"Thế trận đoàn kết" phía sau Venezuela trong cuộc đối đầu với Mỹ

15/03/2015 17:50

(Baonghean.vn) - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đã diễn ra tại Ecuador bắt đầu từ ngày 14/3 để thảo luận về tình hình Venezuela.

Như mọi lần trước đó, các nước UNASUR tiếp tục bày tỏ rõ ràng và mạnh mẽ tình đoàn kết với Venezuela trước những gia tăng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Mỹ. Mặc dù vai trò hòa giải của UNASUR không thực sự được đánh giá cao, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng thái độ kiên quyết của UNASUR có thể khiến Mỹ phải cân nhắc nếu tính tới lợi ích địa chiến lược tại “sân sau” Nam Mỹ.

Đại diện các nước Nam Mỹ tại hội nghị ở Ecuador
Đại diện các nước Nam Mỹ tại hội nghị ở Ecuador

Mỹ có thể đi xa tới đâu?

Liên tục trong những ngày gần đây, UNASUR cũng như từng quốc gia thành viên đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ với Venezuela và phản đổi Mỹ trong cuộc chiến ngoại giao căng thẳng giữa hai nước này. Những hành động ủng hộ Venezuela càng cấp tập hơn sau khi Mỹ ra thông cáo chính thức trong đó coi Venezuela là “mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”, cùng với việc công bố gói trừng phạt mới nhằm vào 7 quan chức cấp cao của nước này. Các nước UNASUR cho rằng hành động này của Mỹ là sự việc nghiêm trọng hơn hẳn những màn “đấu khẩu”, trừng phạt qua lại giữa Mỹ và Venezuela tính từ đầu năm nay. Và hàng loạt đồn đoán về những bước đi tiếp theo của Mỹ đã xuất hiện, phổ biến nhất là việc Mỹ sẽ áp đặt cấm vận về thương mại, tài chính và kinh tế nhằm vào Venezuela giống như lệnh cấm vận đã áp đặt với Cuba trong hơn 50 năm qua – quá trình đã từng được Mỹ áp dụng tương tự như với Iran, Syria trước đây. Theo Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez, kế hoạch của Mỹ có thể gồm 30 gói trừng phạt, đóng băng tài khoản, tài sản.

Thế nhưng, theo các nhà lãnh đạo Venezuela, cấm vận chưa phải là bước đi nguy hiểm nhất trong kế hoạch của Mỹ với Venezuela, mà quan trọng hơn là một sự can thiệp quân sự. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã kêu gọi cả nước đoàn kết sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành động động gây hấn nào của Mỹ. Vậy hành động gây hấn đó có thể là gì? Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez cho rằng Mỹ đang tạo cơ sở pháp lý để phát động một cuộc chiến nhằm vào Venezuela khi Tổng thống Barack Obama tìm cách vận động quốc hội “hậu thuẫn cho việc tấn công bất cứ quốc gia nào không phục vụ các lợi ích của Mỹ”. Nhiều tờ báo trong khu vực cũng có cùng quan điểm này khi cho rằng tuyên bố của Mỹ có thể dẫn tới một chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm vào Venezuela – có dẫn chứng bằng những sự kiện lịch sử tại châu Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông. Chính trị gia Argentina Adolfo Pérez Esquivel, người từng giành giải Nobel Hòa bình năm 1980, đã cảnh báo nguy cơ Mỹ tấn công quân sự Venezuela với lý do “Nhà Trắng không thể chấp nhận việc một quốc gia chống lại quyền bá chủ của họ nằm ở châu Mỹ.”

