Cần quản lý tốt công trình nước sinh hoạt

16/03/2015 11:35

(Baonghean) - Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong những năm qua, vùng rẻo cao Kỳ Sơn đã được xây dựng hàng trăm công trình nước tự chảy để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, để quản lý và sử dụng chúng một cách hiệu quả sau đầu tư đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của đồng bào ở mỗi thôn, bản.

Nhiều năm về trước, để có nước dùng, người dân xã biên giới Tà Cạ hàng ngày băng rừng ra khe, ra suối lấy nước. Bà con không mấy ai nghĩ rằng sẽ có ngày con nước được dẫn về tận bản, tận nhà để có thể sử dụng thoải mái trong sinh hoạt. Đến nay, 11 bản của xã Tà Cạ đều có ít nhất một công trình nước tự dẫn. Khác với những bản làng vùng cao khác khi nỗi lo về nước luôn thường trực, nhất là vào mùa khô thì tất cả người dân ở Tà Cạ đều có đủ lượng nước sinh hoạt hằng ngày. Từ năm 1998 đến nay, sau những dự án đầu tư của OXFAM, 134CP, 135CP thì lần lượt các bản đều có hệ thống nước tự chảy. Các bể chứa nước sinh hoạt đều đầy ắp nước được dẫn về từ những con khe lớn như khe Huồi Giản, Huồi Cẩu, Ca Nhăng…

Học sinh bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ hứng nước về sinh hoạt sau giờ học.
Học sinh bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ đi lấy nước về sinh hoạt sau giờ học.

Để bảo vệ nguồn nước đầu nguồn luôn được sạch sẽ, người dân ở đây đã đồng tâm thống nhất cùng với chính quyền chấp hành quy định “3 không”: không chặt phá rừng đầu nguồn, không dùng thuốc bảo vệ thực vật ở diện tích rẫy gần nguồn nước và không chăn thả gia súc. Những ai vi phạm sẽ bị khiển trách, nhắc nhở, thậm chí là bị cắt nước hoàn toàn. Nói về những quy định này, ông La Tuấn Ba – Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Ở vùng cao mà bị cắt nước thì coi như là bị cắt đi nguồn sống của mình nên bà con luôn có ý thức về việc bảo vệ các công trình này. Hằng năm, sau những trận mưa rừng, đường ống dẫn nước thường xuyên bị đứt các mối nối, trôi dạt rồi thất lạc thì bà con ở đây người góp lúa, người góp tiền để sửa chữa lại ngay…”.

Qua tìm hiểu được biết, tại mỗi bản, người dân đều bầu ra tổ quản lý nước từ 3 đến 4 người để thực hiện các nhiệm vụ phân phối, điều chỉnh nước về bể chứa cũng như bảo dưỡng hệ thống đường ống dẫn. Đây không phải là công việc quá khó nhưng đòi hỏi sự chu đáo và tinh thần trách nhiệm cao của mỗi thành viên. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở hai bản Cầu Tám và Vịnh Sơn 1. Do lấy chung nguồn nước từ Khe Hia – khe có sức nước yếu nhất của xã nên các tổ quản lý nước phải thống nhất và chia nhau thời gian lấy nước trong ngày để cân bằng được lượng nước cung cấp cho hai bản. Công việc này được các thành viên trong tổ quản lý duy trì nhiều năm nay cho dù số tiền công họ nhận được chỉ mang tính chất “động viên”.

Ngoài công tác duy trì và sử dụng các công trình nước với ý thức cao thì tại một số bản như Hòa Sơn, Sơn Hà, Sơn Thành bà con còn thành lập các tổ nước riêng để tự xây dựng các công trình dẫn nước chứ không đợi nguồn hỗ trợ từ các dự án hay ngân sách của huyện. Mỗi tổ như vậy thường có từ 10 đến 15 hộ cùng góp kinh phí từ 2 đến 4 triệu đồng/hộ. Đó là số tiền không hề nhỏ so với thu nhập của người dân ở đây nhưng bà con vẫn đồng lòng quyết tâm thực hiện. Nhờ những nỗ lực để bảo vệ và sử dụng hợp lý của người dân cũng như chính quyền xã nên tất cả các công trình nước của xã Tà Cạ hoạt động rất tốt sau hàng chục năm xây dựng.

