Nga hết kiên nhẫn, đoạn tuyệt "Dòng chảy phương Nam"

01/01/2015 09:58

Ngày 31/12, Bộ ngoại giao Nga ra tuyên bố, “Dòng chảy phương nam” (South Stream) đã khép lại bởi lúc cần nhất thì EU đã đóng cửa với nước Nga.

TIN LIÊN QUAN

EU cuống quýt níu kéo “Dòng chảy phương nam”

Ngày 19/12 vừa qua, Thủ tướng Bulgaria thông báo rằng, Bulgaria được giao trách nhiệm thường trực để thực hiện việc chuẩn bị cho công tác xây dựng và ban hành các giấy phép cần thiết. Hội đồng Châu Âu đã “ủng hộ và hoàn toàn thấu hiểu”, Bulgaria không còn phải chịu trách nhiệm và bị phạt vì thực hiện dự án này.

Sau cuộc gặp gỡ các nguyên thủ EU, Bulgaria sẽ ban hành các giấy phép cần thiết để có thể bắt đầu xây lắp đường ống “Dòng chảy phương nam” và tiếp tục thực hiện dự án này. Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov đã thông báo sau cuộc gặp với nguyên thủ các nước EU tại cuộc gặp cấp cao tại Brussels ngày 19/12.

“Đất nước chúng tôi có trách nhiệm thường trực thực hiện các nghĩa vụ nhằm chuẩn bị cho công tác xây lắp và đặc biệt là cho việc nối dài đường ống qua đáy biển và phát hành các giấy phép cần thiết. Nếu Gazprom hủy bỏ dự án bất chấp sự cấp phép của Bulgaria thì đó là lỗi của họ, không phải của Bulgaria” - ông Borisov nói và cho biết thêm rằng, giờ ông “đang chờ phản ứng từ Gazprom”.

Vì những căng thẳng với Nga trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine và muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Moscow về vấn đề năng lượng, Liên minh Châu Âu đã phản đối dự án “Dòng chảy phương nam” có chi phí 40 tỉ USD, ban đầu định lắp đặt đường ống dưới lòng biển Đen và chạy vào EU qua Bulgaria.

Một số lời chỉ trích nói rằng họ tin nó đã vi phạm luật của Liên minh châu Âu, nhưng vài nước thành viên EU coi đường ống khí đốt không đi ngang qua Ukraine này là cách tốt nhất để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt và lợi ích kinh tế của chính họ, và vẫn hi vọng dự án có thể tiếp tục trở lại.

Mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tỏ ý ủng hộ Bulgaria trong nỗ lực đàm phán của nước này với Nga về việc tái triển khai đường ống khí đốt “Dòng chảy phương nam”, sau khi Moscow đã hủy bỏ dự án vào đầu tháng này và chọn Thổ Nhĩ Kỳ là nơi đặt đường ống mới.

Nga tuyên bố dự án “Dòng chảy phương nam” đã chính thức khép lại
Nga tuyên bố dự án “Dòng chảy phương nam” đã chính thức khép lại

“Chúng tôi cần xem xét mọi vấn đề về pháp lý quanh dự án ‘Dòng chảy phương Nam’ và tận dụng chúng để đẩy mạnh quá trình trao đổi đối với Nga”, bà Merkel cho biết sau khi đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov ở Berlin ngày 15/12.

Các nước khác cũng được lợi từ tuyến ống này, bao gồm Serbia và Hungary cũng muốn khôi phục dự án. Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Medvedev đã hơn 1 lần khẳng định “không loại trừ khả năng hợp tác với các đối tác từ EU trong dự án xây dựng đường ống mới không qua lãnh thổ Ukraine”, nhưng là… dự án khác chứ không phải là “Dòng chảy phương nam”.

Quyết định của hủy bỏ dự án của Putin và hợp tác với thành viên không thuộc EU là Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra sau khi các nước phương Tây áp dụng lệnh cấm vận kinh tế đối với Nga do những hành động tại Ukraine. Ông Putin cho rằng, EU đã gây sức ép lên Bulgaria, không cho họ quyền tự quyết và ngăn cản dự án cung cấp cho châu Âu 67 tỷ mét khối khí hàng năm.

Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới tới Thổ Nhĩ Kỳ đi qua Biển Đen sẽ thay thế cho dự án “Dòng chảy phương nam”. Trị giá ban đầu phần đường ống ngoài khơi của “South Stream” được ước tính khoảng 10 tỷ euro, phần trên đất liền đi qua châu Âu là 6 tỷ. Sau này, chi phí đoạn dưới biển đã tăng lên 14 tỷ euro còn phần đất liền ở châu Âu - 9,5 tỷ.

Sau khi ông Putin đưa ra quyết định chấm dứt dự án “Dòng chảy phương nam” sau chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1-12 vừa qua, một số chuyên gia đã cho rằng đây chẳng qua chỉ là “đòn nắn gân” của Putin, buộc châu Âu phải nhượng bộ Nga. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy Moscow hoàn toàn có khả năng chấm dứt dự án này.

