Phát huy tiềm năng nghề nuôi cá lồng

06/03/2015 13:48

(Baonghean) - Những năm qua, nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện đang phát triển mạnh với số lượng lồng cá được tăng theo từng năm. Việc nuôi cá lồng đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho đồng bào vùng rẻo cao. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn ở dạng tự phát, chưa theo quy hoạch, chưa gắn với bảo vệ môi trường cũng như chưa tạo được hệ thống tiêu thụ ổn định.

Với hệ thống sông lớn như sông Nậm Nơn, Nậm Mộ (Kỳ Sơn, Tương Dương), sông Chu (Quế Phong) cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, hàng loạt các hồ chứa được hình thành, tạo nên nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh ta phát triển khá mạnh mẽ.

Điển hình như tại huyện Quế Phong, năm 2012, sau khi ngăn sông tích nước cho Thủy điện Hủa Na đã hình thành nên lòng hồ rộng lớn, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Tận dụng lợi thế đó, các xã Đồng Văn, Thông Thụ đã phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Từ kết quả ban đầu cho thấy, nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện mang lại thu nhập khá cao, nên từ chỗ ban đầu toàn huyện mới có trên 30 lồng cá thì nay có trên 160 lồng cá. Sau khi nuôi trên 8 tháng nuôi, sản lượng cá thịt trung bình đạt từ 3 - 3,5 tạ cá/lồng, mang lại thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng/năm.

Anh Lang Văn Thoại ở bản Pù Khoóng (Khủn Na 2) xã Đồng Văn, một trong những hộ dân “liên doanh” nuôi nhiều nhất, đang “tỉa” cá bán cho khách hàng trên lòng hồ cho hay: “Từ năm 2013 gia đình tôi chung vốn với 2 hộ gia đình khác gồm ông Lang Văn Hiền và ông Hà Văn Phong nuôi 14 lồng cá. Quá trình đó, được Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng/lồng (tiền làm lồng và cá giống), còn lại các gia đình phải đầu tư thêm 6 triệu đồng/lồng. Do lồng đóng bằng gỗ tạp nên mức đầu tư thấp, khoảng 12 triệu đồng/lồng, sử dụng được 2 năm là phải thay mới. Trong các năm 2013, 2014 thu được mỗi năm từ 28 - 30 tạ cá/14 lồng, mang lại nguồn thu nhập khoảng từ 350 - 400 triệu đồng/năm”.

Cũng theo anh Thoại ở đây chủ yếu nuôi cá trắm, loại cá này dễ nuôi và có giá trị cao. Nuôi cá lồng không quá vất vả do tận dụng được nguồn thức ăn là các loại sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như lá sắn, lá chuối, ngô, đặc biệt là cỏ khá nhiều tại khu vực gần lòng hồ… Do vậy, chi phí đầu tư ban đầu không quá cao và nhanh cho thu hồi vốn.

Thả cá giống lồng bè trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na - Quế Phong.
Thả cá giống lồng bè trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na - Quế Phong.

Ông Lang Văn Tuần - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết thêm: Đến thời điểm này toàn xã có trên 40 lồng cá, hàng năm đem lại nguồn thu trên 1,5 tỷ đồng, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề ở miền núi. Trong năm 2015, xã sẽ tiếp tục tăng thêm quy mô từ 10 - 15 lồng, đặc biệt xã đang triển khai thí nghiệm một số mô hình nuôi cá quây lưới trên lòng hồ. Cụ thể là làm đăng chắn lưới tại các eo, ngách hồ để nuôi cá theo hình thức bán thâm canh và thâm canh. Theo tính toán, 1ha nuôi cá ở eo, ngách hồ theo phương thức quây lưới cho thu nhập 7 - 8 tấn cá, doanh thu 350 triệu đồng/năm. Nếu nuôi 10 lồng cá trên 1ha mặt nước, doanh thu chỉ đạt 170 triệu đồng thì nuôi cá quây lưới cho lợi nhuận gấp 1,5 lần. Chưa kể nuôi quây lưới thoáng, cá ít bị dịch bệnh.

Còn tại địa bàn huyện Tương Dương, hiện có 2 lòng hồ thủy điện là bản Vẽ và Khe Bố, người dân tập trung nuôi cá lồng khá nhiều. Bà Võ Thị Xuân ở bản Cửa Rào I, xã Xá Lượng - Tương Dương đang cho cỏ vào lồng cá cho hay: “Gia đình tôi nuôi 2 lồng cá, mỗi lồng nuôi 160 con, chủ yếu cá trắm và cá bọp, trong năm 2014, cá thịt đạt 6 tạ, bán với giá 150.000 đ/kg được 60 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 42 triệu đồng/năm. So với làm nương rẫy như trước đây thì thu nhập nuôi cá lồng là quá cao rồi”.

Theo bà Xuân thì để nuôi cá lồng bè phải đóng lồng cá bằng khung gỗ cây phèn lấy ở rừng sâu, loại cây này chịu nước rất tốt, có thể nuôi cá lồng được trên 20 năm. Tuy nhiên chi phí đóng lồng cá rất cao, từ 18 - 20 triệu đồng/lồng, trong khi hỗ trợ của Nhà nước là 6 triệu đồng. Bà Trần Thị Thanh, một hộ nuôi cá lồng đúc rút kinh nghiệm là khi mua cá trắm giống, chọn loại cá “nhỡ” khoảng 4 con/kg về thả rất thích nghi và mau lớn, qua gần 1 năm nuôi đạt từ 2 - 3 kg. Bà Thanh chia sẻ: “Để thuận lợi, chúng tôi thường nuôi kiểu xen dắm để ngày nào cũng có thể bán “tỉa”, có ngày bán “tỉa” khoảng 4 kg cá trắm với giá 150.000 đ/kg đã thu được 600.000 đ. Tính tổng cộng cả năm đạt từ 22 - 25 triệu đồng/lồng”. Ông Lương Văn Phan - Chủ tịch UBND xã Xá Lượng cho biết thêm: Trước khi chưa ngăn dòng Thủy điện Khe Bố, xã mới có 13 lồng, sau khi ngăn dòng thì tăng lên 26 lồng cá. Nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên nghề nuôi cá lồng ngày càng phát triển mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: Để phát huy tiềm năng cá lồng, ngoài hỗ trợ của tỉnh 6 triệu đồng/lồng, huyện Tương Dương lồng ghép các nguồn vốn khác hỗ trợ thêm 6 triệu đồng lồng, nâng tổng mức mức hỗ trợ 12 triệu đồng/lồng cá. Nhờ vậy, chỉ riêng trong năm 2014, huyện Tương Dương đóng mới được 103 lồng cá, nâng tổng số thành 140 lồng cá, đạt mức thu nhập trên 30 triệu đồng/lồng/năm, từng bước giúp bà con thoát nghèo.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 433 lồng cá, mỗi năm tăng trên 100 lồng nuôi.. Nguyên nhân lồng cá tăng là do thời gian gần đây, người dân đã và đang dần tiếp cận với hình thức lồng nuôi công nghệ mới, chi phí thấp, dễ chăm sóc, quản lý. Cùng với đó là sự hỗ trợ đóng mới lồng bè của UBND tỉnh và chính quyền địa phương đã tạo tâm lý cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Để đạt hiệu quả nuôi cá lồng, các hộ đang chọn những giống cá chủ yếu như cá trắm, chép, rô phi… một số hộ đưa thêm đối tượng mới như cá chiên, cá lăng… tuy nhiên số lượng không đáng kể.

Nếu như trước đây phần lớn các hộ nuôi làm lồng đang tận dụng các nguyên liệu tự nhiên sẵn có như tre, gỗ, thì nay nhờ được tiếp cận với các loại lồng nuôi công nghệ mới bằng khung và lưới sắt nên đã giảm được chi phí đầu tư và dễ dàng chăm sóc, quản lý, đem lại hiệu quả cao hơn. Về kích thước lồng: có sự khác nhau giữa các địa phương, nhưng thông thường lồng nuôi có kích cỡ khoảng dài 6m x rộng 2m x cao 1,4 m. Năng suất bình quân đạt 24kg/m3 (350 kg/lồng). Nhiều vùng nuôi đạt năng suất bình quân cao như huyện Con Cuông 52 kg/m3, huyện Anh Sơn 33kg/m3. Tổng sản lượng nuôi lồng hàng năm đạt hơn 150 tấn. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa, đối với cá trắm cỏ kích cỡ 2 - 3kg/con giá 120 - 150 đồng/kg; cá chép, rô phi bình quân 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Để chủ động nguồn thức ăn và giảm chi phí sản xuất, các hộ nuôi đã trồng cỏ sữa, cỏ voi, chuối, sắn hoặc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn. Vì vậy hiệu quả kinh tế đạt khá, mỗi lồng nuôi doanh thu khoảng 25 - 35 triệu đồng. Về cơ chế chính sách, hàng năm tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng trên hồ mặt nước lớn, hiện nay đang thực hiện theo Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND, các huyện, xã miền núi thuộc khu vực III được hỗ trợ 6 triệu đồng/lồng, các huyện, xã miền núi thuộc khu vực II được hỗ trợ 4 triệu đồng/ lồng, các huyện, xã miền núi thuộc khu vực I được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/lồng, các huyện, xã đồng bằng được hỗ trợ 2 triệu đồng/lồng.

Có thể khẳng định rằng nuôi cá lồng bè đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng mặt nước. Cụ thể, tỉnh ta có khoảng 530km của dòng sông Lam, 1.250 hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ, trong đó có 948 hồ chứa với diện tích khoảng 18.513,44 ha có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có một số hồ có diện tích mặt nước lớn như hồ Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) diện tích 2.871 ha, hồ Thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong) diện tích 1.161 ha, nhưng tỷ lệ nuôi cá lồng bè còn quá ít.

Ông Trịnh Xuân Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết thêm: Lòng hồ Thủy điện Hủa Na rộng lớn nhưng người dân mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ khoảng 3 - 4% diện tích mặt nước của lòng hồ. Sản phẩm nuôi vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu. Người dân nuôi cá truyền thống còn thiếu sự chăm sóc, chưa có kiến thức, kỹ thuật quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh… nên sản lượng cá nuôi chưa cao so với tiềm năng.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương nói: Địa bàn huyện Tương Dương có 2 hồ chứa thủy điện, trong khi đó người dân chỉ mới chú trọng nuôi nhiều ở hồ chứa Khe Bố được 120 lồng, trong khi hồ chứa thủy điện bản Vẽ rộng lớn chỉ mới nuôi được 20 lồng. Nguyên nhân hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ nuôi cá lồng bè ít là do xa khu dân cư, chỉ duy nhất một số bản ở xã Hữu Khuông tập trung nuôi theo hình thức bán thâm canh. Chưa kể hiện nay là nguồn giống cá thường rất khó khăn, chưa có trại ươm nuôi cá giống, bà con phải xuống Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương mua, chi phí cao….

Để nghề nuôi cá lồng bền vững, tỉnh ta có định hướng và giải pháp nuôi cá trên hồ chứa, mặt nước từ nay đến năm 2020. Theo đó, các địa phương có tiềm năng mặt nước cần tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư và đặc biệt là quy hoạch nuôi cá lồng bè, từng bước khai thác hợp lý; bên cạnh các loại cá truyền thống cần đưa vào nuôi các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá nheo Mỹ, cá tầm. Tăng cường công tác quản lý chất lượng cá giống, công tác kiểm dịch. Với các tỉnh miền núi cần mở các lớp đào tạo kỹ thuật; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, các câu lạc bộ, các chi hội nuôi thuỷ sản…Tăng cường chỉ đạo bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ… Đồng thời cần có biện pháp quản lý tốt nguồn nước, nguồn xả thải của các nhà máy xí nghiệp quản lý lòng hồ nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động nuôi cá lồng. Về lâu dài cần tính toán đến chính sách thuê mặt nước cho các hộ nuôi gắn với quản lý nguồn nước. Xây dựng chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh thủy sản ở các vùng nước lớn. Tăng nguồn hỗ trợ kinh phí đầu tư các lồng nuôi ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để tạo ra thị trường ổn định, phát triển.

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN