Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An-Cơ hội lớn cho nhà đầu tư

21/02/2015 15:42

(Baonghean) - Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An có tổng diện tích 1,3 triệu ha trải rộng trên phạm vi 9 huyện miền Tây Nghệ An.

Rừng săng lẻ (Vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát). Ảnh: Trần Duy Ngoãn
Rừng săng lẻ (Vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát). Ảnh: Trần Duy Ngoãn

Đây là khu DTSQ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, là nơi hội tụ của nhiều hệ động, thực vật, tính đa dạng sinh học cao, có giá trị bảo tồn lớn với sự có mặt của 70 loài thực vật và 80 loài động vật được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm, đặc hữu của khu vực như: sao la, chà vá chân nâu, sa mu dầu và quần thể voi hoang dã. Đây cũng là nơi trộn lẫn, đan xen của các yếu tố địa lý với nhiều hang động, thác nước tự nhiên như thác Sao Va ở Quế Phong, thác Khe Kèm ở Con Cuông, suối Tiên, suối nước nóng ở Tân Kỳ, hang Thẳm Bua - danh thắng Quốc gia ở Quỳ Châu; đồng thời là nơi sinh sống lâu đời của 6 tộc người anh em Thái, Đan Lai, Khơ mú, Ơ Đu, H' Mông và Kinh. Các di tích lịch sử với nhiều nét văn hoá độc đáo như di tích thành Trà Lân, bia Ma Nhai, cây đa Cồn Chùa ở Con Cuông, đền Chín gian ở Quế Phong, Di chỉ Làng Vạc ở Thị xã Thái Hoà,... Đây còn là nơi lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn mang đậm nét văn hoá đặc sắc.

Nhận rõ tầm quan trọng đặc biệt của khu DTSQ miền Tây Nghệ An, trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau khi được công nhận, UBND tỉnh đã chỉ đạo 9 huyện trong vùng, đặc biệt là Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn Pù Huống, Khu Bảo tồn Pù Hoạt và các sở, ngành liên quan vừa tập trung bảo vệ và phát triển vốn rừng, vừa khôi phục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Năm 2013, UBND tỉnh đã thành lập Ban Quản lý Khu DTSQ miền Tây Nghệ An với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, các huyện và các ngành liên quan; thành lập tổ công tác giúp việc cho Ban Quản lý, văn phòng đặt tại Chi cục Lâm nghiệp để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Tập hợp thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, tổ chức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và thu hút đầu tư vào khu DTSQ; Xây dựng chiến lược phát triển bền vững dựa trên lợi thế, tiềm năng của khu DTSQ. Năm 2014, Nghệ An bắt đầu triển khai xây dựng Đề án “Khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa tại khu DTSQ miền Tây Nghệ An”, đồng thời giao Sở VH, TT và DL thực hiện "Đề án phát triển du lịch miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020" và phê duyệt “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn gen cấp tỉnh thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020”.

Khu DTSQ miền Tây Nghệ An với diện tích rộng lớn, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống nhân dân còn nghèo. Đây thực sự là áp lực làm cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ các di tích văn hóa, lịch sử địa phương cũng như quốc gia thực sự khó khăn, phức tạp. Quản lý khu DTSQ là một vấn đề mới mẻ với cách thức hoạt động điều phối liên ngành, nên việc khai thác các lợi thế để phát triển kinh tế địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nghệ An kêu gọi và mong muốn các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, đầu tư các dự án vào khu DTSQ miền Tây Nghệ An, nhất là các dự án áp dụng công nghệ cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học nhằm bảo tồn, phát triển bền vững, xứng đáng là Khu dự trữ sinh quyển mà UNESCO đã công nhận.

Hải Yến