Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở: Những cách làm hay
(Baonghean) - Có thể khẳng định, nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới mà hệ thống thiết chế VH - TT đồng bộ ở khắp các làng quê đã được quan tâm đầu tư, góp phần không nhỏ vào phát triển đời sống văn hóa ở khu dân cư, giảm tệ nạn xã hội, đời sống tinh thần của người dân phong phú hơn,… góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Phụ nữ xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn thi đấu bóng chuyền. |
Có mặt tại Nhà Văn hóa xóm 2, xã Nghi Liên (TP. Vinh) – xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 8 vừa qua, chứng kiến một buổi sinh hoạt xóm, mới thấy tinh thần phấn chấn của bà con khi được ngồi họp trong nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp, đầy đủ trang thiết bị từ quạt trần, loa máy, bàn ghế… Bà Trương Thị Kim Liên – người dân xóm 2 phấn khởi: Trước đây, nhà văn hóa, khuôn viên tạm bợ, bàn ghế thiếu thốn, trời nóng không có quạt… nên chúng tôi ngại đến họp ở nhà văn hóa. Từ ngày xây dựng nông thôn mới, cùng với sự hỗ trợ của xã, nhân dân đã tích cực vào cuộc để xây dựng lại hệ thống thiết chế VHTT đồng bộ, vừa có chỗ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức hội họp dân, vừa có sân bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông… cho thanh niên, người cao tuổi, các cháu thiếu nhi vui chơi, giải trí. Những hoạt động này đã giúp cho người dân thêm gần gũi, gắn bó, tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt…
Không giống như các xã làm nông nghiệp khác, hết mùa là được nghỉ ngơi, xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) chuyên trồng rau màu nên bà con luôn bận rộn bám đồng, bám ruộng. Thế nhưng, dù bận đến mấy, cứ đúng 5 giờ chiều, khắp các sân ở Nhà Văn hóa 8 thôn của xã đã rộn ràng không khí tập luyện thể thao của nhiều lứa tuổi khác nhau. Vừa lau mồ hôi sau trận bóng chuyền, chị Hồ Thị Tám (xóm 2) cho biết: Ở Quỳnh Lương, phong trào phụ nữ chơi bóng chuyền phát triển rầm rộ mấy năm nay, nhất là từ ngày hệ thống thiết chế VHTT được đầu tư xây mới – trở thành điểm gặp gỡ, giao lưu của chị em sau những giờ vất vả với việc đồng áng. Để có được các hoạt động thường xuyên này, thời gian qua hội phụ nữ xóm đã vào cuộc tích cực, vừa tuyên truyền, động viên, vừa trăn trở nghĩ ra những hoạt động gì cho phong phú, hấp dẫn chị em, phù hợp với địa bàn mình phụ trách…
Trao đổi với xóm trưởng Hồ Trọng Lệ, được biết: Với hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao như hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa – thể thao cho người dân trong xóm. Hiện nay, ngoài các hoạt động như bóng chuyền, cầu lông, tập dưỡng sinh, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng… là nơi sinh hoạt, hội họp của cả xóm. Thời gian qua, chúng tôi đã khôi phục lại giếng làng Bân - nằm trong khuôn viên nhà văn hóa - có bia dẫn tích để trở thành một điểm di tích của xóm. Sắp tới, chúng tôi sẽ khôi phục lại những hoạt động của làng trước đây gắn với giếng làng như hội làng vào dịp đầu xuân, tăng cường thêm các buổi sinh hoạt CLB văn nghệ quần chúng của các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội CCB, Hội Nông dân… Còn ở cấp xã, sau khi đón nhận nông thôn mới vào tháng 9/2014, đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trung tâm thể thao, nhà truyền thống xã với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng – đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa – thể thao của toàn xã. Và khi trung tâm này đi vào hoạt động, xã sẽ liên kết với các xã bạn để tổ chức các buổi giao lưu bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, văn nghệ quần chúng, mít tinh các ngày lễ lớn của xã.
Anh Nguyễn Văn Minh – cán bộ văn hóa xã Hưng Tân - xã đầu tiên của Hưng Nguyên về đích nông thôn mới cho rằng: Để phát huy hơn nữa hệ thống thiết chế văn hóa nông thôn mới, các chi hội ở các xóm phải trăn trở đầu tiên. Mỗi chi hội phải nghĩ ra những cách thức tổ chức, cách làm ra sao, những hoạt động gì cho phong phú, hấp dẫn để thu hút hội viên tham gia. Ví như hội phụ nữ ngoài tổ chức các cuộc họp, nên tăng cường thêm các buổi sinh hoạt về “cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Thì thầm bên gối”, kế hoạch hóa gia đình, chuyện mẹ chồng nàng dâu hay cách chọn thực phẩm thế nào cho tốt, cách trồng cây gì cho hiệu quả… Đoàn Thanh niên thì tổ chức giao lưu những thanh niên gương mẫu hay giao lưu bóng chuyền, tổ chức thêm những buổi tọa đàm về hướng nghiệp, chọn nghề... Sắp tới, Hưng Tân sẽ phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể, chi hội từ xóm đến xã để bàn bạc, thống nhất tăng cường thêm các buổi sinh hoạt có những nội dung gần gũi với cuộc sống, phù hợp với từng lứa tuổi, từng thế hệ…
Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL cho biết: Để phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế VHTT đồng bộ, rất cần sự trăn trở của chính quyền địa phương, các đoàn thể, nhất là cán bộ các xóm, thôn. Cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho các cấp, các ngành, toàn xã hội hiểu, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của hệ thống thiết chế VHTT đồng bộ trong đời sống tinh thần của nhân dân; có chính sách chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ văn hoá, thể thao cho cán bộ làm công tác văn hoá, thể thao ở các xã, phường, thị trấn và làng, bản, khối, xóm tại huyện, thành phố, thị xã; Tổ chức tốt các hình thức phát động thi đua xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và phát triển đời sống văn hóa cơ sở. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các mô hình, điển hình tiên tiến trong phát triển xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở.
Bài, ảnh: Thanh Thủy