Sức mạnh của đoàn kết

Kể từ sau khi đưa ra tuyên bố về việc Venezuela là mối đe dọa an ninh, bất chấp mọi đồn đoán, Mỹ vẫn chưa thể hiện bất cứ động thái nào tiếp theo. Nhưng mặc cho sự “im hơi lặng tiếng” của Mỹ, Venezuela cùng với các đồng minh UNASUR vẫn sục sôi. Những cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra ở Venezuela và nhiều quốc gia Nam Mỹ khác nhằm phản đối tuyên bố của Mỹ. Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã bình luận trên trang web cá nhân về tuyên bố của ông Obama rằng “Nó gợi lại những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử châu Mỹ của chúng ta, thời khắc của những cuộc xâm lược của Mỹ và các chế độ độ độc tài.” Trong khi đó, chính phủ Cuba chỉ trích quyết định của Mỹ là áp đặt và mang tính đe dọa, đồng thời tái khẳng định sử ủng hộ “vô điều kiện” của Cuba với nhân dân Venezuela. Còn Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) José Miguel Insulza nhấn mạnh tuyên bố của Tổng thống Mỹ Obama khiến tất cả những ai mong muốn hòa bình và đối thoại giữa các quốc gia phải lo lắng. Và việc UNASUR tổ chức họp khẩn với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao hôm 14/3 để bày tỏ sự ủng hộ với Venezuela, mở đường cho một cuộc họp thượng đỉnh với nội dung tương tự dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này cho thấy lập trường thống nhất và kiên quyết của Nam Mỹ trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela. Hội nghị các Ngoại trưởng UNASUR đã ra tuyên bố yêu cầu chính phủ Mỹ hủy bỏ sắc lệnh hành pháp coi Venezuela là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ.

Có thể lý giải cho hành động mạnh mẽ của UNASUR lần này, đó là các nước Nam Mỹ đã quá hiểu sự can dự của Mỹ tại một số quốc gia mà Mỹ coi là “sân sau” – cho dù Mỹ luôn luôn phủ nhận điều này. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tiếng nói đoàn kết của các quốc gia Nam Mỹ có khả năng tác động đến Mỹ hay không. Trên thực tế, không có nhiều người đánh giá cao khả năng hòa giải của UNASUR, và việc các nước Nam Mỹ muốn phát huy “sức mạnh bó đũa” cũng chẳng hề hấn gì với “người khổng lồ” số 1 thế giới. Thế nhưng, một số chuyên gia lại cho rằng, mặc dù trước mắt Mỹ có thể không bị thiệt hại về ngoại giao về kinh tế trong cuộc đối đầu với khối đoàn kết Nam Mỹ, song về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi ích địa chiến lược của Mỹ tại khu vực này. Chắc chắn Mỹ không thể không nhận ra cả Nga và Trung Quốc đều đang nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực Nam Mỹ. Bởi vậy, Mỹ sẽ không để mọi chuyện “quá mù ra mưa”, khi mà sự nghi kỵ với Mỹ đẩy các nước Nam Mỹ ngả theo Nga và Trung Quốc. Không những vậy, việc bị dồn ép quá mức còn giúp Tổng thống Nicolas Maduro đoàn kết những phe phái trong nước, ghi thêm “điểm cộng” vào cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Và đây không phải là một kịch bản mà Mỹ mong muốn, nếu xét đến mục đích lập một chính phủ thân Mỹ ở Venezuela.

Hiện nay, Venezuela và các nước Nam Mỹ đang mở ra một con đường cho Mỹ nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Trong khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hối thúc Mỹ tiến hành một cuộc đối thoại thẳng thắn, thì Tổng thống Bolivia Evo Morales lại cho rằng Tổng thống Obama nên xin lỗi khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là Venezuela “nếu không muốn phải nhận sự phản đối mạnh mẽ tại hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới tại Panama.” Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ chấp nhận bước đi theo con đường này. Có thể tiếng nói của UNASUR không có khả năng tác động đến Mỹ, nhưng ít nhất Venezuela đã nhận được sự khích lệ vào thời điểm mà họ gặp khó khăn nhất - với nguy cơ kinh tế kiệt quệ, bất ổn xã hội tăng, sự lung lay của chính thể cầm quyền. Và đó chính là giá trị cao nhất của tình đoàn kết.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN