Nông sản vẫn thuận đường đi Trung Quốc

13/10/2014 15:14

Trong mấy năm gần đây hàng nông sản của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm nhiều, trong khi đó hàng xuất của Việt Nam sang Trung Quốc đang tăng mạnh.

Mỗi năm tại cửa khẩu Lào Cai có gần 1 triệu tấn nông lâm sản, thực phẩm được xuất nhập khẩu qua đây. Trong đó chủ yếu là hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, hàng nhập khẩu là rau, củ quả và một số loại hoa, số lượng không nhiều...

Kiểm tra nhanh mẫu hàng tại cửa khẩu Kim Thành trước khi làm thủ tục thông quan
Kiểm tra nhanh mẫu hàng tại cửa khẩu Kim Thành trước khi làm thủ tục thông quan

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, Chi cục KDTV vùng VIII (Cục BVTV, Bộ NN-PTNT) đã tăng cường các biện pháp kiểm dịch hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam…

Cửa khẩu Lào Cai thông thương với 12 tỉnh Tây Nam Trung Quốc, đây là một vùng rộng lớn với gần 400 triệu dân. Từ năm 1999 Trung Quốc thực hiện chính sách “Đại khai phá miền Tây”, bởi thế nhu cầu tiêu dùng cũng như sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc khu vực này ngày càng đa dạng và phong phú hơn.

Việt Nam trở thành nơi cung cấp sản phẩm nông nghiệp cũng như tiêu thụ hàng hóa cho khu vực này với số lượng không nhỏ. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây hàng nông sản của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm nhiều, trong khi đó hàng xuất của Việt Nam sang Trung Quốc đang tăng mạnh.

Mẫu lưu của các lô hàng
Mẫu lưu của các lô hàng

Theo thống kê của Chi cục KDTV vùng VIII, hàng xuất nhập khẩu có hợp đồng mà Chi cục đã tiến hành kiểm dịch từ 1/1/2014 đến 30/9/2014 là 12.628 lô hàng với tổng khối lượng 666.616 tấn.

Chỉ tính riêng quý III, về xuất khẩu: Vải quả tươi 25.547 tấn, sắn lát khô 8.983 tấn, chuối xanh 1.920 tấn, gỗ ván bóc 104.659 tấn, gạo tẻ 1.098 tấn, chôm chôm 389 tấn, chanh quả tươi 429 tấn… Tổng lượng hàng XK quý III là 147.282 tấn.

Về nhập khẩu: Lựu 2.859 tấn, rau bắp cải 2.250 tấn, nho 1.716 tấn, đào quả tươi 1.665 tấn, cải thảo 1.652 tấn, táo quả tươi 1.585 tấn, rau súp lơ 929 tấn… Tổng lượng hàng NK quý III là 24.752 tấn. Đây là những mặt hàng truyền thống Việt Nam nhập của Trung Quốc theo mùa.

Nhiều năm trước đây lượng hàng nhập khẩu bao giờ cũng lớn hơn so với xuất khẩu, thì vài năm gần đây lượng hàng xuất khẩu lại gấp nhiều lần so với hàng nhập khẩu. Trong đó 6 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu 391.607 tấn đạt 60,2% kế hoạch, tăng 88% so với 6 tháng đầu năm 2013. Hết quý III/2014 tổng lượng hàng nông sản Việt Nam XK sang Trung Quốc là 538.890 tấn, đạt 89,8% kế hoạch.

Trong khi đó hàng nông sản nhập khẩu 6 tháng đầu năm chỉ có 17.767 tấn, hết quý III/2014 là 42.519 tấn, đạt gần 90% kế hoạch. Như vậy lượng hàng nhập khẩu hết năm 2014 khó vượt qua 60.000 tấn.

Điều đáng nói, nếu những năm trước đây khoai tây nhập khẩu từ 30.000-40.000 tấn/năm, nay đã giảm chỉ còn 6.000-7.000 tấn/năm. Cụ thể 9 tháng đầu năm 2014, tổng lượng khoai tây nhập khẩu chỉ có 1.655 tấn.

Trước dư luận hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam “tắm” hóa chất và tồn dư thuốc BVTV, Chi cục KDTV vùng VIII đã tăng cường các biện pháp kiểm dịch hàng nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Trạm phó trạm KDTV Kim Thành cho biết: Tất cả các lô hàng nông sản nhập khẩu có hợp đồng vào Việt Nam đều phải kiểm dịch trước khi làm thủ tục thông quan. Các chủ hàng phải trình đầy đủ các thủ tục nguồn gốc xuất xứ và giấy kiểm dịch của phía bạn.

Trạm tiến hành kiểm tra dịch bệnh và lấy mẫu test nhanh, nếu lô hàng nào nghi ngờ nhiễm hóa chất và tồn dư thuốc BVTV thì chuyển mẫu về Phòng kỹ thuật của Chi cục tiếp tục kiểm tra. Năm 2014 cửa khẩu Kim Thành chưa phát hiện một lô hàng nào nhiễm hóa chất và tồn dư thuốc BVTV quá ngưỡng cho phép..

.

Trong quý III/2014 Chi cục KDTV vùng VIII lập biên bản, xử phạt chủ hàng đã nhập khẩu một lô hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ và hợp đồng, phạt 20 triệu đồng, buộc phải tiêu hủy.

Ông Nguyễn Văn Tuân - Chi cục trưởng Chi cục KDTV vùng VIII: "Hàng năm Chi cục KDTV vùng VIII thường xuyên trao đổi thông tin với Kiểm dịch Hà Khẩu - Trung Quốc về những loại sâu bệnh cũng như dư lượng hóa chất và thuốc BVTV mà Việt Nam cấm nhập khẩu. Nhiều lô hàng không rõ xuất xứ nguồn gốc phía bạn đã từ chối làm thủ tục xuất khẩu. Nghĩa là phía Trung Quốc cũng lo ngại hàng bị trả về thì bị chủ hàng kiện. Do đó họ phải kiểm tra chặt chẽ trước khi XK sang Việt Nam".

Nếu các chủ hàng mua gom hàng ở Trung Quốc để NK về Việt Nam, thì Kiểm dịch Hà Khẩu không làm thủ tục kiểm dịch. Những lô hàng đó buộc phải xuất ngược trở lại hoặc bị tiêu hủy, nên các chủ hàng không dám mạo hiểm.

Trao đổi với anh Nguyễn Quang Hòa, người vừa làm thủ tục nhập khẩu lô hàng gần 20 tấn hồng giòn từ Trung Quốc về TP.Hồ Chí Minh, anh cho biết: "Mấy năm nay tôi nhập khẩu hồng giòn và một số hoa quả cung cấp cho một số tỉnh phía Nam.

Tôi sang tận Trung Quốc nơi người dân trồng giống hồng này để kiểm tra xem họ sử dụng những loại thuốc BVTV như thế nào, nếu loại thuốc mà Việt Nam cấm thì từ chối nhập khẩu.

Nông dân Trung Quốc họ SX không chỉ XK sang Việt Nam mà còn XK sang một số nước khác và tiêu thụ nội địa. Nếu họ "tắm” hóa chất như một số báo chí Việt Nam đã nêu thì họ bán cho ai hay họ tự đầu độc mình?

Là người nhập khẩu chúng tôi phải chấp hành các quy định của phía Việt Nam, nếu hàng nhiễm hóa chất gì đó bị XK ngược lại phía Trung Quốc, phía bạn cũng không nhận mà tiêu hủy thì chúng tôi sạt nghiệp?

Vì thế, hàng chúng tôi nhập về phải đảm bảo an toàn cho mình và cho người tiêu dùng trong nước".

Xe chở hàng của Trung Quốc đậu bãi hoá trường cửa khẩu Kim Thành
Xe chở hàng của Trung Quốc đậu bãi hoá trường cửa khẩu Kim Thành

Quan sát những quả hồng giòn NK đều được đặt trong các thùng giấy, nhiều quả còn phấn, điều đó chứng tỏ việc thu hái và bảo quản của nông dân Trung Quốc rất cẩn thận. Nếu để quả giập thì không XK được và khó vận chuyển đi xa.

Theo NNVN