Ukraina: Khi nền kinh tế hậu phương suy kiệt

14/03/2015 09:41

(Baonghean) - Thứ 6 ngày 13/3, các vòng đàm phán để tái cơ cấu lĩnh vực nợ công Ukraina khởi động với mục đích giảm nhẹ khoản nợ lên đến 15 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 1/3 nhu cầu tài chính của quốc gia này từ nay cho đến năm 2019.

Thủ tướng Arseny Yatseniuk (trái) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraina Natalia Yaresko (phải).
Thủ tướng Arseny Yatseniuk (trái) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraina Natalia Yaresko (phải).

Sự kiện này diễn ra trong vòng chỉ chưa đầy 48 tiếng đồng hồ kể từ sau quyết định của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua chương trình hỗ trợ 17,5 tỷ đô la Mỹ. Chương trình sẽ kéo dài trong 4 năm và được Ukraina kỳ vọng sẽ giúp quốc gia này thoát ra khỏi tình trạng suy thoái trầm trọng. Hai năm suy thoái với một nền tảng công nghiệp bị phá huỷ bởi cuộc nội chiến dai dẳng đã khiến hơn 6.000 người thiệt mạng ở miền Đông đất nước. Đồng tiền Ukraina đã sụt giá và mất đến 70% giá trị so với đồng đô la Mỹ kể từ một năm nay; lạm phát xấp xỉ 35%; nợ công lớn và tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm; dự trữ ngoại tệ thậm chí còn thấp hơn kim ngạch nhập khẩu một tháng;…Nền kinh tế Ukraina đang bên bờ sụp đổ và người dân nước này đang vật lộn trong hàng núi khó khăn, thiếu thốn.

Trong tình hình đó, Chính phủ Ukraina chủ trương dựa vào viện trợ từ quốc tế để vực dậy nền kinh tế nội địa, nhưng sự trợ giúp nào cũng có cái giá của nó. Chính phủ Ukraina đã phải áp dụng những biện pháp mà hệ luỵ trực tiếp là khiến tình trạng nghèo khổ của người dân nước này trầm trọng hơn, chí ít là trong một khoảng thời gian đầu tiên. IMF đã ra “cảnh cáo”: khoản viện trợ đầu tiên lên đến 5 tỷ đô la sẽ được đổ vào Ukraina muộn nhất là vào thứ 6 ngày 13/3 nhưng chỉ với điều kiện nước này phải áp dụng các biện pháp cải cách quyết liệt hơn nữa để “dọn sạch” các tài khoản công, giảm tỷ lệ tham nhũng hoặc tái cơ cấu lại lĩnh vực ngân hàng. Kể từ sau khi cựu Tổng thống Viktor Ianoukovitch bị lật đổ cách đây hơn một năm, việc bỏ phiếu hoặc áp dụng các chủ trương cải cách này vẫn bị trì hoãn cho tới thời điểm hiện tại.

Để chứng minh quyết tâm thay đổi và hợp tác, đầu tháng 3 vừa qua, Chính phủ Ukraina đã thông báo tăng gấp 3 lần giá ga dùng trong sinh hoạt gia đình và tăng 70% giá sưởi ấm. Đồng thời, Tập đoàn năng lượng quốc gia Naftogaz dự kiến cũng sẽ được tư nhân hoá - những biện pháp mạnh tay này cho thấy lĩnh vực năng lượng sẽ “tiên phong” trong các chủ trương cải cách. Ngoài ra, tiền lương hưu cũng bị giảm xuống: cụ thể, những đối tượng vẫn đang trong độ tuổi lao động và sẽ được hưởng khoản hưu trên 1.423 hryvnia/tháng (tức 53 euro/tháng) theo quy định cũ, nay sẽ chỉ được hưởng 85% khoản lương hưu này.

