"Xông biển" đầu năm

26/02/2015 22:24

(Baonghean) - Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ngư dân khối Phú Lợi, phường Quỳnh Dị, Thị xã Hoàng Mai hân hoan ra bến lạch Cờn làm lễ cầu ngư, với mong muốn một năm mới mưa thuận gió hòa cho mùa đánh bắt trong năm. Sau lễ cầu ngư là những chuyến “xông biển” đầu năm của ngư dân với mong muốn cá về đầy khoang.

Ngư dân ở bến Lạch Cờn chuẩn bị vật tư cho chuyến xuất hành đầu năm.
Ngư dân ở bến Lạch Cờn chuẩn bị vật tư cho chuyến xuất hành đầu năm.

Phường Phú Lợi từ bao đời nay người dân gắn bó với nghề khai thác và chế biến hải sản. Bên cạnh các loại hải sản làm thực phẩm tươi sống, ngư dân nơi đây còn đánh bắt các loại cá cơm, cá trích… từ kinh nghiệm và bí quyết truyền thống của người dân Phú Lợi để làm ra sản phẩm nước mắm nổi tiếng thơm ngon đậm đà mang đặc trưng riêng với thương hiệu nước mắm Quỳnh Dị.

Ngày mồng 5 Tết, thời tiết nắng ấm, trời xanh biển lặng, chúng tôi có mặt tại bến Lạch Cờn, không khí ở đây đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại, người dân làng biển ra vào tấp nập. Ai cũng hân hoan, niềm nở, sau những ngày nghỉ Tết yên vui, đầm ấm. Trên mỗi chiếc thuyền công suất lớn, ngư dân chỉnh trang lại lá cờ Tổ quốc, sửa soạn ngư cụ… chuẩn bị các nhu yếu cho chuyến bám biển dài ngày, và điều không thể thiếu đó là bà con chuẩn bị lễ cầu ngư đầu năm, để ngày mồng 6 xuất hành chuyến ra khơi đầu tiên. Ngư dân cho biết, sau khi ăn tết xong, các chủ thuyền chọn những ngày chẵn để “xông biển”. Với những chiếc thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ, có thể “xông biển” ngày mồng 4 tết, đối với thuyền to máy lớn, đánh bắt xa bờ, thường chọn các ngày mồng 6, 8, hoặc mồng 10.

Trước khi xuất hành chuyến đầu năm, các ngư dân đều làm lễ cầu ngư theo phong tục truyền thống. Lễ cầu ngư của ngư dân nơi đây không tổ chức nghi lễ cầu kỳ như nhiều nơi khác, mà đơn giản, tiết kiệm. Chủ thuyền sửa soạn mâm hoa quả, con gà luộc (hoặc thịt lợn luộc) đặt lên mâm xôi, khấn nôm là xong. Một ngư dân bộc bạch: Từ bao đời nay ngư dân chúng tôi làm lễ cầu ngư đơn giản vậy thôi, thế mà năm nào cũng đánh bắt được nhiều cá, tàu thuyền đi, về an toàn. Từ đi lộng đến đánh bắt xa khơi, thuyền nào cũng thắng đậm, đời sống ngư dân bởi thế khá dần. Những ngày này, thời tiết nắng ấm, biển lặng, rất thuận lợi cho chuyến “xông biển” xuất hành đầu năm. Sau khi làm lễ cầu ngư xong, chúng tôi nổ máy, lái thuyền chạy một vòng ngoài cửa biển, sáng ngày mai mới chính thức ra khơi đánh bắt cá.

Ngư dân khối Phú Lợi sửa sang lại dụng cụ đánh bắt hải sản, chuẩn bị cho chuyến “xông biển” đầu năm.
Ngư dân khối Phú Lợi sửa sang lại dụng cụ đánh bắt hải sản, chuẩn bị cho chuyến “xông biển” đầu năm.

Đang hăm hở chỉnh trang lại bộ đèn chụp trên chiếc thuyền mang biển số NA94236TS, ngư dân Trần Văn Hải tự hào: “Thuyền của chúng tôi công suất 400CV, mua cách đây 3 năm, với giá hơn 3 tỷ đồng, chuyên đánh bắt xa bờ bằng nghề lưới chụp. Năm ngoái đến tận 28 Tết, thuyền chúng tôi mới về đến lạch, hơn 5 tấn cá, bán hết ngay tại lạch, trừ chi phí, mỗi thuyền viên còn được gần 2 triệu đồng về trang trải ngày tết cho gia đình. Mỗi chuyến ra khơi như vậy, phải sau 5 ngày mới về, được trên dưới 5 tấn cá, coi như mỗi năm thuyền của chúng tôi đánh bắt khoảng 300 tấn hải sản, thu về tiền tỷ. Ngày mai mồng 6 Tết, ngư dân ở đây lấy làm ngày tốt, nên chúng tôi chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo cho chuyến ra khơi đầu năm gặp nhiều may mắn, đánh bắt được nhiều tôm, cá”.

Dịp đầu năm, hải sản đánh bắt được nhiều, thường là các loại cá cam, cá cơm, cá lú. Những loại cá này dùng để chế biến nước mắm thì ngon tuyệt. Bởi vậy, những chuyến đánh bắt đầu năm được người dân trong làng thu mua để phục vụ cho làng nghề chế biến hải sản. Làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi hiện có hàng nghìn thùng ủ nước mắm, mỗi thùng ủ một mẻ từ 500 kg đến 1 tấn cá, như vậy, mỗi năm làng nghề này sử dụng hàng nghìn tấn cá vào việc chế biến nước mắm, để cho ra trên 2 triệu lít nước mắm loại đặc biệt, bán ra thị trường.

Nói về nghề đánh bắt và chế biến hải sản ở đây, anh Hoàng Văn Cương, chủ cơ sở chế biến nước mắm ở khối Phú Lợi, nói rằng: Bây giờ anh là chủ cơ sở chế biến nước mắm lớn nhất trong làng nghề, nhưng cách đây 10 năm về trước chính bản thân anh là một chủ thuyền chuyên đánh bắt xa bờ. Với nghề đánh bắt cá xa bờ, tuy vất vả, nhưng được cái không phải lo thị trường. Đối với nghề chế biến nước mắm, mặc dù không vất vả bằng nghề đánh bắt hải sản ngoài khơi xa, nhưng đòi hỏi chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo, đồng thời cạn tranh thị trường tiêu thụ. Ngày nay, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm nước mắm, người tiêu dùng có quyền lựa chọn, bởi vậy để sản phẩm nước mắn Phú Lợi đứng vững trên thị trường, đòi hỏi người làm nghề phải nhạy bén, đồng thời trung thành với khách hàng.

Trong dòng người tấp nập nhộn nhịp ấy, chúng tôi gặp lão ngư Trần Văn Đang đang tay ôm, tay xách những thứ hậu cần từ nhà ra thuyền. Hỏi ra mới biết, lão là Phó Ban quản lý làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi. Trong ít phút gặp gỡ, lão trò chuyện: Vui lắm, năm nào cũng vậy, ăn Tết xong là bà con chúng tôi tập trung ra bến, lên thuyền làm lễ cầu ngư đầu năm. Lễ cầu ngư của ngư dân nơi đây đơn giản thôi, mâm hoa quả, xôi gà, đặt lên thuyền, khấn nôm. Thường thì ngư dân chọn các ngày chẵn đầu năm để ra khơi lấy lộc. Tuy đơn giản, nhưng chu đáo, bởi đây là phong tục cha ông để lại, không thể thiếu được, ít nhiều đều phải có.

Lão tự hào, sinh năm 1951, trên mảnh đất có nghề truyền thống đánh bắt và chế biến hải sản, nên lão thấu hiểu nghề này. Vợ chồng lão có 2 người con trai, cũng nối nghề bám biển đánh bắt hải sản như cha ông. Nghề đánh cá trên biển được gia đình lão kế thừa từ đời này sang đời khác. Trước đây cụ thân sinh ra lão cũng làm nghề đi biển và sau này 6 anh em trai lão đều đóng tàu riêng ra biển khơi đánh cá nối nghiệp cha. Riêng bản thân lão, lớn lên tham gia quân ngũ, năm 1977 sau khi ra quân, lão cũng theo tàu đi đánh cá mãi đến năm 2001 khi tuổi cao, sức yếu lão mới nghỉ ở nhà làm nghề chế biến nước mắm. Tích góp được ít vốn, lão đầu tư cho 2 người con trai mua thuyền lớn ra khơi đánh cá. Hiện 2 người con trai là anh Trần Văn Trang (SN 1980) là thuyền trưởng của một tàu cá có công suất 400CV và anh con trai thứ hai là Trần Văn Nghiêm (SN 1982) là thuyền viên. Là người cha, mặc dù không còn sức để ra khơi, nhưng với trách nhiệm của mình, năm nào lão cũng sắm lễ đủ đầy để làm lễ cầu ngư cho các con, cầu mong cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, thuyền ra khơi an toàn, đánh bắt được nhiều tôm cá.

Cửa Lạch Cờn mỗi lúc càng thêm đông người, trên mỗi chiếc thuyền được trang hoàng rực rỡ bởi cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu. Hòa trong dòng người, chúng tôi cảm nhận được không khí náo nhiệt, khẩn trương của bà con ngư dân nơi đây. Tổ chức lễ cầu ngư ra khơi đầu năm là thể hiện mong muốn, khát vọng của ngư dân đối với nghề khai thác hải sản trên biển. Họ cầu cho một năm mới gặp nhiều may mắn, trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa để đánh được nhiều cá tôm và quay trở về bình an. Đây là hoạt động mang đậm nét truyền thống tâm linh của bà con ngư dân địa phương, giúp bà con yên tâm ra khơi bám biển. Sau khi làm lễ cầu ngư xong, các tàu thuyền đánh cá sẽ lần lượt xuất hành ra khơi chuyến đầu năm.

Làng biển Phú Lợi hiện có gần 40 chiếc thuyền đánh cá, trong đó hơn một nửa là thuyền sử dụng máy có công suất trên 300CV, chuyên đánh bắt hải sản ngoài khơi xa, bằng nghề lưới chụp, lưới vây, câu mực… số còn lại khai thác gần bờ. Ông Đang nhẩm tính, mỗi chiếc thuyền lớn, đánh bắt xa bờ, sau mỗi chuyến ra khơi 5 - 6 ngày, đánh bắt được khoảng 5 tấn cá, trị giá khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí dầu, thực phẩm… còn lãi khoảng 50%. Như vậy, sau mỗi năm ngư dân làng phường Phú Lợi đánh bắt được khoảng 6 nghìn tấn hải sản xa bờ, chưa kể đội ngũ đánh bắt gần bờ, thu về hàng chục tỷ đồng. Với lượng hải sản lớn như vậy, một phần cung cấp cá cho làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống, phần còn lại cung cấp thực phẩm ra thị trường. Làng Phú Lợi bởi thế không những gắn bó, giữ gìn với nghề khai thác và chế biến hải sản mà ngày càng phát triển hơn với đội ngũ thuyền to máy lớn, đánh bắt được nhiều hải sản hơn, đời sống ngư dân không ngừng đổi mới. Trước khi rời bến Lạch Cờn, một ngư dân nói với chúng tôi: “Mùa biển mới chúng tôi sẽ đoàn kết, hỗ trợ nhau để cùng làm ăn trên biển gặp nhiều thuận lợi, với mong muốn năm mới thắng lợi mới. Vừa làm kinh tế, vừa góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

X.Hoàng - V.Đăng