Vươn tới trung tâm đô thị vùng Tây Nam
(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ huyện Đô Lương chăm lo công tác cán bộ, phát huy lợi thế đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa... Những kết quả đạt được đã tạo sức bật mới, xây dựng Đô Lương trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nam.
Đột phá về công tác cán bộ
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, Đảng bộ huyện Đô Lương có nhiều biện pháp mạnh dạn, sáng tạo nhằm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ trưởng thành về mọi mặt. Theo đó, các chính sách về công tác cán bộ được triển khai như: Đề án Luân chuyển, bố trí lại cán bộ chủ chốt ở cơ sở năm 2013 - 2015 và những năm tiếp theo của Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương; Kế hoạch số 28 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ công chức cấp huyện giai đoạn 2011 - 2015 của BCH Đảng bộ huyện. Thực tế triển khai cho thấy, các chính sách trên đã tạo ra những thay đổi tích cực của cán bộ các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cán bộ xã Lam Sơn (ngoài cùng, bên trái) chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân. |
Thực hiện Đề án Luân chuyển, bố trí lại cán bộ chủ chốt ở cơ sở năm 2013 - 2015 và những năm tiếp theo, đến nay huyện Đô Lương đã tổ chức luân chuyển ngang được 6 cán bộ giữ chức danh cán bộ chủ chốt ở các xã, bao gồm các chức danh Bí thư Đảng ủy xã, Phó Bí thư trực Đảng và Chủ tịch UBND xã. Chúng tôi về xã bán sơn địa thuần nông Lam Sơn giữa những ngày bà con nông dân đang tích cực cấy vụ đông xuân với nhiều phấn khởi và kỳ vọng, bởi đây là vụ đầu tiên bà con sản xuất trên chân ruộng sau dồn điền đổi thửa.
Trên những thửa ruộng bằng phẳng, rộng tít tắp, đồng chí Nguyễn Huy Châu, Chủ tịch UBND xã đang trao đổi với bà con về lịch nông vụ làm sao phù hợp với điều kiện thời tiết năm nay. Không khí trao đổi cởi mở, thân tình đó được đồng chí Châu tích cực thực hiện từ khi được luân chuyển về giữ chức danh Chủ tịch UBND xã vào tháng 5/2014; trước đó đồng chí giữ chức danh Chủ tịch UBND xã Bồi Sơn từ năm 2010. Ngay khi được luân chuyển về đảm nhận chức danh Chủ tịch xã Lam Sơn, ngoài công việc điều hành chung, đồng chí dồn tâm sức cùng địa phương thực hiện công tác dồn điền đổi thửa thành công.
Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đồng chí Châu cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ xã đã bàn bạc đi đến thống nhất về mặt chủ trương, triển khai xây dựng đề án và triển khai về các xóm để “dân biết, dân bàn, dân quyết định” trên tinh thần sau dồn điện đổi thửa phải thực sự “thuận canh, thuận cư” cho nhân dân. Với cách làm đó, đến tháng 11/2014, xã Lam Sơn đã hoàn thành dồn điền đổi thửa trên diện tích chuyển đổi hơn 400 ha đất lúa và màu. Trước đây, có những hộ trong xã có 20 - 30 thửa, nhưng sau chuyển đổi, bình quân cả xã còn gần 1,9 thửa/hộ. Đặc biệt, nhân dân đã đóng góp 350 ngàn đồng/khẩu nhận ruộng để làm 267 km đường giao thông nội đồng, rộng 6m và lắp đạt 3.000 cống; hệ thống tưới tiêu được củng cố.
Thoăn thoắt cấy lúa trên chân ruộng sau dồn điền đổi thửa, ông Nguyễn Cao Hùng, xóm 4, xã Lam Sơn vui vẻ chia sẻ cảm nhận của mình về “tân chủ tịch xã”: “Anh Châu rất nhiệt tình, hòa đồng với mọi người và năng nổ, sâu sát trong công việc nên chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng”. Còn đồng chí Nguyễn Huy Châu cho biết: “Bản thân là một trong những cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đầu tiên của huyện được luân chuyển ngang, tôi cảm thấy vừa rất vinh dự nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Cho nên, trong quá trình làm việc, tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt công việc chuyên môn, tranh thủ sự đồng thuận của cán bộ trong cơ quan nhằm thực hiện tốt công tác điều hành, tạo bước phát triển cho địa phương”. Ngoài luân chuyển các vị trí lãnh đạo chủ chốt, huyện Đô Lương cũng đã triển khai luân chuyển ngang cán bộ công chức cấp xã với các chức danh như: văn phòng - thống kê, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - nông nghiệp, văn hóa - xã hội.
Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 28, những năm qua, huyện Đô Lương đã triển khai thực hiện luân chuyển cán bộ cấp huyện về các xã, thị trấn; luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên viên gắn với bố trí, sắp xếp lại giữa các ban, phòng, đoàn thể cấp huyện và điều chuyển trong nội bộ từng cơ quan. Theo đó, có 7 cán bộ cấp huyện được luân chuyển về một số địa phương trong huyện như: xã Giang Sơn Đông, Mỹ Sơn..., trong đó có 4 đồng chí làm bí thư đảng ủy xã; 3 đồng chí làm phó bí thư, chủ tịch UBND xã. Đến đầu tháng 2/2015, tất cả 7 đồng chí luân chuyển về cơ sở đã được rút về cấp huyện.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Huyện ủy Đô Lương, việc luân chuyển cán bộ cấp huyện về giữ các chức danh chủ chốt cấp xã đã thu được nhiều kết quả tốt. Cán bộ được luân chuyển đã phát huy phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, góp phần tích cực giúp các địa phương, đơn vị ổn định tổ chức bộ máy, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Đối với cán bộ được luân chuyển, đây còn là cơ hội để có bước trưởng thành, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao nhận thức và có phương pháp lãnh đạo toàn diện hơn. Cùng với đó, theo chiều ngược lại, trong nhiệm kỳ này, có 8 cán bộ cấp xã được luân chuyển về công tác tại huyện. Đây là những cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức chính trị tốt và đã có kinh nghiệm cơ sở, do đó đã tiếp cận công việc nhanh, đảm bảo được yêu cầu đặt ra.
Ở một khía cạnh khác, thực hiện Kế hoạch số 28, toàn huyện Đô Lương đã có 24 cán bộ được luân chuyển ngang giữa các cơ quan cấp huyện. Đây là những cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên viên có thời gian đảm nhận chức vụ và công việc đang làm từ 5 năm trở lên. Đồng chí Nguyễn Đình Khương, trước đây từng giữ chức danh Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, sau đó điều chuyển giữ chức Phó trưởng phòng Phụ trách phòng Văn hóa huyện. Từ tháng 6/2012 đến nay, đồng chí được luân chuyển giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đô Lương. Từ văn hóa sang phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, nông dân những tưởng sẽ rất khó khăn, nhưng từng học ngành Kinh tế nông nghiệp cũng như kinh nghiệm quản lý ở cơ sở đã tích lũy được, cùng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền nên đồng chí Khương đã tiếp cận công việc nhanh và có nhiều dấu ấn trong công tác lãnh đạo, điều hành.
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Khương cho biết: “Theo tôi, việc luân chuyển ngang là đúng đắn và cần thiết. Bởi ở một vị trí mới, cán bộ được luân chuyển phải có tư duy đổi mới về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cách làm mới trong công việc, từ đó phát huy khả năng của cán bộ. Ngược lại, nếu cán bộ đảm nhận công việc ở một vị trí quá lâu dễ nảy sinh sức ỳ trong ý thức, công việc. Vì vậy, khi được luân chuyển ngang, tôi luôn cố gắng hoàn thiện bản thân hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ theo yêu cầu mới”.
Đầu tư hệ thống đục gỗ lập trình vi tính tại Công ty Nguyên Nghĩa (Thị trấn Đô Lương). |
Trao đổi về công tác luân chuyển cán bộ, đồng chí Lê Minh Phúc, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Đô Lương cho biết: Việc luân chuyển, bố trí lại cán bộ được thực hiện trên nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch; kết hợp tốt giữa công tác tư tưởng và công tác tổ chức; thận trọng trong cách làm, hợp lý trong lộ trình thực hiện. Vì vậy, sau luân chuyển cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ các cấp, các ngành ở địa phương.
Thương mại, dịch vụ tạo động lực phát triển
Với lợi thế là giao điểm của các tuyến đường quan trọng QL 7, QL 46, QL 15 A nên từ lâu người ta biết đến Đô Lương là trung tâm thương mại, dịch vụ, điểm trung chuyển, phân phối hàng hóa đến các vùng trong tỉnh. Những chuyến “ngược Lường” buôn bán trong ca dao, các bài hát ngày trước bây giờ đã hiện hữu bởi các chợ vùng, trung tâm thương mại, siêu thị liên tục được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu không chỉ nội huyện mà cả vùng. Chợ Ú, xã Đại Sơn, chợ buôn bán trâu bò lớn nhất cả nước duy trì hoạt động gần 100 năm nay, mỗi tháng 6 phiên. Theo thống kê của xã, mỗi phiên chợ Ú có khoảng từ 2.000 - 2.500 con trâu bò được người dân và các thương lái khắp mọi nơi đưa đến trao đổi, buôn bán, tiêu thụ. Càng bề thế, to đẹp xứng tầm “siêu thị trâu bò” xứ Nghệ khi chợ Ú mới đây đã được Dự án Cạnh tranh chăn nuôi và ATTP ngành Nông nghiệp (LIFSAP) đầu tư hơn 3 tỷ đồng và vốn xã huy động gần 1 tỷ đồng xây dựng đình chính chợ dân sinh và đổ bê tông toàn bộ khuôn viên chợ, tạo sự thoáng đãng, sạch sẽ. Từ chợ đầu mối trâu bò này mà nhiều nghề, nhiều khâu dịch vụ đã xuất hiện, ngày càng phát triển mạnh mẽ: nghề môi giới trâu bò, nghề trông giữ “cọc” buộc trâu bò, dịch vụ ngủ nghỉ, ăn uống sầm uất.
Đồng chí Nguyễn Đình Bá, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để chợ Ú phát triển mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, xã đã đề xuất huyện phê duyệt quy hoạch mở rộng chợ Ú, tách chợ trâu bò và chợ dân sinh bằng các nguồn vốn huy động. Theo đó, toàn bộ chợ Ú sẽ có diện tích 21.000m2, trong đó riêng chợ trâu bò sẽ được bố trí phía sau rộng khoảng 14.000m2 với hệ thống trục đường ngang, dọc thuận lợi cho xe cộ, phương tiện vào chuyên chở, mua bán trâu bò.
Cùng với chợ Ú, chợ Thượng Sơn cũng là 1 trong 5 chợ vùng đã được đầu tư nâng cấp khá hoàn chỉnh và đặc biệt tại đây, LIFSAP cũng đã đầu tư một chuỗi các quầy thực phẩm theo tiêu chuẩn quy định đã tạo một bộ mặt mới cho chợ vùng này. Không chỉ có 5 chợ vùng thực sự phát huy hiệu quả mà trong nhiệm kỳ qua, Đô Lương cũng đã thực hiện quy hoạch từng bước có đầu tư, nâng cấp dần mạng lưới 33 chợ tại các xã, đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán tại chỗ của nhân dân theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trong khi chợ vùng đều phát huy tác dụng trở thành trung tâm thương mại, trao đổi hàng hóa trong vùng cụm xã, thì Trung tâm thương mại chợ Đô Lương trở thành điểm nhấn quan trọng nhất trong chuỗi tạo ra sức hút của một trung tâm thương mại - dịch vụ vùng.
Hiện tại với diện tích bề mặt tổng thể 14.000m2, gồm gần 1.100 ốt kinh doanh, Trung tâm Thương mại chợ Đô Lương điều hành bởi Ban quản lý đã đảm bảo hoạt động của chợ thương mại an toàn, hiệu quả, duy trì với mức thu phí mỗi năm trên 2 tỷ đồng. Có thể nói, phát triển dịch vụ - thương mại, chợ vùng, chợ nông thôn, Đô Lương đang nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trong nông thôn, tăng mức chu chuyển hàng hóa trên thị trường. Đồng chí Nguyễn Hữu Sáng, Giám đốc Trung tâm Thương mại chợ Đô Lương cho biết: Ban cũng đã xây dựng phương án trình UBND huyện với mục tiêu huy động nguồn vốn xây dựng Trung tâm trở thành điểm nhấn thương mại quy mô không chỉ nội huyện mà hướng tới Trung tâm thương mại vùng Tây Nam. Có như vậy, Trung tâm thương mại mới đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.
Chợ Ú, xã Đại Sơn (Đô Lương) vừa được đầu tư xây mới. |
Ngoài đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, chợ nông thôn và huyện xem đây là một lợi thế thì, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 cũng tập trung phát triển CN - TTCN và thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Cụm công nghiệp Thị trấn với diện tích 7,8ha đã thu hút 13 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, trong đó có 11 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định, tạo điểm nhấn phía Đông Nam Thị trấn.
Có mặt tại Công ty TNHH Nguyên Nghĩa mới thấy được sự năng động, sức phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp này khi không ngừng đổi mới thiết bị, công nghệ, trăn trở thay đổi mẫu mã sản phẩm gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động. Một thành tựu trên lĩnh vực này nữa đó là tại Cụm công nghiệp Lạc Sơn đã thu hút được Công ty TNHH PREX Vinh, là công ty có 100% vốn đầu tư của Tập đoàn KIDO Hàn Quốc, chuyên sản xuất các loại quần áo thể thao và chống thấm xuất khẩu. Ở đây, ngoài tạo việc làm thường xuyên cho 3.500 lao động, tạo ra giá trị xuất khẩu mỗi năm trên 100 tỷ đồng thì còn tạo một điểm mở đầu để thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp này.
Ông Nguyễn Đình Kiều, Phó Trưởng phòng Công thương cho biết: Về phát triển CN - TTCN nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đô Lương đã xây dựng đề án để phát triển bài bản theo quy hoạch, có lộ trình thu hút đầu tư. Do đó, bên cạnh hoàn thiện hạ tầng CCN Lạc Sơn để kêu gọi đầu tư thì huyện cũng tăng cường các giải pháp kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động các doanh nghiệp đã và đang đầu tư, kiên quyết xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu.
Một kết quả nổi rõ nữa trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 là Đô Lương đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị, tạo những tiền đề để hình thành Thị xã trong tương lai; mở rộng không gian đô thị ra phía Đông Nam và phía Tây như hoàn thiện hạ tầng, các điều kiện dịch vụ Khu đô thị Nam Vườn Xanh; tiếp tục triển khai dự án Khu đô thị Cầu Dâu như hoàn tất công tác tái định cư, mở hướng đô thị vươn sang phía Tây bám ven sông Lam. Đồng thời quy hoạch 2 thị tứ vệ tinh gồm: Thị tứ Bài Sơn, Thị tứ Lam Sơn và đã phê duyệt Thị trấn Tân Sơn. Có thể nói, việc phát huy lợi thế về thương mại dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển CN - TTCN và đồng thời quy hoạch mở rộng không gian phát triển đô thị đang là một hướng đi hoàn toán đúng đắn để Đô Lương định hướng xây dựng trở thành trung tâm vùng Tây Nam.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện nêu rõ: Thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển không gian đô thị nhanh, Đô Lương sẽ chú trọng xây dựng phương án chuyển đổi Trung tâm thương mại chợ Đô Lương xứng tầm trung tâm vùng, tạo điểm nhấn trung tâm của đô thị huyện. Đồng thời rà soát lại hệ thống chợ vùng, chợ lẻ các xã để thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng theo các tiêu chuẩn quy định, huyện cũng đang tích cực thực hiện các đề án đã được phê duyệt trên lĩnh vực này.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 trong điều kiện khó khăn chung nhưng huyện Đô Lương đã có định hướng phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế, trong đó đầu tư củng cố hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, đồng thời chăm lo đội ngũ cán bộ được xem là khâu đột phá.
Đồng chí Trương Hồng Phúc, Bí thư Huyện ủy khẳng định: Những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực đang tạo cho Đô Lương định hướng phát triển mới dựa trên điều kiện lợi thế trung tâm vùng về thương mại - dịch vụ trên cơ sở quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, tạo động lực thu hút đầu tư, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới.
Hữu Nghĩa - Thành Duy