Những biện pháp có thể làm hài lòng các “nhà hảo tâm” nước ngoài này lại có cái giá không hề nhỏ về mặt xã hội trong nước. Tuần vừa rồi, Tổng thống Petro Poroshenko đã ra lời kêu gọi cả quốc gia “nhìn thẳng vào sự thật”. “Chừng nào nội chiến còn tiếp diễn, sẽ chẳng có nguồn đầu tư nào vào Ukraina”, ông cảnh báo. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Valeria Gontavera khẳng định: “Đất nước chúng ta chưa từng trải qua quãng thời gian nào khó khăn như thế này kể từ sau Thế chiến thứ II”. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Aivaras Abromavicius thì lại tỏ ra lo ngại về những hệ quả tiêu cực của các biện pháp mạnh bạo kể trên: “Với tỷ giá hối đoái hiện nay, mức lương đang tụt xuống dưới ngưỡng 200 đô la Mỹ hàng tháng. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra cánh cửa cho nạn tham nhũng. Chúng ta phải nhanh chóng bỏ phiếu thông qua một cải cách hành chính cho phép cắt giảm mạnh biên chế và tăng mức lương cho những vị trí còn lại của hệ thống”.

Nói đến Ukraina hiện nay, người ta vẫn thường nghĩ đến cuộc khủng hoảng an ninh - chính trị ở miền Đông quốc gia này và mối quan hệ rắc rối với Nga và châu Âu. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Kiev - một quan chức an ninh cấp cao - lại thừa nhận cách đây vài tuần rằng sự bất ổn do khủng hoảng kinh tế còn khiến Ukraina lo ngại hơn nhiều. Như để minh hoạ cho mối nguy hiểm đến từ tình trạng nghèo khổ có chiều hướng gia tăng ở người dân, người này đã lấy bản thân mình làm ví dụ: cùng với chủ trương giảm mức lương và sự sụt giảm tỷ giá của đồng tiền Ukraina, thu nhập của ông này đã giảm từ 2.500 xuống còn 2.000 đô la Mỹ trong vòng một năm. Trong khi đó, tại Kiev, giá xăng đã tăng lên 2,5 lần trong vòng 14 tháng, lạm phát thì không có dấu hiệu chững lại và đã cán mốc 34,5% hồi tháng 2 vừa qua.

Trong những tuần trở lại đây, đồng hryvnia lại tiếp tục sụt giảm 40% giá trị. Tình trạng này có dấu hiệu tăng tốc kể từ ngày 5/2 khi Ngân hàng Trung ương Ukraina yêu cầu IMF ngừng can thiệp để bảo vệ đồng tiền này. Tuần lễ từ ngày 3/3 đến 9/3, tỷ giá hối đoái chính thức chạm mốc 30 đồng hryvnia đổi lấy 1 đô la Mỹ. Tỷ giá này là 16,32 vào đầu năm 2015 và là 8 hồi đầu năm 2014, làm kiệt quệ hoàn toàn sức mua của người dân Ukraina.

Trái ngược với phản ứng của người dân Ukraina, rõ ràng những nỗ lực trên của chính phủ nước này được các nhà tài trợ quốc tế ghi nhận một cách tích cực. Tổng giám đốc của IMF Christine Lagarde khẳng định: “Chính quyền Kiev vẫn đang chứng tỏ quyết tâm theo đuổi cải cách triệt để trong một bối cảnh vô cùng khó khăn”. Có lẽ đó cũng là lựa chọn duy nhất của Ukraina lúc này và Kiev sẽ không từ bỏ khi mà Ngân hàng Trung ương tuyên bố hôm thứ 5 ngày 12/3 là sẵn sàng tăng cường kiểm soát nguồn vốn nếu như thị trường hối đoái tiếp tục sụt giảm. Có vẻ như tuyên chiến với Nga chưa bao giờ là dễ dàng, dù trên mặt trận nào đi chăng nữa. Nếu như nền kinh tế Nga đã tạm thời vượt ra khỏi đáy vực khủng hoảng và cầm cự khá bền bỉ thì tình thế của Ukraina nguy cấp hơn rất nhiều. Thêm một gánh nặng cho châu Âu, khi mà khu vực này cũng đang đau đầu với các khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp. Lại một bằng chứng nữa chứng minh quy luật “nhân - quả” giữa an ninh - chính trị và kinh tế.

Thục Anh

(Theo Le monde)

TIN LIÊN QUAN