Ngày vui trên đỉnh non thiêng

14/03/2015 08:18

(Baonghean) - Hàng năm, cứ vào độ cuối tháng Giêng âm lịch, bà con các dân tộc miền rẻo cao Kỳ Sơn lại nô nức hướng tới Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu. Đây là một lễ hội đặc sắc, đậm nét truyền thống lịch sử - văn hóa của địa phương và chứa đựng bản sắc văn hóa vùng miền. Và điều quan trọng là nhân dân có dịp được thể hiện niềm ngưỡng vọng, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, phù hộ cho bản làng no ấm, yên vui.

Đền Pu Nhạ Thầu là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi thiêng thuộc địa bàn bản Na Lượng (xã Hữu Kiệm). Ngôi đền gắn liền với những truyền thuyết và sự tích được lưu truyền trong dân gian, được đồng bào nơi đây lưu truyền từ đời này qua đời khác. Người dân bản Na Lượng kể rằng, từ thuở xa xưa, công chúa La Bình, con gái Sơn Tinh và Mỵ Nương, cháu ngoại Vua Hùng thứ 18 là người giàu tâm đức và tài năng, luôn yêu thương và bảo vệ muôn dân. Nàng thích chu du khắp nơi, thường tìm đến những vùng rừng núi, bản làng để bảo ban giúp đỡ dân lành, giúp bà con các dân tộc có cuộc sống yên vui, sung túc. Người dân 9 bản, 10 mường vô cùng ngưỡng mộ công chúa La Bình và suy tôn nàng là Mẫu thượng ngàn. Khi công chúa không còn nữa, nhân dân đã lập miếu trên đỉnh núi cao trong vùng để thờ cúng và hương khói quanh năm.

Đỉnh Pu Nhạ Thầu ngày hội.
Đỉnh Pu Nhạ Thầu ngày hội.

Đền Pu Nhạ Thầu và bản Na Lượng còn gắn liền với sự kiện đánh đuổi giặc ngoại xâm của tướng sỹ nhà Trần trong thế kỷ 14. Đó là vào khoảng năm 1335, giặc Ai Lao tràn qua biên giới sang xâm chiếm nước ta, chúng đốt phá bản làng, cướp bóc của cải, giết hại người vô tội. Thượng hoàng Trần Minh Tông quyết định thân chinh cầm quân vào dải đất biên cương để đánh đuổi giặc Ai Lao và cử Đoàn Nhữ Hài (người ở làng Hội Xuyên, huyện Tường Lân, lộ Hồng Châu, nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) làm Đốc tướng. Khi vào tới đất Nam Nhung (nay thuộc 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương), vị Đốc tướng nhà Trần đã chọn một ngọn núi cao trong vùng thuộc bản Na Lượng - xã Hữu Kiệm để dựng doanh trại luyện tập binh sỹ và quan sát hoạt động của giặc.

Đồng bào nơi đây vô cùng vui sướng khi được binh sỹ triều đình về ứng cứu, nhiều thanh niên trai tráng xin gia nhập để góp một phần công sức đánh đuổi giặc, giữ yên bản làng. Đông đảo bà con trong vùng đã góp công, góp sức, cung cấp lương thực cho tướng sỹ triều đình, đồng thời động viên con em gia nhập đoàn quân. Trong đó, phải kể đến một người phụ nữ tuổi đã cao nhưng vẫn động viên chồng con gia nhập đội quân triều đình, luyện tập binh đao để đánh đuổi quân giặc. Người chồng tuổi cao vẫn ra trận trực tiếp chiến đấu, người con trai được giao nhiệm vụ bảo vệ kho vũ khí và lương thực để phục vụ cho quân đội nhà Trần. Còn người mẹ nhận làm giao liên và tiếp tế quân lương, nấu ăn cho tướng sỹ triều đình.

Lễ rước trong Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu
Lễ rước trong Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu

Quân ta lập doanh trại và luyện tập trên núi, địch tìm kế đánh úp. Đoán biết được kế hiểm của kẻ địch, Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài liền cho quân lính vòng theo sườn núi đến ngã 3 sông để chặn bước tiến của chúng. Trên đường hành quân, Đoàn Nhữ Hài bị phục kích và hy sinh. Sau khi ông qua đời, triều đình xuống chiếu giao cho nhân dân vùng ấp Nam Nhung lập đền thờ và tổ chức cúng tế vào dịp đầu Xuân, khi mùa màng đã thu hoạch xong và tiết trời ấm áp.

Lại nói về người mẹ nuôi quân, khi quê hương trở lại cuộc sống yên bình cũng là lúc bà về với tổ tiên. Để bày tỏ niềm kính trọng và biết ơn người có công giúp đỡ tướng sỹ triều đình, người dân trong vùng đã gọi ngọn núi cao, nơi Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài từng lập doanh trại là núi Bà Già (tiếng Thái là Pu Nhạ Thầu).

Trước công đức của Đốc tướng nhà Trần và sự đóng góp thầm lặng của người mẹ già nuôi quân, nhân dân bản Na Lượng đã rước linh hồn của các vị về phối thờ ở miếu thờ Mẫu thượng ngàn, sau đó nhân dân góp công, góp của nâng cấp thành đền thờ. Từ đó, nhân dân khắp các bản làng thuộc đất Nam Nhung thường đến dâng lễ vật, bày tỏ tấm lòng thành và nguyện cầu bình yên, no ấm. Nhân dân quen gọi ngôi đền trên đỉnh núi ở bản Na Lượng là đền Nhà Trần hoặc đền Pu Nhạ Thầu. Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố thăng trầm, người dân trong vùng luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ ngôi đền thiêng trên đỉnh núi. Ngay cả những năm đánh Mỹ, đền Pu Nhạ Thầu 2 lần bị trúng bom và đổ sập, lập tức dân bản lại vào rừng lấy gỗ dựng lại đền.

Hàng tháng vào mồng 1 và ngày rằm, người dân Kỳ Sơn đều sắm sửa lễ vật và lên đền chăm sóc hương khói. Trong những năm gần đây, có nhiều đoàn khách hành hương về chiêm ngưỡng vẻ đẹp của phong cảnh Pu Nhạ Thầu. Bởi từ đây, nhìn ra xung quanh là núi non hùng vỹ, phía dưới là dòng Nậm Mộ uốn quanh như dải lụa màu xanh làm nên vẻ đẹp nên thơ và hữu tình. Vẻ đẹp ấy dễ làm đắm say lòng người, quyến rũ và mời gọi những ai ưa tìm hiểu, khám phá.

Vào những ngày lễ hội, đỉnh Pu Nhạ Thầu trở nên nhộn nhịp, đông vui bởi tiếng cồng chiêng vang vọng, tiếng khèn, tiếng hát rộn ràng và tiếng nói cười giòn giã. Hòa vào dòng người tham gia lễ rước, du khách sẽ được đắm mình trong không khí linh thiêng. Đoàn rước xuất phát từ bản Na Lượng, xuôi theo Quốc lộ 7A, rồi men theo con đường lên đỉnh núi, nơi đền Pu Nhạ Thầu tọa lạc. Linh vị các vị thần được rước vào đền, mọi người thành kính hướng về thượng điện, nơi bắt đầu diễn ra lễ đại tế. Sau khi dâng lễ vật, vị mo chủ kính mời các vị thần linh, tổ tiên dòng họ về dự lễ hội và thụ hưởng, phù hộ cho các bản làng no ấm, phát đạt, lúa đầy đồng, cá đầy sông, rừng tươi tốt, dân bản yên vui và đoàn kết một lòng... Tiếp đến là phần hội với chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ, uống rượu cần, múa lăm vông và các trò chơi dân gian hấp dẫn. Đặc biệt, đến với lễ hội, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng, được những bàn tay khéo léo của phụ nữ Na Lượng chế biến.

Trao đổi với chúng tôi, bà Cụt Thị Nguyệt, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Công tác chuẩn bị cho lễ hội năm nay đã hoàn tất, người dân Kỳ Sơn đang náo nức chờ khai hội. Đây là dịp thể hiện lòng ngưỡng mộ và biết ơn những người có công đánh giặc, giải phóng bản mường và qua đó để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Lễ hội cũng là dịp để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá bản sắc của các dân tộc huyện Kỳ Sơn, quảng bá hình ảnh đất và người quê hương đến với bè bạn gần xa”.

Bài, ảnh: TƯỜNG ANH - THU HƯƠNG