Ký ức Trường Sa

12/03/2015 18:56

(Baonghean) - Đã gần 40 năm trôi qua, với ông Võ Trung Tao (xã Nghi Quang - Nghi Lộc) dòng ký ức vẫn luôn tươi mới, những sự kiện dường như mới diễn ra hôm qua. Đặc biệt, những ngày tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa luôn in dấu đậm nét trong tâm trí người lính đặc công Hải quân này và trở thành động lực giúp ông vượt qua sóng gió đời thường…

Căn nhà nhỏ và đơn sơ của ông Võ Trung Tao nằm giữa xóm Thành Vinh 2, trong nhà có 2 thứ được treo ở vị trí trang trọng nhất, đó là bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ quân phục Hải quân và bức ảnh một chiếc tàu không số vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam được phóng to. Rót chén trà nóng mời khách, người lính đặc công năm xưa kể về những năm tháng chiến đấu ác liệt với quân thù…

Năm 1970, Võ Trung Tao tròn 18 tuổi, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn cam go và ác liệt nhất. Cũng như bao trai trẻ khắp các miền quê, chàng thanh niên sinh ra nơi vùng cửa biển Nghi Quang lên đường tòng quân nhập ngũ và mang theo bao khát vọng tuổi trẻ, mong góp một phần sức mình để đánh đuổi quân thù, giải phóng quê hương, đất nước. Làng quê Võ Trung Tao nằm cách biển không xa, bao đời bà con gắn bó với biển khơi, trước lúc trở thành người lính ông từng là một ngư phủ “ăn sóng, nói gió”, sức lực dồi dào và bơi lặn giỏi như một chú rái cá. Vì thế, ngay sau khi nhập ngũ, Võ Trung Tao được điều về Đoàn đặc công Hải quân 126 và chính thức trở thành người lính Hải quân. Tiếp đến là những tháng ngày huấn luyện gian nan, vất vả trên đất Hải Phòng, bởi người lính đặc công phải thực sự tinh nhuệ, khả năng chiến đấu cao và sức chịu đựng phải lớn. Ông Tao không bao giờ quên những lần mình trần nằm hàng giờ giữa bãi sình lầy trong mùa Đông giá rét hay vùi mình giữa bãi cát trắng dưới cái nắng mùa Hè.

Ông Võ Trung Tao (trái)  tại quân cảng Cam Ranh.
Ông Võ Trung Tao (trái) tại quân cảng Cam Ranh.

Năm 1972, sau 2 năm huấn luyện, người lính đặc công Võ Trung Tao được điều động vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Nhiệm vụ chính của đơn vị ông là đánh chặn các tàu chiến và tàu chở vũ khí của địch trên vùng biển Cửa Việt và trên sông Thạch Hãn. Ai cũng biết mặt trận Quảng Trị thời điểm này vô cùng ác liệt, sự tàn bạo của đế quốc Mỹ đã đến đỉnh điểm, tinh thần và ý chí chiến đấu của quân và dân ta cũng được khẳng định ở mức cao nhất. Cuộc đối đầu ở Quảng Trị một mất một còn, nên mùa hè 1972 ở nơi đây được gọi là “Mùa hè đỏ lửa”. Võ Trung Tao lúc bấy giờ mới bước vào tuổi 20, chưa từng kinh qua trận mạc nhưng nhờ được huấn luyện kỹ càng, sức chịu đựng cao nên đã tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt và đều hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông cũng chứng kiến biết bao sự hy sinh, mất mát của đồng chí, đồng đội và đồng bào, nhất là sau mỗi trận càn và pháo kích của địch. Sau này, khi có dịp thăm lại chiến trường xưa, ông Tao bồi hồi tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống đất Quảng Trị, rồi nhớ tới những dòng thơ của Lê Bá Dương: “Đò xuôi Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Đầu năm 1975, Nguyễn Trung Tao có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam. Đơn vị của ông tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị và chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ông Tao và đồng đội thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm bán đảo Sơn Trà. Chứng kiến cảnh địch hoang mang, rút lui và bỏ chạy hỗn loạn, ông cảm nhận được ngày toàn thắng đang đến rất gần, giờ phút đất nước thống nhất không còn xa nữa. Đang làm nhiệm vụ bảo vệ bán đảo Sơn Trà, Đội 1 (Đoàn 126) của Võ Trung Tao được lệnh phối hợp với lực lượng đặc công Quân khu 5 tiến ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Tất cả lực lượng được 3 chiếc tàu của Đoàn 125 xuất phát từ quân cảng Đà Nẵng tiến ra vùng biển Trường Sa. Tàu được ngụy trang bằng các loại lưới và ngư cụ đánh bắt cá, thủy thủ đoàn cải trang thành các ngư phủ, còn các chiến sỹ và vũ khí, đạn dược được tập kết dưới khoang.

