơn chục cô gái bản đang tập luyện để thi đấu cùng các thôn bản trong xã kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ. Vậy là đã khác với cái thời cách đây chục năm về trước, cái ngày tôi đã hỏi chuyện bà mế nọ. Ngày nay, phụ nữ ở bản Xiềng Lằm cũng như ở vùng cao đã biết đến trái bóng chuyền, đến ngày dành riêng cho giới nữ. Ý nghĩ này khiến tôi lấy làm thú vị khi đi ngang qua bản để đến chỗ một bà mế ở rẫy, tên gọi Lương Thị Minh, người sớm biết vượt lên nhưng khó khăn, nay cuộc sống đang dần ổn định trên quê mới.

Sau hồi lâu ngồi xe máy và cuốc bộ một quãng ngắn, chúng tôi đến căn chòi ở rẫy của gia đình bà Minh. Quanh căn chòi lợp lá cọ có ruộng nước, ao cá và một rừng keo. Bà Minh kể: Gia đình chuyển về bản mới từ năm 2009, theo lời kêu gọi của Ban quản lý Dự án Thủy điện II và chủ trương của Nhà nước. Lúc đó cả nhà có 6 miệng ăn. Đến đây, hầu hết dân bản chẳng ai quen với đất đai, rừng suối. Đất cằn cỗi, suối nhỏ, cá ít. Ban đầu thấy chồng con bàn chuyển về lại bản cũ, bà cũng “lung lay” tư tưởng. Nhưng rồi nghĩ, nếu về lại trên ấy xa xôi cách trở, bản cũ chẳng còn, cháu con học hành ra sao? Với lại trước kia khó khăn về đường sá như vậy mình vẫn sống tốt thì chẳng lẽ về đây lại chịu bó tay? Bà bàn với ông vào vùng đất được chia khai hoang, tính kế sinh nhai,…

Cuối năm 2009, bà Minh cùng chồng bắt đầu lại công việc. Sáng tinh mơ, bà đã cùng ông thức dậy ăn qua quýt vắt xôi rồi bắt tay vào việc, đến khi mặt trời gần đứng bóng mới về cắt cỏ cho trâu. Bữa trưa của bà và ông thường chỉ diễn ra sau một giờ chiều, rồi kỳ công khai hoang ruộng nước lại tiếp tục cho đến tối nhọ mặt người. Bàn tay bà trở nên chai sạn hơn, da và tóc đều rám nắng, chính sự vất vả ấy lại khiến bà thêm phần quyết tâm, bám trụ để thoát khỏi cái nghèo. Ngày còn ở bản cũ, gia đình bà có trên sáu chục con bò và hàng trăm con dê. Năm nào cũng có hàng trăm triệu gửi vào ngân hàng. Khi di dời nhà cửa chỉ mang theo được 6 con bò, còn lại bán hết. Số tiền bán bò, bán dê, rồi rút ra từ ngân hàng cũng chỉ đủ chuyển nhà, trang trải những chi phí hàng ngày. Về đây tiện đường nhưng từ cọng rau, hạt gạo đều phải mua, lại còn tiền cho con cháu đi học nên gia sản mấy trăm triệu giờ đã vơi cạn.

Sau hơn 5 năm cố công, gia đình bà Minh đã có được một trang trại nhỏ gồm ruộng nước, rừng cây, ao cá, rộng trên 1ha. Dẫu rằng chưa hết khó khăn, nhưng gia đình đã có thể yên tâm ở lại bản mới. Tôi hỏi: Nhiều năm mế ở rẫy rồi, thế ngày 8/3 năm nay, có định về bản vui vầy với chị em không? Bà Minh trả lời: Bà cũng có biết, đó là ngày quan trọng của phụ nữ, nhưng chờ hết vất vả rồi tính chuyện vui sau cũng được. Bởi mới đây đã vui Tết rồi, nay phải chăm lo công việc, gia đình. Vậy là đối với bà Minh, ngày “phụ nữ vùng lên” cũng như mọi ngày khác trong năm. Dẫu vậy, nhìn trong ánh mắt mế vẫn ánh lên niềm khao khát về một ngày vui trọn vẹn.

Hồi lâu ngồi bẽn lẽn nghe chuyện của chúng tôi, là chị Vi Thị Loan, cháu dâu của bà Minh vào thăm chú, mự. Qua phút ngại ngùng ban đầu, chị tâm sự, 18 tuổi, từ xã Tri Lễ (Quế Phong) về Tương Dương làm dâu. Chưa đầy một năm sau đã phải cùng gia đình chồng rời bản cũ về bản mới. Bố chồng đã mất, nay lại phải nuôi mẹ già mắt mờ, chân chậm. Cuộc sống chẳng biết bao giờ thì hết khó khăn. Cũng may, nhờ tình làng nghĩa xóm, sự quan tâm của Đoàn thanh niên, bộ đội biên phòng mà năm ngoái chị đã có được ngôi nhà tình thương gọi là có chốn ấm áp đi về. Bởi thế, có thể có thể Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay sẽ vui hơn đối với chị.

Rời trang trại nhỏ của gia đình bà Lương Thị Minh, chúng tôi men theo những con đường mới mở trên tuyến Ngọc Lâm đi xã Thanh Sơn. Mùa này, bà con đang vào vụ thu hoạch sắn. Công việc của những phụ nữ ở đây là gùi tập kết sắn về ô tô tải. Những chiếc gùi đè nặng trên lưng, trên vai khiến đôi bàn chân trần luôn bám chặt xuống mặt đất. Tôi chợt nhớ đến câu của một người bạn miền xuôi khi nói về phụ nữ miền núi, rằng phụ nữ miền núi dạn dày sương gió mà da vẫn trắng ngần. Chỉ thương cho những đôi bàn chân trần bám chặt trên dốc núi thì chẳng mấy bắt mắt. Riêng tôi lại nghĩ, đó là dấu vết sự hy sinh của họ dành cho gia đình, làng bản.

Không chỉ những đôi chân trần, cả những bàn tay cũng đã chai sạn vì lam lũ. Nhưng ánh mắt họ thì luôn biết cười. Ẩn chứa sau những nét cười hồn nhiên ấy là niềm mơ ước về một ngày vui trọn vẹn, về một cuộc sống tươi sáng hơn..

Hữu Vi