"Đánh thức" tiềm năng vùng đất cát

30/11/2014 14:53

(Baonghean) - Ông Hùng, xóm 10, xã Diễn Thành là người đi đầu về thành tích ứng dụng công nghệ, đưa cây trồng mới vào đồng ruộng, tạo ra giá trị kinh tế cao trên 1 đơn vị canh tác. Chỉ với chưa đầy 1 mẫu đất (0,5 ha) nhưng mỗi năm ông Hùng có thu nhập gần 400 triệu đồng. Đây là một kỳ tích bởi miền đất cát của xã vốn bạc màu và chua phèn... 

(Baonghean) - Ông Hùng, xóm 10, xã Diễn Thành là người đi đầu về thành tích ứng dụng công nghệ, đưa cây trồng mới vào đồng ruộng, tạo ra giá trị kinh tế cao trên 1 đơn vị canh tác. Chỉ với chưa đầy 1 mẫu đất (0,5 ha) nhưng mỗi năm ông Hùng có thu nhập gần 400 triệu đồng. Đây là một kỳ tích bởi miền đất cát của xã vốn bạc màu và chua phèn...

Được đi nhiều nơi, ông Trần Duy Hùng nhận thấy quê hương có tiềm năng đất đai, người dân có sức lao động nhưng tại sao đất bỏ hoang? Mấy năm trước đặt ra câu hỏi nhưng cũng chính ông phải tìm câu trả lời khi tìm ra xã Quỳnh Lương, nơi cũng là vùng đất cát nhưng phong trào làm rau màu nổi tiếng để học hỏi. Ban đầu ông mua su hào, cải bắp về trồng. Vừa làm vừa học, thời gian đầu rất khó khăn, vì đất cát nên mỗi khi mưa ngập là thất bại. Thế nhưng, nhờ được bạn bè giúp đỡ và chịu khó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm nên thiệt hại giảm dần. Từ năm 1996, ngoài su hào, cải bắp,… Ông Hùng mạnh dạn đưa thêm vào một số cây trồng mới như cà chua, hành hoa, xúp lơ... vào trồng.

Ông Trần Duy Hùng chăm sóc ruộng rau.
Ông Trần Duy Hùng chăm sóc ruộng rau.

Sau khi làm chủ được kỹ thuật trồng rau màu, ông Hùng tiến lên một “nấc” nữa là sản xuất, ươm giống rau. Đây là chuyển động mang tính bước ngoặt vì bên cạnh tạo thêm việc làm còn mang lại kinh tế cho gia đình. Ngoài sản xuất rau màu, cung ứng giống cho bà con trong vùng, với uy tín và tận tình, gia đình còn cung cấp giống rau cho một số huyện khác. Hiện nay, trên diện tích khoảng 5 - 6 sào đất nhưng không bao giờ hết sản phẩm để bán... Với lòng say mê lao động và không ngừng sáng tạo, sau một thời gian tìm hiểu, năm 2005 ông bắt đầu đưa giống dưa hấu vào sản xuất vụ hè. Sau 2 năm đầu sản xuất khó khăn, thì đến năm 2008 đã thành công. Đây là bước đột phá vì nó không chỉ phát hiện thêm 1 loại cây trồng phù hợp với đất cát mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với 2 vụ dưa hấu mỗi năm, ông thu về hàng trăm triệu đồng, mở ra hướng thâm canh mới cho bà con trong vùng. Từ đó, bà con xóm 10 không chỉ làm 2 vụ mỗi năm như trước đây mà sản xuất 4 vụ. Theo ông Hùng, sản xuất cây ngắn ngày mất nhiều công nhưng giảm được nguy cơ thiệt hại do thời tiết, sâu bệnh; cây trồng nào có chu kỳ càng dài ngày thì nguy cơ bị thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh càng lớn.

Không chỉ là hạt nhân tiên phong mở lối sản xuất, tăng thu nhập, ông Hùng còn sẵn sàng hướng dẫn bà con xóm làng cùng làm. Với vai trò là đội trưởng đội sản xuất của HTX, ông đã đề nghị xóm và Ban Chủ nhiệm HTX lập thành các tổ từ 3-5 hộ giúp nhau làm đồng. Các tổ nhóm làm lán trại ngoài đồng vừa nghỉ ngơi vừa bảo vệ xứ đồng vừa giám sát, động viên nhau sản xuất rau sạch, an toàn để tạo uy tín, xây dựng thương hiệu bền lâu…

Từ dải đất cát chua phèn bạc màu, thậm chí có nơi bỏ hoang, đến nay cả xóm có trên 100 hộ tham gia trồng rau màu trên diện tích 15 ha. Để tìm đầu ra bền vững cho rau màu, được sự giúp đỡ của xã và ủng hộ của một số bà con, ông Hùng đứng ra làm nhóm trưởng cùng các gia đình khác chọn 10 ha để sản xuất theo quy trình VietGAP. Sau một thời gian theo dõi, kiểm tra và lấy mẫu, năm 2013, cánh đồng rau 10 ha của xóm 10, xã Diễn Thành được cơ quan chức năng công nhận đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP… Từ đây, rau của bà con sản xuất ra được các đại lý đến tận chân ruộng mua gom đi bán rất tiện lợi...

Trên thửa đất chưa đầy 1 mẫu, mỗi năm ông Hùng có “lãi ròng” khoảng trên 200 triệu đồng, song ông cũng phân trần: “Mặc dù mức thu nhập trên là khá đối với nông thôn nhưng gia đình đang phải chi tiêu nhiều nên chưa khá giả gì. Hiện tại, ngoài đảm bảo chi tiêu cho 8 khẩu, nuôi 4 con ăn học, trong đó 2 con đang học đại học tại Hải Phòng và Hà Nội...”. Gần như suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng ông Hùng luôn tự nhủ vợ chồng phải gắng sức và tiết kiệm chi tiêu để nuôi con ăn học. Mong muốn lớn nhất của ông là các con chăm chỉ và học hành nên người, có thể giúp bố mẹ cũng như các hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao giá trị cây trồng...

Chia tay chúng tôi, ông Hùng gửi gắm một chia sẻ và cũng là trăn trở đến cháy bỏng: “Diễn Thành là xã ven đô đang trong quá trình phát triển theo hướng đô thị hóa. Về lâu dài, đất sản xuất sẽ thu hẹp dần nên là phải tập trung đầu tư để nâng cao hiệu quả sử dụng đất”. Mong rằng, trăn trở này sẽ được cấp ủy, chính quyền địa phương chia sẻ để kịp thời có những định hướng, kế hoạch nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất trên địa bàn; đồng thời có kế hoạch đào tạo, chuyển đổi nghề để bà con làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Bài, ảnh: Nguyễn Hải