Italy "giải cứu" thành công "Biệt thự của những bí mật"

23/03/2015 10:10

Italy vừa khánh thành công trình tu bổ Villa dei Misteri (Biệt thự của những bí mật), được xem là “vương miện” của thành phố cổ Pompeii. Trước đó, di sản thế giới này từng bị hư hại nặng do quản lý tồi và bỏ mặc suốt thời gian dài.

Hai năm trước, Chính phủ Italy đã phải vào cuộc “giải cứu” Villa dei Misteri. Do bị hư hỏng, Villa dei Misteri từng có nguy cơ bị loại ra khỏi danh sách Di sản Thế giới của UNESCO và bị EU (Liên minh châu Âu) dọa rút nguồn tài trợ.

Toàn cảnh Villa dei Misteri sau khi được tu bổ
Toàn cảnh Villa dei Misteri sau khi được tu bổ

Tranh luận chưa dứt về biệt thự bí ẩn

Villa dei Misteri được xây dựng vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Khi cả thành phố Pompeii bị nhấn chìm bởi nham thạch núi lửa, điều kỳ lại là Villa dei Misteri chỉ bị hư hại rất ít và phần lớn các bức tường, trần nhà, đặc biệt là các bức bích họa hầu như còn nguyên vẹn. Đây là một di sản ngoạn mục tọa lạc ở ngoại ô trung tâm thành phố Pompeii.

Biệt thự được đặt tên theo hình ảnh của bức tranh trong một căn phòng. Không gian này bài trí theo phong cách La Mã cổ và được trang trí với những bức bích họa rất tinh tế. Mặc dù đề tài thực sự của các bức bích họa vẫn là điều gây tranh cãi, song sự giải thích phổ biến nhất là mô tả một người phụ nữ đang trải qua các nghi lễ đặc biệt để gia nhập Dionysus, một giáo phái bí ẩn. Song cũng có nhiều cách giải thích khác, trong đó điển hình là của Paul Veyne, người tin rằng các bức bích họa mô tả một phụ nữ trẻ đang trải qua các nghi thức cưới. Đến nay, giới chuyên gia cũng vẫn chưa biết được chủ nhân của biệt thự này là ai.

Pompeii, một thành phố thương mại bận rộn hướng ra Địa Trung Hải, đã bị phá hủy hồi năm 79 sau Công nguyên do núi lửa Vesuvius phun trào, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và chôn vùi thành phố dưới lớp nham thạch núi lửa dày tới 6m. Tuy nhiên, dung nham núi lửa đã góp phần bảo tồn di sản của Pompeii và nhờ đó đã cung cấp những thông tin có giá trị về cuộc sống trong thế giới cổ đại.

Các bức bích họa trong villa sau công trình tu bổ
Các bức bích họa trong villa sau công trình tu bổ

Từng bị UNESCO “khuyến cáo”

Các cuộc khai quật đầu tiên được tiến hành ở Pompeii trong thế kỷ 18, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 2/3 trong 60 ha diện tích của di chỉ này đã được khai quật.

Nhiều năm trở lại đây, Pompeii đã bị hư hại và đổ nát nhiều do bị bỏ mặc và tình trạng quản lý yếu kém, cũng như tình trạng tham nhũng.

Nhiều bức tường ở Pompeii đã đổ vụn sau khi hứng chịu nhiều trận mưa rào. Hồi năm 2010, Villa of Gladiators (Biệt thự của các võ sĩ giác đấu) ở Pompeii đã đổ sụp và năm sau đó đến lượt một số công trình cổ khác. Tình trạng này đã rung lên hồi chuông báo động quốc tế, khiến EU lập tức cấp quỹ, còn Italy thì thiết lập một ban quản trị nhằm quản lý các dự án tu bổ và đảm bảo rằng không bị mafia can thiệp.

Khi quyết định rót ngân sách cho các dự án tu bổ ở Pompeii, EU còn yêu cầu xây dựng hệ thống thoát nước ở di chỉ này. Song những sự chậm chễ hết sức quan liêu (đã thành “thâm căn cố đế”) đã làm cản trở tiến độ dự án. Chính vì vậy, EU đã tuyên bố, Italy sẽ mất nguồn tài trợ nếu như đến ngày 31/12, khoản tiền đó không được sử dụng cho các dự án tu bổ.

Không chỉ có vậy, UNESCO còn đe dọa sẽ loại Pompeii ra khỏi danh sách Di sản Thế giới, danh hiệu đã góp phần lôi kéo được hơn 2 triệu du khách tới di chỉ cổ đại này mỗi năm. Hồi tháng 11/2014, UNESCO đã cử một đoàn thanh tra tới đây và rút lại lời cảnh báo khi biết các dự án tu bổ đang được xúc tiến.

Ông Franceschini cho biết, Chính phủ Italy đang thương thảo với các công ty tư nhân nhằm huy động được thêm quỹ cho các dự án tu bổ khác ở Pompeii. Điều này cho thấy, các nguồn ủng hộ tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các di sản mang tính biểu tượng nhất của Italy. Chẳng hạn, thương hiệu giày Tod’s đã đầu tư 25 triệu euro để tu bổ đấu trường Colosseum. Hãng đồ trang sức Bulgari đang đầu tư làm sạch các bậc cầu thang Tây Ban Nha ở Roma.

Bài học bảo tồn di sản của Italy liệu có thể áp dụng được ở Việt Nam không, khi chúng ta đang sở hữu tới 8 di sản vật thể thế giới gồm cả di sản thiên nhiên (Vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng), di sản văn hóa (Cố đô Huế, Phố cổ Hội An...) và di sản hỗn hợp (Quần thể danh thắng Tràng An)?

Theo thethaovanhoa.vn