“Dòng chảy phương nam” đã chính thức khép lại

Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy dự án này sẽ “chết hẳn” là việc Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến đầu tư vào phần đường ống trên đất liền dẫn khí đốt từ Nga. Ankara chưa có kế hoạch tài trợ xây dựng phần đường ống dẫn khí từ Nga đi qua biển, bởi họ chỉ có khả năng gánh vác chi phí thi công đoạn đường ống trên đất liền.

Ông Taner Yildiz, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố vào ngày 11/12 rằng, nước này sẽ tính toán chi phí của mình cho phần đường ống đi qua Thracia (phần đất châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ) và chưa có bất kỳ ý tưởng về trị giá phần đường ống được đặt dưới biển.

Công ty quản lý dự án đường ống Thổ Nhĩ Kỳ “Gazprom Russkaya” đã được thành lập
Công ty quản lý dự án đường ống Thổ Nhĩ Kỳ “Gazprom Russkaya” đã được thành lập

Sau đó, đến ngày 22/12, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Nga đổi tên tuyến đường ống “Dòng chảy phương nam” thành “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (Turkish Stream). Điều này nói lên rằng, Ankara đã sẵn sàng bắt tay vào dự án và Moscow sẽ không cần đến “South Stream” - dòng chảy có thể khiến Nga lao đao mỗi khi có mâu thuẫn với EU.

Dự kiến, 1/4 công suất của đường ống mới sẽ được dành cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ để bù lại khối lượng khí đốt hiện giờ được vận chuyển qua Ukraine và vùng Balkan. Khoảng 50 tỷ m3 sẽ được dẫn vào một trạm khí đốt sẽ được xây dựng mới ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp.

Còn các khách hàng châu Âu quan tâm đến khối lượng khí đốt này có thể mua ở đó. Doanh nghiệp thực hiện dự án cung cấp khí đốt mới này sẽ có tên “Gazprom Russkaya”. Ngoài ra, một dự án xây dựng sàn giao dịch thương mại khí đốt cũng đang được phía Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch thực hiện.

Khi nhận xét về dự án xây dựng đường ống đến Thổ Nhĩ Kỳ vào hồi tuần trước, Chủ tịch Tập đoàn Gazprom Alexey Miller tái khẳng định sự “chết yểu” của dự án “Dòng chảy phương Nam” và khẳng định việc từ bỏ dự án này không hề ảnh hưởng đến công ty của mình.

“Về tiền, Gazprom chẳng bị tổn thất chút nào. Chúng tôi đã đầu tư gần 5 tỷ USD vào các cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt trên lãnh thổ Nga để thực hiện “hành lang phía Nam” nhằm vận chuyển khí đốt đến khu vực Krasnodar và cung ứng cho trạm nén khí Russkaya.

Tất cả khoản đầu tư này đều hoàn toàn cần cho dự án đường ống khí đốt qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi thứ đều đâu vào đó”, ông trả lời và cho biết thêm “Sắp tới sẽ có nhiều sự kiện liên quan đến dự án này, khi đó chúng tôi sẽ thông báo cụ thể”.

Lời tuyên bố của vị chủ tịch Gazprom đã được Bộ ngoại giao Nga tái khẳng định vào ngày hôm qua - 31/12 khi Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố chính thức khép lại đề tài "Dòng chảy phương nam” sau khi Moscow đã phải chờ đợi mỏi mòn trước sự ngăn cản quyết liệt của EU.

"Đến hôm nay, chắc quí vị đã biết, câu hỏi về dự án này đã được khép lại, như Tổng thống Putin đã tuyên bố rõ ràng và dứt khoát. “Nga từ chối xây dựng đường ống dẫn khí đốt ‘Dòng chảy phương Nam’ và đến hôm nay, vấn đề này chính thức được khép lại” - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vasily Nebenzya tuyên bố.

Nebenzya nhắc lại việc “Nga đã kiên nhẫn gõ quá lâu vào cánh cửa đóng chặt, và cuối cùng khi nhận ra rằng người ta không muốn mở cửa, Nga phải tìm những đối tác mới bởi thật vô nghĩa khi đổ vào nước biển những khoản đầu tư nhiều tỷ mà không có hy vọng sẽ được hoàn lại” - nhà ngoại giao Nga nói.

Nga còn tuyên bố sẽ bồi thường "một phần thiệt hại" cho Serbia do việc dừng dự án. Việc bồi thường đã được lãnh đạo hai nước đề cập đến vì "Nga không muốn lợi ích của Serbia bị ảnh hưởng". Điều này khẳng định là Nga đã quyết định chắc chắn là sẽ đoạn tuyệt với “Dòng chảy phương Nam”.

Theo baodatviet.vn