Nhiếp ảnh báo chí: Ai cũng làm nhưng chẳng mấy ai hiểu

13/03/2015 18:17

Kể cả một số người trong nghề vẫn thường đánh đồng nhiếp ảnh báo chí với nhiếp ảnh nghệ thuật. Bản chất hai “ông” này khác nhau hoàn toàn, mặc dù cùng chụp ảnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Định nghĩa

Nhiếp ảnh Báo chí với ngay cái tên cũng có thể tự định nghĩa được. Nói theo kiểu hàn lâm thì: Nhiếp ảnh Báo chí là hình thái báo chí sử dụng công cụ nhiếp ảnh để truyền tải nội dung thông tin. Còn hiểu theo kiểu lề đường: nhiếp ảnh báo chí là ảnh đăng trên báo, thế thôi.

Nếu là ngoại đạo thì không nói, nhưng kể cả một số người trong nghề lại đánh đồng nhiếp ảnh báo chí với nhiếp ảnh nghệ thuật. Bản chất hai “ông” này khác nhau hoàn toàn, mặc dù cùng chụp ảnh. Một “ông” tường thuật sự vật, sự việc thực tế đang diễn ra một cách trung thực, khách quan. Một ông truyền tải những thông điệp, ý tưởng diễn ra trong đầu ông ý, những thứ tưởng tượng cũng được.

Tính chất

Nhiếp ảnh Báo chí không thể nằm ngoài những giá trị của Báo chí vì nó là tập con của Báo chí. Do đó, tính trung thực, tính khách quan phải được đặt lên hàng đầu.

Ngoài ra, ảnh báo chí còn có một tính chất vô cùng quan trọng, một tính chất mang đến giá trị to lớn và cũng chính nó, làm khổ sở biết bao phóng viên ảnh, đó chính là tính minh chứng (proof and evidence). Nghĩa là: một phóng viên có thể viết hươu viết vượn, viết cái gì cũng được nhưng chưa chắc độc giả đã tin. Khi đó, nếu có các bức ảnh chứng minh, giá trị cho bài báo đó được kích thích mạnh mẽ. Tính minh chứng là vấn đề phức tạp, xin dành viết sâu hơn vào một dịp khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiếp ảnh báo chí và Nhiếp ảnh tư liệu

Đây là chủ đề mà nhiều phóng viên bên Mỹ thi thoảng lôi ra tranh luận. Có một số tư tưởng khác nhau, tỷ như: Photojournalism (Nhiếp ảnh báo chí) mang tính chất ngắn hạn, trực diện, khách quan, không cần cảm xúc. Documentary Photography (Nhiếp ảnh tư liệu) lại mang tính dài hạn, giàu cảm xúc. Hoặc như, sau khi đăng báo, qua đi tính thời sự thì “ảnh báo chí” sẽ trở thành “ảnh tư liệu”.

Không phải thế. Bản chất Photojournalism (Nhiếp ảnh Báo chí) đã có chữ Journalism (Báo chí) trong đó, đương nhiên, những bức ảnh xuất hiện trên báo có thể coi là Photojournalism rồi. Documentary Photography có thể vẫn là những bức ảnh đó, những bộ ảnh đó, nhưng không đăng báo, hoặc không nhất thiết phải đăng báo.

Hoặc hiểu như thế này, một nhiếp ảnh gia, làm một bộ phóng sự ảnh về con mèo nuôi trong nhà, làm cả năm cũng được, làm từ lúc mang mèo về cho đến lúc mèo lăn ra chết cũng được. Đó là Documentary Photography những không thể là Photojournalism vì chả có tờ báo nào đi đăng bộ ảnh đấy.

Hoặc có nhiếp ảnh gia làm đề tài Documentary Photography về Nạn nhân chiến tranh. Nó mãi mãi là Documentary Photography cho đến khi bộ ảnh đăng báo, trở thành Photo Essay hoặc Photo Story hoặc Photo Collection của Photojournalism.

Thêm vào đó, Documentary Photography thường được hiểu dưới dạng ảnh bộ, có chủ đề và trình tự đàng hoàng. Một phóng viên đi chụp người bán xăng đang thay bảng giá thì khó có thể coi là Documentary Photography được.

Theo Dương Quốc Bình/Infonet