Giữ gìn nét đẹp đi lễ đầu năm
(Baonghean) - Đầu năm đi lễ cầu tài, lộc, sức khoẻ, bình an, cuối năm lên chùa để trả ân, trả nghĩa. Đây là triết lý sống, cách hành xử đẹp mang nét văn hoá đặc trưng của người Việt. Song ngày nay, nhiều người đi lễ đầu năm ngoài ý nghĩa cầu may, nhiều gia đình còn làm lễ dâng sao giải hạn, kéo theo nhiều hệ luỵ, biến tướng lệch lạc về tín ngưỡng tâm linh...
Những hình ảnh chưa đẹp
Mặc dù theo quy định của đền Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) từ ngày mồng 8 Tết, đền mới tổ chức cúng giải hạn vào ban đêm, từ ngày 16 (âm lịch) mới tổ chức các khoá giải hạn vào ban ngày. Nhưng ngay sau Tết, rất đông người dân đến làm lễ dâng sao giải hạn.
Chị Nguyễn Thị Nga ở xã Diễn Hồng (Diễn Châu) cùng con gái có mặt từ sớm để làm lễ giải hạn, cho biết “Đã nhiều năm nay, tôi đều làm lễ giải hạn cho cả gia đình ở đền. Để được tham gia khoá giải hạn sớm thì phải đăng ký từ cuối năm trước, chi phí cho lễ dâng sao giải hạn trung bình một người là 100 nghìn đồng (nhà chùa sắm hết cho các lễ và cả các loại vàng mã, hình nhân…); nhà tôi có 5 người nên chi phí hết 500 nghìn đồng”.
Đi lễ đầu năm ở Đền Hoàng Mười (Hưng Thịnh, Hưng Nguyên). |
Nhiều gia đình khá giả còn tự sắm lễ đầy đủ với ý niệm “trần sao âm vậy” cho lễ giải hạn đầu năm. Vừa xong canh lễ, khệ nệ bưng mâm lễ với đủ các loại ngũ quả đến cành vàng, tiền vàng và các loại vàng mã, hình nhân đi hoá, anh Lê Hùng ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay: “Đã thành lệ, vào đầu Xuân cả gia đình tôi lại về đây làm lễ giải hạn. Tiền sắm lễ, nhờ thầy cúng, trọn gói hết 2 triệu đồng”. Mặc dù mỗi mâm lễ có giá không hề rẻ, giá các loại vàng mã từ 20 nghìn đồng lên hàng trăm nghìn đồng, hình ngựa lên tới 200 nghìn đồng/hình, thế nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng sắm với quan niệm “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”.
Quan niệm ấy trước hết gây lãng phí tiền của, đồng thời kéo theo tình trạng đốt vàng mã diễn ra phổ biến trong các đền, chùa dịp đầu năm.
Ông Nguyễn Đình Tường, Phó Ban Quản lý đền Hoàng Mười cho biết: “So với các năm trước, số lượng đốt vàng mã có giảm nhờ công tác tuyên truyền trên các phương tiện được đẩy mạnh; Ban Quản lý đền còn bố trí đội ngũ cán bộ trực hướng dẫn du khách thực hiện đúng quy định về việc đốt vàng mã. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu tâm linh của người dân rất lớn nên khó kiểm soát, vào những ngày cao điểm của dịp lễ, lượng khách đổ về lớn làm lễ giải hạn vàng mã đốt nhiều, không tránh khỏi làm ảnh hưởng đến du khách thăm viếng, thưởng lãm đền vào ngày Xuân”.
Ngoài ra, một trong những thực trạng khó chấn chỉnh trong những ngày lễ hội đầu Xuân là người dân đến đền thắp hương tràn lan. Mặc dù ở đền Hoàng Mười trong hai năm lại đây vào mùa lễ hội, Ban Quản lý đền đã bố trí khu vực trước cổng có đặt sẵn hương và đèn để phục vụ khách đi lễ, đồng thời hướng dẫn khách “mỗi người chỉ thắp một cây hương” nhưng thực tế rất ít người làm theo.
