Tủi phận "vô lương"

02/11/2014 08:49

(Baonghean) - Không khí trong quán nước hôm nay rất khác thường. Người phẫn nộ, kẻ thì ngại ngùng vì lời kêu gọi “Hãy thương lấy những cán bộ có mức lương thấp, những người về hưu trước năm 1992 - 1993, bớt ăn tiêu đi, dành tiền tăng lương” của một vị vừa là đại biểu của dân vừa là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp tại phiên thảo luận về ngân sách nhà nước năm 2014 vào chiều 31/10 vừa rồi.

Phe cáu kỉnh, phẫn nộ dĩ nhiên là những người thuộc diện “tự sản, tự tiêu” không được hưởng “mưa móc” từ ngân sách nhà nước vì cảm thấy mình không được đại biểu Quốc hội “thương”. Còn phe ngại ngần cảm thấy như bị thương hại là vài ba vị “cắp ô”, có chút tiền còm từ sổ lương. Còm mấy thì cũng thuộc diện có lương đến trọn đời mặc thế sự xoay vần, sướng chán vạn lần so với những người không có lương, mà thỉnh thoảng vẫn tự trào nhận mình thuộc diện “bất lương”, “vô lương” rồi nhệch mồm ra cười như mếu. Thấy không khí có phần căng thẳng, thiếu thân thiện, bà chủ hàng nước lấy làm “quan ngại” mới tìm cách giải tỏa bằng giải pháp trung dung “Ôi dào, tăng cũng thế mà không tăng cũng thế. Có khi còn vạ lây vì tăng lương”.

Rồi bà lý giải cứ mỗi khi Nhà nước rục rịch tăng lương là giá cả ngoài thị trường đã tăng vèo vèo theo kiểu “đi tắt, đón đầu”. Khi tăng thật thì giá cả đã bứt phá vượt xa một cách ngoạn mục. Lương tăng một, giá cả tăng hai, ba. Thành ra, tăng mà như không tăng và có khi còn tệ hơn tăng. Và mỗi lần như vậy dân thường lại bị vạ lây vì họ đâu có lương mà được tăng, trong khi thứ gì cũng lên giá theo kiểu “tát nước theo mưa”. Ngẫm cho thật kỹ thì bên được thương cũng khổ mà bên không được thương cũng khổ. Nghĩa là như nhau, là hòa cả làng. Hậm hực với nhau làm gì cho khổ nhau ra. Tốt nhất là cứ sống và cư xử với nhau trong tình thân ái và hữu nghị... Nghe đến đấy, mặt các “ẩm khách” giãn ra và tất cả lại sôi nổi bàn tán, sẻ chia với nhau những chuyện đời thường và cả chuyện tăng, giảm trong không khí hòa bình thắm thiết tình hữu nghị.

Thật đúng là “trong héo, ngoài tươi”, cười cười, nói nói vậy thôi chứ thật ra bà hàng nước cũng cảm thấy chạnh lòng ghê gớm. Bà thấy bất công quá. Quốc hội là của chung toàn dân, bà bán trà đá, trà chén nuôi thân dẫu không có lương bổng gì nhưng cũng là “con Lạc, cháu Hồng”, là con dân nước Việt sao lại không được quan tâm lo lắng như những người hưởng lương. Nếu đúng là lương thấp quá, khổ quá, không kham nổi việc sao không thấy ai tự nguyện xin thôi việc ra đường ngồi bán nước như bà. Càng ngẫm bà càng thấy thương, thấy tủi cho mình và cho thân phận những người cũng... “vô lương” như bà.

Người Lắm Chuyện