Trước lúc lên đường, Võ Trung Tao và đồng đội được cấp trên căn dặn đây là nhiệm vụ rất nguy hiểm, có thể sẽ phải hy sinh nhưng cũng rất đỗi vinh quang, vì đó là nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Ai cũng biết rằng sắp sửa đối mặt với hiểm nguy, sắp phải băng qua muôn trùng sóng bể, sắp phải vượt qua làn đạn của đối phương nhưng lòng vẫn háo hức lạ thường. Khi tàu nhổ neo rời cảng, cảm nhận được những đợt sóng đang dập dồn, mũi tàu đang thẳng tiến. Trong khoang, những người lính trẻ cất vang tiếng hát, rồi kể nhau nghe những kỷ niệm cuộc đời, cùng chia sẻ niềm mơ ước và dự định tương lai khi đất nước sạch bóng quân xâm lược, non sông liền một dải. Tuyệt nhiên, không một ai nghĩ đến sự mất mát, hy sinh!

Sau 3 ngày, 3 đêm lênh đênh trên biển, 3 chiếc tàu chở những người lính đặc công đã đến vùng biển Trường Sa và chờ đợi thời cơ. Tàu gặp khu trục của địch nên phải vòng tránh, chúng không phát hiện được những dấu hiệu bất thường. Trận chiến đầu tiên ở quần đảo Trường Sa của Võ Trung Tao là tiến đánh đảo Song Tử Tây. Khoảng 3 giờ sáng ngày 14/4/1975, đơn vị được lệnh bơi từ thuyền vào tiếp cận mục tiêu, ông Tao và đồng đội nhanh chóng tạo thế bao vây và liên tục nổ súng vào căn cứ của đối phương. Phía bên kia dùng vũ khí hạng nặng để chống trả. Hai bên giành giật từng thước đất trên bãi cát. Từ công sự của đối phương vạch ra những đường đạn đỏ lừ, ta ném lựu đạn tới tấp về phía xuất phát đường đạn. Không thể chịu nổi sức tấn công và khả năng tác chiến của những người lính đặc công bên ta, những người lính phía bên kia phải kéo nhau ra hàng, mục tiêu đánh chiếm đảo Song Tử Tây đã hoàn thành sau gần 1 giờ chiến đấu. Hai đồng chí của của Võ Trung Tao đã hy sinh, đồng chí Ngô Văn Quyền (quê Hải Phòng) và Tống Văn Quang (quê Cao Bằng).

Ông Tao là người tận mắt chứng kiến sự hy sinh anh dũng của đồng chí Tống Văn Quang. Trên đường bơi vào tiếp cận đảo bằng phao, do mang theo quá nhiều vũ khí nên phao của đồng chí Quang bị chìm, đồng chí chỉ kịp bơi bộ vào đảo. Người chỉ huy lệnh cho đồng chỉ Quang lật sấp chiếc xuồng cao su và chui vào, khi nào đánh xong sẽ rút ra cùng đồng đội. Khi trận đánh đang diễn ra ác liệt, có 5 tên địch bỏ chạy về phía chiếc xuồng cao su, chắc chúng định dùng xuồng này để bỏ chạy. Trước tình hình đó, đồng chí Quang vùng ra và hô tô: “Đầu hàng thì sống, chống lại thì chết!”, lập tức cả 5 tên bỏ súng xuống và đưa tay lên hàng. Nhưng rồi, một tên phát hiện đối phương không có vũ khí liền nhặt súng lên và bắn vào ngực của đồng chí Quang. Lập tức, Võ Trung Tao và các đồng đội có mặt để tiêu diệt và bắt sống địch, không cho chúng chạy trốn.

Tiếp tục nghiên cứu kỹ tình hình, đơn vị của Võ Trung Tao nhận được lệnh tiến đánh đảo Sơn Ca. Sáng ngày 25/4/1975, tàu đỗ cách đảo khoảng 2 hải lý, các chiến sỹ tiếp cận mục tiêu bằng xuồng cao su, sau đó bơi vào đảo. Lúc đầu, ngụy quân chống trả quyết liệt, tiếng đạn rít lên liên hồi xé toang cả màn đêm. Khoảng 30 phút sau, phía bên kia đã hoang mang cực độ, biết không thể chống cự mãi nên chấp nhận đầu hàng. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, quân ta đã làm chủ được đảo Sơn Ca, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân ngụy đóng trên đảo.