Đó cũng là tồn tại đang diễn ra ở đền Cuông (Diễn Châu). “Mặc dù từ năm 2014, Ban Quản lý đền Cuông đã đặt 14 biển chỉ dẫn trong khu vực dền, hướng dẫn du khách đi lễ cách thắp hương đúng quy định; đồng thời phát thông báo trên hệ thống loa phát thanh của đền trong những ngày lễ, nhưng đâu lại vào đấy. Rất khó khăn để thay đổi thói quen cố hữu của người dân, hầu hết người dân đi lễ vẫn thắp cả nắm hương, rồi cắm khắp các cửa đền” - ông Võ Sỹ Tài, Trưởng phòng Văn hoá huyện Diễn Châu chia sẻ.
Nỗ lực chấn chỉnh
Tuy vẫn còn những vấn đề đáng bàn, song nhìn nhận khách quan rằng, những hành xử của người dân khi đi lễ đầu Xuân đã bước đầu có chuyển biến đáng mừng.
Theo ông Phan Hữu Lộc, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thời gian qua, nhờ triển khai các giải pháp, phối hợp đồng bộ giữa chính quyền với địa phương với Ban Quản lý di tích tăng cường quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội, nên nhìn chung đi lễ tại các địa điểm văn hoá tâm linh trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành nếp sống văn minh, tình trạng đốt vàng mã, thắp hương tràn lan, bói toán… đã có xu hướng giảm so với các năm trước.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội năm 2015, UBND tỉnh đã có Văn bản số 637/UBND.VH về “Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội”.
Theo đó, yêu cầu các huyện, thành thị: Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức, bổ sung hệ thống bảng, biển chỉ dẫn cho du khách về các quy định thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội; tăng cường đội ngũ kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, các hành vi vi phạm trong tổ chức, quản lý lễ hội… Cùng với đó, Sở VH-TT&DL cũng đã thành lập đoàn kiểm tra tại địa điểm diễn ra hoạt động lễ hội trước, trong những ngày diễn ra lễ hội.
Bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành, thiết nghĩ, để trả lại giá trị đích thực tục lệ truyền thống của dân tộc đi lễ ngày Xuân, thì mỗi người dân cần nhận thức đúng đắn về tín ngưỡng tâm linh.
Trao đổi về vấn đề này, Đại Đức Thích Minh Trí, Trụ trì chùa Ân Hậu (Nghi Đức - Thành phố Vinh) khuyên rằng: “Đạo Phật không nói dâng sao mà là cầu bình an, giải hạn cho tất cả mọi người và nghi thức này nên hiểu như một lễ cầu an để tự mình răn mình, tự tạo nhân - quả cho mình. Bởi thế, lên chùa đầu năm mọi người chỉ nên sắm lễ gồm hương, hoa, quả, làm lá sớ lên lễ theo tín ngưỡng của mình để cầu gia đình trong năm đó được mạnh khỏe, bình an, gia đình hạnh phúc…
Theo các nhà nghiên cứu Phật giáo, tục đốt vàng mã không phải là quan niệm của đạo Phật. Đi lễ chùa là để lễ Phật, đi lễ đền là cầu Thánh, cầu Thần theo tín ngưỡng dân gian, ai tin gì làm nấy, nhà phật không cấm đoán, nhưng khuyến khích từ bỏ hoặc thay thế bằng những việc làm công đức, việc thiện, có ích để hồi phước đức. Đây mới là việc làm “âm dương lưỡng lợi” theo quan niệm từ bi và trí tuệ của đạo Phật”.
Các cụ xưa dạy rằng “lòng thành thắp một nén nhang”, đi lễ thành tại tâm. Mong rằng, với nỗ lực chấn chỉnh những hiện tượng biến tướng phát sinh trong cuộc sống hiện đại, các lễ hội truyền thống sẽ được trở về đúng với giá vị vốn có của nó, trả lại nét đẹp đi lễ chùa đầu Xuân từ bao đời nay của người Việt.
Đinh Nguyệt