Đàm phán EVFTA là động thái tích cực trong quan hệ Việt Nam-EU
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu ngày 13/10/2014. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN) |
Ngày 24/3 tới, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục vòng đàm phán thứ 12 tại Hà Nội về Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Đây có thể coi là vòng đàm phán cuối cùng để hai bên giải quyết những khác biệt đi đến tuyên bố kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định.
Ông Joseph Waldstein Wartenberg, phát ngôn viên của Ban Thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của EU và việc ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác, cũng như tiến hành các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do là những động thái tích cực trong mối quan hệ song phương.
Ông Wartenberg nhấn mạnh năm nay, EU và Việt Nam cũng tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ song phương. EU rất quan tâm củng cố quan hệ với Việt Nam, trong đó có việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế và thương mại. Việc ký kết EVFTA trong tương lai sẽ thúc đẩy tăng trưởng và việc làm ở cả Việt Nam và EU.
EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc). Trong năm 2013, thương mại hai chiều đã đạt 27 tỷ euro, trong đó EU nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trị giá 21 tỷ euro.
Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của EU trong ASEAN và đứng thứ 30 trong số các đối tác thương mại của EU. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng 28% từ năm 2009 đến năm 2013.
Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam, Ông Wartenberg nhận xét Việt Nam là một trong những nước phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN và là một ví dụ nổi bật của một nền kinh tế mở cửa hướng đến thương mại.
Quốc gia này có dân số trẻ và một lực lượng lao động tay nghề cao và có nhiều tiềm năng chưa được khai thác trong mối quan hệ thương mại và đầu tư của EU. Do đó, EU mong muốn tăng cường quan hệ thương mại với Việt Nam thông qua FTA.
FTA là một thỏa thuận đầy tham vọng và toàn diện về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, mua sắm chính phủ. Ngoài thuế quan và loại bỏ các rào cản phi thuế quan, các cuộc đàm phán đang tập trung giải quyết các vấn đề khác liên quan đến thương mại, vấn đề pháp lý, cạnh tranh, và các quyền sở hữu trí tuệ bao gồm cả chỉ dẫn địa lý.
Ngoài ra, thỏa thuận sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư EU-Việt Nam và tạo ra cơ hội kinh doanh cho cả hai bên. Ông Wartenberg cho rằng EU và Việt Nam là nền kinh tế bổ sung với nhiều kết quả đạt được từ sự hợp tác gần gũi hơn bao giờ hết.
Xuất khẩu của EU vào Việt Nam gồm các sản phẩm công nghệ cao như máy móc, thiết bị điện, máy bay, ô tô, và dược phẩm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, quần áo, cà phê, gạo, thủy sản và đồ gỗ.
Để tránh cho Việt Nam có thể trở thành một thị trường lao động tay nghề thấp sau khi ký kết EVFTA, ông Wartenberg cho biết sẽ có một chương về thương mại và phát triển bền vững, bao gồm cam kết về các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các hiệp ước, hiệp định môi trường đa phương, các quy định không được làm tổn hại hoặc không thực thi có hiệu quả pháp luật lao động và môi trường trong nước để thu hút thương mại và đầu tư, đặc biệt là để tránh một "cuộc chạy đua xuống thấp", cũng như tạo cơ chế cho sự tham gia của xã hội dân sự.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải cam kết bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học (bao gồm động vật hoang dã), lâm nghiệp (bao gồm việc chống lại khai thác gỗ trái phép), và thủy sản cũng như biến đổi khí hậu.
Ông Wartenberg nhấn mạnh cam kết cải cách của Việt Nam với chính sách "Đổi mới" tiến hành từ giữa những năm 80 đã dẫn đến những thành tựu kinh tế-xã hội quan trọng. Cam kết của Việt Nam về cải cách kinh tế và chính trị rất ấn tượng. EU sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình này thông qua cuộc đàm phán về EVFTA./.
Theo TTXVN