Theo lời giới thiệu của ông Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ, chúng tôi về bản Hòa Sơn để tìm hiểu thêm về các công trình nước tự dẫn ở đây. Hiện 190 hộ dân của bản sử dụng nước từ 9 bể chứa với dung tích dao động từ 8 đến 10m3. Vì diện tích đất bằng không nhiều nên các bể chứa nước được xây dựng trong vườn của người dân. Tuy nhiên các gia đình đều vui vẻ nhường đất xây dựng các bể chứa nước. Gia đình anh Lô Xuân Việt dành 1 khoảng đất ở sân nhà để xây bể nước cho nhóm hộ, anh chia sẻ: “Bớt đi một chút đất của gia đình để xây bể thì không đáng chi phải tính toán cả. Bà con ở bản chúng tôi xem nước còn quý hơn cả cơm gạo, nên cả bản thống nhất cố gắng giữ gìn các công trình nước. Mỗi tháng chỉ cần đóng 6 ngàn đồng/nhân khẩu là có thể sử dụng thoải mái rồi. Còn đối với gia đình nào có học sinh, sinh viên đi học xa nhà thì được giảm một nửa…”.

Nước sạch về bản.
Nước sạch về bản.

Qua tìm hiểu được biết, bản có 2 tổ nước được xây dựng theo 2 chương trình tài trợ của OXFAM vào năm 2010 và chương trình tài trợ các xã biên giới vùng cao vào năm 1999. Ngoài ra còn một tổ 15 hộ bà con đứng ra chung tiền để tự dẫn nước về dùng. Kể từ khi xây dựng, đã nhiều lần hệ thống đường ống dẫn đã nứt vỡ. Bà con nơi đây vẫn nhớ nhất là 2 trận lũ to vào năm 2005 và 2011 khiến các ống nhựa dẫn nước vỡ nứt và trôi đi gần như toàn bộ, thậm chí bể nguồn còn bị đất đá vùi lấp hẳn. Tuy nhiên bà con ở đây luôn tự giác trong công việc bảo trì hệ thống dẫn nước nên người góp tiền, người góp lúa, góp công để khắc phục. Còn những nơi chi phí quá lớn thì mới nhờ vào sự hỗ trợ của huyện. Các tổ nước của bản đã cử ra mỗi tổ 4 người để quản lý và bảo vệ hệ thống đường dẫn, vào cuối vụ mùa bà con sẽ đóng góp lúa gạo hoặc tiền để hỗ trợ một phần cho họ. Nhờ đó mà bà con ở đây luôn chủ động trong việc sử dụng và quản lý nguồn nước.

Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân mà không phải công trình nước tự chảy nào của Kỳ Sơn cũng được sử dụng hiệu quả như ở Tà Cạ. Nhất là sau trận lũ lụt lớn năm 2011, đã có 60% số công trình hư hỏng. Những công trình hư hỏng nhẹ thì các xã có thể huy động người dân góp sức tự khắc phục nhưng đối với những hư hỏng nặng mà nguồn kinh phí sửa chữa lên đến hàng trăm triệu đồng thì quá trình khắc phục không hề đơn giản. Những xã như Huồi Tụ, Phà Đánh hay Keng Đu là 3 trong số nhiều cái tên luôn trong tình trạng “khát” đúng hoàn toàn về nghĩa đen. Nhiều hệ thống dẫn nước của xã đã không còn nước, vào mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau thì nỗi lo thiếu nước còn lo hơn thiếu cái ăn.

Đến xã Huồi Tụ, ngay tại bản Trung Tâm, tình trạng học sinh chen chúc nhau cạnh những vòi nước yếu ớt để hứng từng can nước nhỏ sau giờ tan học không còn là xa lạ. 13 bản của Huồi Tụ hiện có 836 hộ với 4.207 nhân khẩu, có 22 bể nước sinh hoạt, trong đó 3/4 số bể đã xuống cấp trầm trọng. Riêng số còn lại không có nước, nguyên nhân là do nguồn nước thấp hơn các công trình chứa nước nên đường dẫn và bể chứa luôn trong tình trạng “khô như rang”. Một số khe suối giờ đang trong tình trạng cạn nguồn nước bởi rừng đầu nguồn bị chặt phá, ví như Khe Y Bun - từng được xem như là “cứu tinh” của bà con Huồi Tụ giờ đây lượng nước đã cạn kiệt nhiều. Để nâng cao chất lượng công tác quản lý, vận hành, sử dụng các công trình nước sinh hoạt ở những vùng cao vẫn là công việc còn rất nhiều khó khăn, do đó cần sự chung sức đồng lòng từ người dân cũng như các cấp chính quyền để nỗi lo về nước không còn “ám ảnh” bà con nơi đây.

Thanh Quỳnh