Olympic Việt Nam: Đi mãi có thành đường?

13/03/2015 17:43

“Hiện HLV Miura chủ yếu thực hiện những thử nghiệm về con người, xen kẽ với các bài tập chiến thuật, thi đấu đối kháng. Chúng tôi muốn có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào giải đấu chính thức, nhưng thật không may là đội bóng lại chịu quá nhiều tổn thất do các ca chấn thương”, một trợ lý của HLV trưởng Olympic Việt Nam chia sẻ với Thể thao & Văn hoá sau buổi tập trên sân Thống Nhất vào chiều qua (12/3).

Chấn thương là mối lo thường trực của tất cả các HLV trưởng, chứ chẳng riêng gì ông Toshiya Miura. Nhưng tại sao và như thế nào, Olymic Việt Nam lại trở thành cái bệnh viện (luôn có gần chục cầu thủ chấn thương ở các mức độ khác nhau – PV)? Nếu không phải là ý thức sinh hoạt kém, thì chắc là giáo án của HLV Miura quá nặng so với cơ địa người Việt.

Cầu thủ mơ hồ về chiến thuật?

Không có nhiều bài học được rút ra sau 2 trận đá tập với Hà Nội T&T (Olympic Việt Nam thắng tỷ số 3-1) và Olympic Indonesia (thắng 1-0). Trong khi cựu vương V-League đá không hết chân, thì đội bóng trẻ xứ vạn đảo chỉ thua về tỷ số chứ không thiệt nhiều về lối chơi. Thậm chí, nhiều thời điểm ở Mỹ Đình, dễ cảm nhận đội bóng của HLV Miura chỉ biết nhao lên phía trước một cách vô thức, như thể húc vào tường.

Huy Toàn (25) là một trong số ít những cầu thủ đã tạo được niềm tin nơi HLV Miura. Ảnh: Thanh Hà
Huy Toàn (25) là một trong số ít những cầu thủ đã tạo được niềm tin nơi HLV Miura. Ảnh: Thanh Hà

Nếu HLV Miura đề cao khả năng kiểm soát bóng và kiểm soát trận đấu thì trận đấu với Olympic Indonesia là một thất bại. Rất nhiều tình huống chúng ta để mất bóng một cách lãng xẹt và việc đoạt lại cũng mất nhiều thời gian. Đỉnh điểm là sau các cú dốc bóng và đột phá của Công Phượng ở khu trung lộ. Khi ấy, đội bóng lại phải thu mình về như con ốc sên để chống các đường phản công. Công Phượng chỉ làm tốt vai trò thu hút sự chú ý ở trận đấu đó.

HLV Miura gần như không cho phép các cầu thủ chuyền về (cũng là một cách kiểm soát bóng và kéo giãn đội hình đối phương), mà ngược lại, ông yêu cầu hàng phòng ngự phát triển bóng một cách nhanh nhất. Điều đó khiến tuyến dưới liên tục thực hiện các đường chuyền dài vượt tuyến và việc bóng không tìm đến đích chẳng khác nào chúng ta lại thả gà ra đuổi. Trận bán kết lượt về với Malaysia ở AFF Cup 2014 là biểu hiện rõ nhất.

Bóng đá Việt Nam nói chung và các ĐTQG nói riêng, luôn có thừa những “tay trống” và cả những “đôi cánh” khéo léo, nhưng lại luôn thiếu một chân chuyền có thể đưa quả bóng về phía sau lưng hậu vệ đối phương để tiền đạo cánh bó vào nhận, hoặc xé nát hàng phòng ngự đối thủ bằng một cú tỉa bóng vỗ mặt. Sau Hồng Sơn của “thế hệ vàng”, thì Minh Phương dưới thời Henrique Calisto là người cuối cùng làm được như thế.

Ông Miura không dạy cách phòng ngự?

Vì yêu cầu phát triển bóng lên tuyến trên một cách nhanh nhất, khiến hàng phòng ngự của các đội bóng dưới thời HLV Miura chịu áp lực cực lớn. Hãy nghe chia sẻ của cựu trung vệ đội tuyển Việt Nam Lê Phước Tứ: “Chúng tôi không có thời gian để suy nghĩ xem cần phải làm gì tiếp theo. Ngay cả khi muốn làm chậm nhịp độ trận đấu để thở, cũng không được phép. Và đó là Toshiya Miura, mẫu HLV thích lấy công làm thủ, dù rằng thực tế đội bóng khó có thể đáp ứng”.

Trong bóng đá, không phải đội bóng nào cũng có thể “lấy công làm thủ” và Việt Nam lại càng không. Chúng ta đã từng thất bại bẽ bàng khi chủ động tấn công (các trận bán kết với Malaysia ở AFF Cup 2010 và 2014). Việc tổ chức phòng ngự từ xa ngay trên phần sân đối phương cũng nhanh chóng phá sản, khi họ thực hiện các đường chuyền dài, tận dụng lợi thế hình thể của hàng công. Nếu đối thủ không phải Lào, Campuchia hay Brunei, bóng đá Việt Nam nói chung chỉ có thể đá phòng ngự - phản công.

Cũng theo lời trung vệ Lê Phước Tứ, các anh đã không được HLV Miura chỉ dạy một cách bài bản phương thức tổ chức phòng ngự khi mất bóng, một kèm một hoặc phòng ngự khu vực chủ động. “Chúng tôi phần nhiều đá theo bản năng, tự phát là chính”, trung vệ thuộc biên chế B.Bình Dương nói.

Theo TTVH