Israel và Jordan cùng nhau hợp tác cứu Biển Chết
(Baonghean) - Đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngày một nghiêm trọng ở khu vực Biển Chết, 2 quốc gia Israel và Jordan vừa quyết định cùng nhau ký kết một hiệp ước cho phép bơm nước từ Biển Đỏ đến Biển Chết và kéo dài cho đến Bờ Tây.
Vừa qua, tại Thủ đô Amman của Jordan, đại diện của 2 quốc gia Israel và Jordan đã cùng nhau ký kết hiệp ước cung cấp nước nhằm giải quyết phần nào tình trạng hạn hán ở khu vực Biển Chết, Jordan, Israel và Bờ Tây. Hãng tin Petra của Jordan cho biết, văn bản này tập trung vào việc “thực hiện phần đầu” của ý định thư ký kết hồi tháng 12/2013 tại Washington giữa đại diện của Israel, Jordan và Palestine nhằm nỗ lực cứu lấy Biển Chết. Hiệp ước được ký kết trước sự có mặt của người đại diện nước Mỹ và Ngân hàng Thế giới.
Quang cảnh Biển Chết. Ảnh: AFP/Khalil Mazraawi |
Cụ thể, người ta sẽ cho xây dựng một hệ thống bơm nước tại vịnh Aqaba nằm ở phía Bắc Biển Đỏ với công xuất lên đến 300 triệu m3 mỗi năm. Trong đó một lượng lớn nước sẽ được chuyển đến Biển Chết, phần còn lại sẽ được khử mặn để cung cấp cho Israel và Jordan. Dự án cũng cung cấp cho những người Palestine khoảng 30 triệu m3 nước mỗi năm. Được biết, theo ước tính của các nhà khoa học, nếu con người không giải quyết tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở khu vực này thì đến năm 2050, Biển Chết có thể sẽ hoàn toàn cạn khô.
Sau khi ký kết hiệp ước, các bên đã tiến hành đấu thầu việc xây dựng trạm bơm với chi phí ước tính lên đến 90 triệu USD và kéo dài trong vòng 3 năm. Bộ trưởng Hợp tác khu vực của Israel Silvan Shalom – người chịu trách nhiệm cho việc hợp tác với Jordan phát biểu “Đây là dự án quan trọng nhất giữa 2 nước kể từ khi Israel ký kết hiệp ước hòa bình với Jordan vào năm 1994”. Ông Silvan đánh giá dự án này sẽ là một đỉnh cao trong “việc hợp tác xây dựng” giữa 2 đất nước.
Vào năm 2012, Ngân hàng Thế giới từng công bố một nghiên cứu cho thấy tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, một số tổ chức môi trường lại đưa ra cảnh báo về việc bơm nước từ Biển Đỏ sang Biển Chết có thể gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái vốn rất mong manh của Biển Chết. Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, cần phải tiến hành một bản “đánh giá khoa học” giúp hiểu rõ hơn những hậu quả mang lại từ việc pha trộn 2 nguồn nước giữa 2 vùng biển để tránh gây rối loạn hệ sinh thái.
Chu Thanh (Theo LeMonde 27/6)