Bất cập về sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí

17/12/2014 11:14

(Baonghean) - Miễn thủy lợi phí theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP là chính sách nhiều ưu việt, đáp ứng được chủ trương giảm bớt một phần chi phí cho nông dân trong sản xuất. Chính sách này còn tạo điều kiện cho các địa phương tập trung hơn trong quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, kênh mương, nâng cao năng lực quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách này.

Theo đánh giá, nguồn kinh phí này đang được sử dụng hiệu quả tại các doanh nghiệp như Công ty TNHH - MTV Thủy lợi Bắc, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam, Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương, Công ty TNHH Thủy lợi Quỳ Hợp … Từ nguồn này, các doanh nghiệp có thể đảm bảo chế độ tiền lương cho cán bộ, công nhân viên thuỷ nông trong việc điều hành nước, duy tu, sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất.

Kênh mương ở xã Châu Hồng (Quỳ Châu) ít được quan tâm nên chưa phát huy hiệu quả.
Kênh mương ở xã Châu Hồng (Quỳ Châu) ít được quan tâm nên chưa phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi được cấp về một số huyện lại sử dụng không đúng quy định, dẫn đến tình trạng không hiệu quả. Theo quy định của Chính phủ, 80% nguồn tiền được cấp về địa phương để sử dụng duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi, 20% số tiền còn lại để quản lý, bảo vệ công trình, điều hành nước. Tuy nhiên, ở nhiều xã lại không có các hợp tác xã dịch vụ thủy nông được thành lập theo quy định dẫn tới việc sử dụng không đúng quy định. Tại xã Châu Quang - Quỳ Hợp, nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí trong năm 2014 được 240 triệu đồng, theo quy định, 20% số tiền trên dành cho quản lý công trình thủy lợi, nhưng do chưa có HTX dịch vụ thủy nông nên 100% số tiền trên xã đều tập trung cho duy tu, sửa chữa công trình.

Quan sát trên những cánh đồng ở Châu Quang chúng tôi thấy một số cánh đồng đã được kiên cố hóa kênh mương nhưng vì không có người quản lý nên các tuyến kênh mương phục vụ nước tưới bị bồi lắng, cỏ mọc dày đặc lòng kênh. Theo ông Quán Vi Hải - Trưởng bản Phảy thì bản có trên 25 ha lúa, được giao cho ông Hủn Vi Hoài và Hủn Vi Lý vừa đảm nhiệm công tác bảo vệ cánh đồng lúa, vừa làm thủy lợi. Kinh phí cả năm 1,8 triệu đồng/2 người do dân bản tự đóng góp. Do nguồn kinh phí ít ỏi, lại kiêm nhiệm nhiều việc nên việc điều hành nước về ruộng cho nhân dân có nhiều hạn chế. Hiện nay ở Châu Quang, nguồn cấp bù thủy lợi phí chỉ dành cho công tác xây dựng nên xã phải huy động bà con đóng góp lấy “lương” để “nuôi” đội ngũ thủy nông của các xóm.

Huyện Quỳ Hợp có 21/21 xã, thị trấn nhưng chưa có HTX dịch vụ thủy nông. Ông Nguyễn Văn Thọ - Trưởng phòng Tài chính huyện Quỳ Hợp lý giải: “Nguồn cấp bù thủy lợi phí cho Quỳ Hợp hàng năm là 4,1 tỷ đồng nhưng do các xã chưa có HTX dịch vụ thủy nông nên 100% số tiền được cấp về chúng tôi đều cho xây dựng công trình. Biết là số tiền trên đưa vào xây dựng cơ bản là sai theo với quy định nhưng vẫn phải làm…”.

Tương tự tại huyện Yên Thành, nhiều xã phải huy động sức dân để chi trả tiền cho công tác điều hành thủy lợi. Hàng năm, Yên Thành được hưởng nguồn cấp bù thủy lợi phí trên 11,2 tỷ đồng tưới cho diện tích 11.470 ha nhưng đến thời điểm này, 8/30 xã chưa có HTX dịch vụ thủy nông và hầu hết các xã này sử dụng nguồn kinh phí không đúng với quy định. Ông Nguyễn Đình Tứ - Trưởng xóm Quỳnh Khôi, xã Khánh Thành cho hay: “Thời điểm này xóm Quỳnh Khôi đã kiên cố hóa kênh mương được trên 1 km bằng nguồn cấp bù thủy lợi phí, bà con rất phấn khởi, tuy nhiên mỗi sào lúa bà con đóng góp từ 3 - 4 kg thóc/vụ để trả tiền điều hành nước cho 2 người làm công tác thủy nông với số lượng 1 tấn thóc/người/ năm”.

Trao đổi về vấn đề vì sao không thành lập HTX dịch vụ thủy nông để sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí, ông Phan Đình Hải - Chủ tịch UBND xã Khánh Thành giải thích: “Để thành lập HTX, cần kết hợp kinh doanh nhiều dịch vụ khác như vật tư phân bón, thuốc BVTV… kiêm cả dịch vụ thủy nông. Thế nhưng năm 2000, HTX trên địa bàn bị giải thể do hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, số tiền quản lý thủy nông từ nguồn cấp bù thủy lợi phí 20%, xã chỉ cấp về hỗ trợ một ít cho các xóm làm công tác thủy nông điều hành nước”.

Theo số liệu tổng hợp, tổng kinh phí đã cấp phát để thực hiện cấp bù thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là trên 352 tỷ đồng, gồm 26 đơn vị được hưởng lợi. Năm 2014, qua thanh tra tại 7 đơn vị đã phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý số tiền 1,2 tỷ đồng, trong đó thu hồi và giảm cấp phát hơn 900 triệu đồng. Qua đó phát hiện một số đơn vị sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí sai mục đích, sai chế độ, một số huyện còn lợi dụng quyết toán kinh phí được hỗ trợ không đúng với diện tích thực tế được tưới nước, quyết toán sai chi phí xây dựng, sửa chữa công trình thủy lợi. Một số huyện có tình trạng sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí bảo dưỡng, tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhưng không có hóa đơn hàng hóa dịch vụ theo quy định. Ngoài ra, dự toán chi tiêu nguồn cấp bù thủy lợi phí tại đa số các đơn vị cấp huyện không có bảng thuyết minh, chi tiết kèm theo tổng hợp dự toán chi tiêu theo kế hoạch tài chính được duyệt.

Nguyên nhân dẫn đến sai phạm là do nhiều huyện, xã chưa có doanh nghiệp, HTX hoặc tổ hợp tác làm dịch vụ thủy nông, vì vậy lúng túng trong việc giao và cấp phát cho đối tượng quản lý, sử dụng. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí còn hạn chế. Như không kịp thời phát hiện và tham mưu cho UBND tỉnh biện pháp quản lý nguồn cấp bù thủy lợi phí tại các địa bàn không có doanh nghiệp, HTX, tổ hợp dịch vụ thủy nông… từ đó dẫn đến tình trạng một số hệ thống thuỷ lợi chưa có tổ chức quản lý, khai thác phù hợp, nhiều công trình xuống cấp nhanh do không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời, trong khi đó, vai trò của người hưởng lợi chưa được đề cao. Nhiều địa phương chưa quan tâm, hoặc thiếu nhân lực để hướng dẫn, củng cố kiện toàn tổ chức thủy nông cơ sở.

Vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương cần tăng cường hệ thống tổ chức quản lý nhà nước; ở cấp huyện, xã cần hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý khai thác, đảm bảo quản lý khép kín các hệ thống công trình thuỷ lợi. Củng cố, kiện toàn, thành lập mới các tổ chức hợp tác để nâng cao hiệu quả công tác thủy lợi phục vụ sản xuất.

Văn Trường