Xã Nghĩa Thuận đạt chuẩn NTM: Xây dựng bền vững các tiêu chí
(Baonghean) - Được Ban chỉ đạo Thị xã Thái Hòa chọn là một trong 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), thời điểm ban đầu xã Nghĩa Thuận mới chỉ đạt 8 tiêu chí, sau 3 năm nỗ lực thực hiện, Nghĩa Thuận đạt 19 tiêu chí theo quy định và trở thành đơn vị thứ 2 của Thị xã về đích nông thôn mới với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ đạt chuẩn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phù hợp với điều kiện địa phương...
Bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Thuận quán triệt theo quan điểm tổ chức sản xuất hợp lý gắn nông nghiệp với thương mại dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị, giữ gìn được bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên cao.
Một góc nông thôn mới ở Nghĩa Thuận. Ảnh: Sỹ Minh |
Trên lĩnh vực kinh tế, Nghĩa Thuận tập trung thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất cánh đồng cho thu nhập, giá trị kinh tế cao như: cánh đồng rau, hoa và cơ cấu cây lúa lai cho năng suất cao chiếm 80% tổng diện tích sản xuất như tại xóm 7B. Trong chăn nuôi, chú trọng phát triển theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp được nhân dân tập trung đầu tư; hiện nay trên địa bàn có 8 trang trại chăn nuôi quy mô gắn với phát triển vườn đồi.Thông qua cơ chế “kích cầu” hỗ trợ đầu tư đưa cơ giới hóa vào các quy trình trong sản xuất nông nghiệp và tăng cường dịch vụ vận tải, đến nay, trên địa bàn xã có 29 máy cày, 32 máy tuốt lúa và 88 xe ô tô các loại đáp ứng các nhu cầu dịch vụ sản xuất nông nghiệp cũng như nhu cầu dân sinh.
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại được chú trọng phát triển, hiện trên địa bàn xã có 7 công ty xây dựng, có 200 hộ kinh doanh cá thể buôn bán nhỏ lẻ phát triển nghề sản xuất hàng mộc dân dụng, vật liệu xây dựng ... Số lượng lao động cũng có sự chuyển dịch khá mạnh với hơn 1.400 lao động làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh, hơn 300 lao động làm việc ở nước ngoài. Đời sống của nhân dân trên địa bàn thu nhập ổn định, ngày một nâng cao, có 91% số hộ có nhà ở đạt chuẩn, không còn có hộ dân ở trong nhà tạm bợ, dột nát. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 34 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,5%( năm 2010) xuống còn 3,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từ một xã nông nghiệp thuần túy nay đã chuyển dịch: Nông lâm nghiệp 24%; dịch vụ thương mại 39%; công nghiệp - xây dựng cơ bản 37%.
Kinh tế phát triển ổn định, đời sống nhân dân cả vật chất lẫn tinh thần được nâng lên. 20/21 xóm có nhà văn hóa khang trang và khuôn viên thể thao đạt chuẩn, đến nay, Nghĩa Thuận có 82% gia đình đạt Gia đình văn hóa, 15/21 xóm được công nhận Làng văn hóa. Hệ thống cơ sở vật chất trường học được chú trọng đầu tư xây dựng, chất lượng dạy và học được nâng cao, 4/4 trường đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I. Công tác y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm chăm lo, đã tập trung đầu tư nâng cấp các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, năm 2014 xã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế mức độ I. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng và thực hiện nghiêm túc, các xóm xa trung tâm xã có hố rác gia đình tự xử lý theo đúng quy định về bảo vệ môi trường...
Một thành công rất quan trọng của Nghĩa Thuận thông qua thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là đã xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển mới, phục vụ yêu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. Xã đã huy động nhân dân đóng góp 26.741 ngày công, hiến 40.000 m2 đất để mở đường, 687 m bờ tường rào xây kiên cố, cây cối hoa màu tổng giá trị trên 3, 6 tỷ đồng để làm đường, xây dựng được 17,5km đường trục xã với tổng kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Xây dựng đường trục thôn, xóm, ngõ xóm với chiều dài 27km; đường trục nội đồng 37,7km.
Hệ thống các công trình tưới tiêu thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng đầu tư như: Nâng cấp 1 trạm bơm, làm mới thêm 1km kênh mương bê tông, nâng cấp 5 hồ đập, xây dựng mương và cống thoát lũ... Trụ sở làm việc, nhà văn hóa xóm cũng được đầu tư, nâng cấp như: Chỉnh trang khuôn viên và nâng cấp trụ sở của Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; xây dựng mới 2 nhà văn hóa... Hệ thống lưới điện cũng đầu tư cải tạo, lắp đặt thêm 3 trạm hạ áp, nâng cấp số trạm điện của xã lên 8 trạm, nâng cấp và xây mới 4.300m đường dây điện REII và HTX điện đầu tư thêm 5km đường dây điện... đảm bảo an toàn, chất lượng cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Tổng nguồn lực cho xây dựng Nông thôn mới là hơn 238,2 tỷ đồng, trong đó, nguồn lực do nhân dân đóng góp, đầu tư là 129,746 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng số vốn đầu tư cho chương trình.
Bà con xóm 21, xã Nghĩa Thuận chăm sóc dưa chuột. Ảnh: Sỹ Minh |
Ngoài tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Nghĩa Thuận luôn quan tâm công tác quốc phòng - an ninh, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và các chế độ chính sách đối với người có công. Phát động tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng lực lượng, tổ an ninh, tổ tự quản tại 21 xóm, nhờ đó, nhiều năm liền xã Nghĩa Thuận không có tình trạng mất ổn định chính trị, khiếu kiện đông người kéo dài, không có điểm nóng xảy ra, nhân dân tin tưởng yên tâm để xây dựng kinh tế, văn hóa xã hội. Xã đã thực sự phát huy truyền thống Anh hùng LLVT nhân dân, năm 2013 đạt danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước” của tỉnh, được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Đảng bộ 30 năm liền đạt trong sạch vững mạnh, MTTQ và các tổ chức thành viên gồm Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn TN, Hội CCB đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các tổ chức xã hội được quan tâm nên hoạt động có hiệu quả góp phần làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Với sự quyết tâm cao độ đó, Nghĩa Thuận đạt 19/19 tiêu chí và được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM ngày 12/1/2015.
Có thể nói rằng, có được kết quả to lớn, tự hào như thế, yếu tố quan trọng nhất đó là sự kết hợp ý Đảng lòng dân, sự tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, mọi việc đều thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân giám sát”. Ngoài ra, Nghĩa Thuận đã tranh thủ được ngoại lực, sự đầu tư của cấp trên, sự giúp đỡ, hỗ trợ của doanh nghiệp; đặc biệt là khơi dậy được sức dân. Nghĩa Thuận được công nhận là xã đạt chuẩn NTM hiện nay không có nghĩa là đã hoàn thành nhiệm vụ, mà chỉ mới là tiền đề, là động lực để Đảng bộ và nhân dân xã nhà tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao. Đó là xây dựng xã Nghĩa Thuận ngày càng văn minh, giàu đẹp, nhân dân ngày càng hạnh phúc, được thừa hưởng các dịch vụ xã hội ngày càng tốt hơn...
Võ Sỹ Thông
(Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận)