Nuôi cá lồng vùng lòng hồ

27/11/2014 14:25

(Baonghean) - Huyện Tương Dương có tiềm năng rất lớn để nuôi cá lồng, đó là hơn 6 nghìn ha mặt nước hồ thủy điện. Những năm qua, thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh, huyện đã có hàng trăm chiếc lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều gia đình...

TIN LIÊN QUAN

Lồng nuôi cá của ông Vi Quang Phùng.
Lồng nuôi cá của ông Vi Quang Phùng.

Đi dọc lòng hồ Thủy điện Khe Bố, đoạn qua các xã Thạch Giám, Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình và một số xã ven hồ Thủy điện Bản Vẽ: Hữu Khuông, Lượng Minh... thấy những chiếc lồng nuôi cá bồng bềnh trên mặt nước mênh mông phẳng lặng. Có những chiếc lồng được đóng bằng gỗ, cũng có chiếc được làm bằng ống típ, thép lưới B40. Dừng chân tại bản Nhẫn, xã Thạch Giám, chúng tôi bước chân xuống chiếc cầu phao được kết bằng những cây tre, đến với 2 chiếc lồng nuôi cá của gia đình ông Vi Quang Phùng đặt trên mặt nước của hồ Thủy điện Khe Bố. 2 chiếc lồng cá của ông Phùng buộc chặt vào nhau bởi dây thép, lồng được làm bằng ống típ, vây lưới thép B40, trong cùng là lớp lưới cước màu xanh, mắt cước nhỏ hơn 1 cm. 3 sợi dây cáp quấn chặt vào gốc cây sung to bên bờ sông để neo giữ 2 cái lồng. Quan sát, trong mỗi chiếc lồng đã có đàn cá trắm khá to, lưng đen trũi, lượn lờ sát mặt nước đòi ăn. Trên sàn có sẵn đống lá chuối và bắp ngô, dùng làm thức ăn cho cá.

Ông Phùng bê ra mấy bắp ngô vừa luộc xong, cho biết: Cỏ và lá chuối cứ để nguyên cho cá ăn, với bắp ngô, phải luộc chín, dùng lưỡi dao gọt dọc bắp để hạt ngô rơi xuống, làm thức ăn cho cá rất tốt. Ông Phùng trò chuyện: Sau khi nghỉ hưu, nắm được chính sách hỗ trợ người dân làm lồng nuôi cá của tỉnh và huyện, cùng với sự động viên của anh em bạn bè và chính quyền các cấp, đầu năm 2014, ông đầu tư trên 150 triệu đồng để làm 10 chiếc lồng nuôi cá, trong đó 5 lồng đóng bằng gỗ, 5 lồng làm bằng thép. Mỗi chiếc lồng rộng 3m, dài 6m, cao 1,9m. Hỏi chi phí cho mỗi chiếc lồng, ông Phùng lật quyển sổ, cho biết chi tiết, mỗi chiếc lồng làm bằng thép có chi phí 17,3 triệu đồng, còn lồng bằng gỗ, chi phí 14,2 triệu đồng. Mỗi lồng như thế, một lứa nuôi từ 230 - 270 con cá. Làm xong, ông thấy anh em, con cháu, nhiều người còn chưa có việc làm, khó khăn về kinh tế, nên vợ chồng chỉ để 2 lồng, còn 8 lồng, ông tạo điều kiện cho anh em, con cháu cùng nuôi cá. Trong quá trình nuôi cá, ông thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn mọi người tìm kiếm thức ăn cho cá, theo dõi và phòng trừ dịch bệnh.

Tháng 4/2014, ông thả giống cá trắm cỏ, trọng lượng từ 24 - 25 con/kg. Lần đầu nuôi cá lồng, không vất vả gì lắm, nhưng đòi hỏi là phải đầy đủ thức ăn hàng ngày cho cá, thì cá mới nhanh lớn. Vợ chồng ông thay nhau vào rừng lấy lá chuối, cắt cỏ và trồng ngô lấy bắp làm thức ăn cho cá, tuyệt đối không sử dụng thức ăn công nghiệp. Sau 6 tháng nuôi, ông thấy cá ít bị bệnh, khá nhanh lớn, ước tính con to nhất gần 2 kg, con nhỏ gần 1 kg. Tới đây, ông sẽ bắt tỉa những con đạt trọng lượng từ 2 kg trở lên để bán dần, còn lại chờ đến tết mới thu hoạch. Giá cá trắm thịt trên địa bàn Tương Dương hiện nhập cho lái buôn 80 nghìn đồng/kg. Như vậy, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi lồng cá, sau 1 năm nuôi, gia đình ông Phùng có thể thu hoạch khoảng trên dưới 4 tạ cá thịt, tương đương khoảng 30 triệu đồng. Vì không sử dụng thức ăn công nghiệp nên mỗi năm chỉ nuôi 1 lứa, bắt đầu từ tháng 4 đến hết năm. Theo ông Phùng, từ ngày hồ Thủy điện Khe Bố tích nước, diện tích mặt nước rất rộng, dòng chảy không mạnh, rất thuận lợi để nuôi cá lồng. Do vậy, người dân nên tranh thủ chính sách hỗ trợ của nhà nước, đầu tư làm lồng nuôi cá trên sông, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.

Sau mỗi lứa cá, ông Phùng rút ra điều cơ bản nhất cần phải khắc phục, đó là con giống. Các huyện miền xuôi không thiếu gì cá giống, nhưng mình xuống đó mua, quãng đường vận chuyển quá xa, ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Hơn nữa, lạ nước lạ cái, khí hậu không phù hợp, nên thời gian đầu thả cá xuống lồng, cá thường bị mắc bệnh tróc vẩy, thậm chí bị chết. Với nguyên nhân đó, mới rồi ông Phùng đã mạnh dạn trao đổi với một số kỹ sư thủy sản ở Trường Đại học Vinh, giúp đỡ ông tạo cá giống trên đất Tương Dương. Hiện nay, ông đã khảo sát được vùng đất để đào ao, nếu thuận lợi, những năm tới, ông sẽ tạo được cơ sở ươm cá giống, cung ứng cho bà con trong vùng. Cũng theo ý kiến của ông Phùng, hầu hết các hộ đồng bào vùng cao này khó khăn về kinh tế, để làm một chiếc lồng nuôi cá, riêng tiền vật liệu đã gần 20 triệu đồng, đối với họ là rất khó. Do vậy, huyện cần có cách làm gì đó để người dân sớm tiếp cận với số tiền theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện. Như trường hợp của ông Phùng và nhiều hộ khác, mặc dù đã triển khai nuôi cá lồng từ hồi tháng 4, đến tháng 11 vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của nhà nước.

Ông Vi Quang Phùng, xã Thạch Giám chăm sóc cá lồng.
Ông Vi Quang Phùng, xã Thạch Giám chăm sóc cá lồng.

Chị Nguyễn Thị Bình - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, cho biết: Tương Dương có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi cá lồng. Đó là 2 lòng hồ thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố với tổng diện tích mặt nước 6.130 ha, trong đó hồ Thủy điện Bản Vẽ 4.700 ha, hồ thủy điện Khe Bố 1.430 ha. Vì vậy, Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ qua xem chủ trương nuôi cá lồng bè là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Theo đó, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Quyết định 09 của UBND tỉnh, UBND huyện còn có Quyết định số 1529/QĐND ngày 18/10/2012 hỗ trợ mỗi lồng cá 6 triệu đồng. Trong những năm qua, một số nông dân các xã ven mặt hồ đã đầu tư kinh phí làm lồng nuôi cá trên mặt hồ, tuy nhiên số lượng chưa nhiều, nên sản lượng cá hàng năm không đáng kể. Từ khi có chính sách hỗ trợ của nhà nước, phong trào nuôi cá lồng phát triển khá mạnh.

Đến nay, toàn huyện đã có 140 lồng cá, trong đó có 103 lồng được làm trong năm 2014 này. Các xã có số lồng cá nhiều, như: Xá Lượng 26 lồng, Lượng Minh 16 lồng, Thạch Giám 13 lồng, Tam Quang 18 lồng, Tam Đình 35 lồng, Thị trấn 11 lồng... Những hộ làm lồng nuôi cá này được tỉnh và huyện hỗ trợ 12 triệu đồng kinh phí làm lồng. Sau khi làm lồng xong, các hộ tự đầu tư mua cá giống và các vật tư khác. Cá lồng chủ yếu là cá trắm cỏ, một số lồng trên hồ Bản Vẽ đang nuôi thử nghiệm cá lăng, cá bọp, cá chiên. Khó khăn lớn nhất của người nuôi cá lồng là trên địa bàn huyện chưa có trại ươm cá giống, nên không chủ động được con giống. Trên địa bàn huyện cũng chưa có dịch vụ kinh doanh về thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh cho cá. Do vậy, việc nuôi thử nghiệm các loại cá nói trên, nếu thất bại sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Cho nên huyện cần có chính sách hỗ trợ con giống với những hộ này, nhằm tạo đều kiện cho họ an tâm, mạnh dạn trong cách làm ăn mới.

Theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện Tương Dương lần thứ 25, mục tiêu đến hết nhiệm kỳ này toàn huyện có 396 lồng cá. Như vậy, từ nay đến hết năm 2015, Tương Dương phải có 256 lồng cá nữa mới đạt mục tiêu đề ra. Theo chị Bình, hiện nay đã có nhiều hộ đăng ký làm lồng nuôi cá, đồng thời sang năm Trạm Khuyến nông sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương tuyên truyền chính sách hỗ trợ làm lồng nuôi cá của nhà nước để người dân thực hiện. Tuy nhiên, huyện cũng cần sớm giải ngân tiền hỗ trợ làm lồng cho bà con, phần lớn các hộ sau khi làm lồng xong khá lâu mà chưa được nhận tiền hỗ trợ, tạo tâm lý băn khoăn cho người dân. Nếu đạt được số lồng cá trên, tính bình quân mỗi lồng mỗi năm đánh bắt 4 tạ cá thịt, thì Tương Dương mỗi năm chủ động được trên trăm tấn thực phẩm thủy sản tươi sống.

Việc khai thác tiềm năng nuôi cá lồng trên hồ thủy điện không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn khai thác được tiềm năng lòng hồ để tạo ra nguồn thực phẩm thủy sản sạch, chất lượng cao trên thị trường vùng miền núi này, đồng thời bảo vệ được môi trường nước. Tuy nhiên, huyện Tương Dương cũng cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy trình nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ vốn kịp thời, kỹ thuật chăn nuôi cho nhân dân và nhân rộng ra diện rộng hơn. Huyện cũng cần tính đến việc xây dựng cơ sở sản xuất cá giống nhằm cung ứng con giống tại chỗ, giúp cho người dân tránh được rủi ro về chất lượng con giống, như lâu nay phải mua từ dưới xuôi lên.

Xuân Hoàng