Truyền thông Nga ám chỉ: Biểu tình Hồng Kông là 'tác phẩm' của Mỹ

01/10/2014 09:36

Báo The Wall Street Journal ngày 30.9 nêu giới truyền thông Nga bắt đầu phát các thông tin rằng cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông là một âm mưu do Mỹ tổ chức.

TIN LIÊN QUAN

Sinh viên Hồng Kông đeo mặt nạ chống hơi cay
Sinh viên Hồng Kông đeo mặt nạ chống hơi cay

Thứ Hai qua, khi cuộc biểu tình ở Hồng Kông phản đối việc Trung Quốc (TQ) hạn chế quyền bầu cử chức đặc khu trưởng Hồng Kông vào năm 2017-là tin nóng của thế giới, Kênh truyền hình số 1 thuộc nhà nước Nga không đưa tin, còn kênh NTV cũng của nhà nước chỉ đưa tin ngắn.

Nhưng qua ngày 30.9, các kênh nhà nước-nguồn thông tin chính cho đa số dân Nga- nhận định người Hồng Kông biểu tình là “nhân tố” của một vụ kích động của Mỹ, giống như Mỹ đã kích động người Ukraine biểu tình rồi lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovitch thân Nga hồi tháng 2.2014.

Luồng thông tin này phù hợp với các thông điệp mới đây của Điện Kremlin, tố cáo phương Tây đang muốn phá hoại chính phủ Nga, bằng cách kích động những sự bất mãn.

"Tình báo Mỹ huấn luyện đặc biệt"

Trong một đoạn đưa tin về cuộc biểu tình ở Hồng Kông, một phát thanh viên của kênh Rossia 24 (nhà nước Nga) nói: “Theo báo giới TQ, lãnh đạo phong trào đã được tình báo Mỹ huấn luyện đặc biệt”.

Cuối ngày 30.9, phát thanh viên của Kênh truyền hình số 1 giới thiệu một phóng sự từ Hồng Kông, nói Mỹ đứng sau cuộc biểu tình: “Bắc Kinh nói người tổ chức biểu tình có liên hệ với Bộ Ngoại giao Mỹ”.

Trong khi đó, theo báo Wall Street Journal (WSJ), chính phủ TQ không hề đưa ra lời cáo buộc này.

Cuối năm 2011, đã có những vụ biểu tình chống chính phủ ở Moscow, liên quan kết quả bầu cử quốc hội gây tranh cãi. Lúc đó, ông Vladimir Putin nói Mỹ đứng sau kích động, cụ thể là Bộ Ngoại giao Mỹ và Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton.

Trong các thông tin hôm 30.9, cả hai Kênh truyền hình số 1 và Rossiya 24 chiếu một video, cho thấy một nữ sinh viên phản đối người Hồng Kông và so sánh sự giống nhau với một clip do một thiếu nữ phản đối thu hình ở Kiev.

Hai đài nêu 2 đoạn clip này giống nhau và nói bóng gió rằng đó là tác phẩm của Mỹ.

Kênh Rossiya 24 còn tỏ ra nghi ngờ khả năng tổ chức một cuộc biểu tình quá lớn của các sinh viên Hồng Kông, khi một phóng viên của đài nói: “Đây là thế hệ xài điện thoại thông minh, sinh viên, thậm chí học sinh trung học. Nhưng không thể có chuyện từ bàn học, họ học cách cùng sử dụng màn hiện điện thoại di động để cùng có một hình ảnh hiệu quả.

Không thể có chuyện người còn ở tuổi đi học lại có ý tưởng đem dù ra làm biểu tượng, và một lần nữa lại tạo ra một màu tươi”.

Phóng viên này nói bóng gió rằng Mỹ dạy học sinh, sinh viên Hồng Kông các kỹ năng trên.

"Động thái trả đũa Bắc Kinh"

Từ năm 2003 đến năm 2005, với sự giúp đỡ của phương Tây, đã có những cuộc “cách mạng màu” bùng nổ ở các nước thuộc Liên Xô cũ như Gruzia, Ukraine, Kyrgyzstan sau những kết quả gây tranh cãi và dẫn đến những chính phủ thân Mỹ và khiến Nga bực mình.

Ngày 30.9, giới truyền thông Nga nói ám chỉ, rằng không phải chuyện tình cờ, khi cuộc biểu tình ở Hồng Kông xảy ra ngay sau những vụ biểu tình ở Ukraine.

Một nữ phát thanh viên của Rossiya 24 nói: “Đã có sự lựa chọn chính xác một thời điểm để bắt đầu các hoạt động ngỡ như tự phát này. Các nhà phân tích nói Washington làm thế để trả đũa Bắc Kinh ủng hộ Moscow trong mối liên hệ dẫn đến những sự kiện ở Ukraine”.

Nhưng không có nhà phân tích nào được phỏng vấn hoặc kể tên.

Thông tin ngày 30.9 của Kênh Truyền hình số 1 cũng cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine giữ một vai trò về thời điểm bắt đầu cuộc biểu tình ở Hồng Kông:

“Nhiều khả năng Washington toan gây tình hình bất ổn, như phương Tây cấm vận và Nga nhìn sang phía đông để tìm một trung tâm tài chính thay thế. Cùng lúc, có thể Bắc Kinh bị trừng phạt vì đã tỏ thái độ về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, dẫn đến sự cân bằng và từ đó các nước phương Tây không thể chấp nhận”.

Các kênh Nga đều dẫn những cuộc họp của sinh viên ở Trung tâm Hồng Kông-Mỹ (một tổ chức văn hóa của một cựu chuyên viên ngoại giao Mỹ)- là bằng chứng Mỹ nhúng tay tổ chức các cuộc phản đối Bắc Kinh.

Trong khi đó, WSJ không thể gặp giám đốc Trung tâm này để có lời bình luận.

Gần đây, một tờ báo ở HK và thân Bắc Kinh cáo buộc một thủ lĩnh sinh viên 17 tuổi, Joshua Wong, là “chốt thí”của chính phủ Mỹ. Nhưng Wong phủ nhận.

Một thông tin của kênh Rossiya 24 cũng quy trách nhiệm cho Anh. Phát thanh viên nói: “ Các chuyên gia nói một thế lực khác đứng sau cuộc phản đối là Anh, vốn vừa mất khá nhiều quyền lợi mà các công ty của họ từng thụ hưởng trong nhiều năm sau khi Anh trao trả nhượng địa này cho TQ”. Dù vậy, phát thanh viên này không nói chuyên viên nào, tên gì.

Các cáo buộc của Nga không chỉ giới hạn trên truyền hình. Konstantin Rykov, một cây blog thân Điện Kremlin tải một ảnh lên mạng xã hội Twitter, chụp một người phản đối HK đeo một chiếc nơ màu vàng và so sánh hình ảnh này với chiếc nơ màu trắng mà người phản đối từng đeo ở Moscow năm 2011.

Nguồn Một Thế Giới