Chiếm được đảo Sơn Ca, Đội 1 tiếp tục tiến đánh đảo Nam Yết. Khi quân ta đặt chân lên đảo bỗng thấy vắng lặng, xung quanh không có một bóng người, đồ đạc vứt ngổn ngang, công sự bỏ trống. Biết được sớm hay muộn ta sẽ giải phóng đảo nên địch đã sớm rút lui. Đơn vị được lệnh tiếp quản đảo Nam Yết, không để lực lượng nào khác lợi dụng tình hình để chiếm giữ đảo.

Đội 1 tiếp tục nhận được lệnh giải phóng đảo Sinh Tồn, Võ Trung Tao được giao nhiệm vụ lên trinh sát đảo. Đêm tháng 4 gió lộng, sóng biển rì rào, những chú chim nhỏ bay vụt ra từ những cây bàng vuông. Không gian đảo im ắng, tĩnh lặng một cách lạ thường. Nằm sát vách công sự, ghé tai xuống mặt đất vẫn không nghe thấy những dấu hiệu của con người. Nhận định rằng ngụy quân đã tháo chạy từ trước, Võ Trung Tao vào tận từng ngóc ngách của công sự, rồi cả hầm chỉ huy nhưng tất cả đều vắng bóng. Người chiến sỹ ấy lập tức cắm lá cờ của Quân giải phóng lên đảo, đồng nghĩa với việc đơn vị đã hoàn toàn làm chủ đảo Sinh Tồn. Anh cầm phấn viết lên vách công sự và bể chứa nước dòng chữ với niềm vui sướng, tự hào khôn xiết: “Hải quân Nhân dân Việt Nam đã giành chiến thắng!”.

Hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, Võ Trung Tao và các đồng đội được về Sài Gòn mừng chiến thắng. Tại dinh Độc Lập, sân bay Tân Sơn Nhất và khắp các ngả của đường phố Sài Gòn, cờ giải phóng tung bay trong gió, đồng bào náo nức cờ hoa đón chào. Khi biết các chiến sỹ đặc công Đoàn 126 trở về từ Trường Sa, đồng bào càng đón mừng nồng nhiệt. Người lính đặc công Võ Trung Tao chợt thấy khóe mắt cay cay, rồi những giọt nước mắt chợt lăn trên khuôn mặt. Bao nhiêu năm chiến đấu, đối mặt với bao gian khổ và hiểm nguy, có khi ranh giới sự sống và cái chết chỉ là gang tấc, người lính ấy chưa bao giờ khóc. Vậy mà hôm ấy ông đã rơi nước mắt, đấy là những giọt nước mắt vui sướng và hạnh phúc, giọt nước mắt của một người dạn dày trận mạc, hiểu được giá trị của chiến thắng. Giờ phút ấy, gương mặt những người bạn, những đồng đội đã nằm lại khắp các chiến trường, từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng đến Trường Sa đều hiện về, vừa thân thương, gần gũi nhưng cũng thật xa xăm...

Sau giải phóng, Võ Trung Tao được đơn vị giao nhiệm vụ huấn luyện kỹ năng chiến đấu cho tân binh, đến 1978 phục viên và trở về quê hương. Trở về với làng quê ven biển, anh kết duyên cùng cô gái Trần Thị Thanh (SN 1960), cũng là một người lính từng hoạt động ở Trường Sơn. Hai vợ chồng sống cuộc đời bình dị giữa làng quê yên bình và nuôi dạy các con thành đạt, nên người. Bạn bè thường nói: “Chồng Trường Sa, vợ Trường Sơn, gia đình ông là sự hội tụ của hai miền gian khó mà vô cùng vẻ vang và oanh liệt”.

Giờ đây, đã bước sang tuổi 63, việc đời đã có phần rảnh rỗi, ông Tao tích cực tham gia hoạt động xã hội, là thành viên Ban liên lạc CCB Đoàn 126 Nghệ - Tĩnh. Những đồng đội cũ gặp hoàn cảnh khó khăn, ốm đau và bệnh tật, ông Tao và những người trong Ban liên lạc đều tìm cách giúp đỡ để tình đồng chí, đồng đội luôn ấm mãi. Ông chia sẻ: “Đời người, ai cũng có những tháng năm và kỷ niệm đáng nhớ. Với tôi, những ngày chiến đấu giải phóng Trường Sa chắc chắn sẽ không thể nào quên. Bởi đó là những ngày thử thách cao nhất của một người lính và cũng hạnh phúc nhất khi được góp sức mình giải phóng một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc!”.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN