Ví, giặm sẽ là phương tiện quảng bá cho xứ Nghệ

26/12/2014 10:04

(Baonghean) - Bên lề buổi họp báo vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam về cơ hội và thách thức đối với Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh sau khi trở thành di sản văn hoá của nhân loại.

TIN LIÊN QUAN

- Có mặt tại Paris (Pháp) trong thời khắc Tổ chức UNESCO chính thức công nhận Dân ca ví, giặm là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, ông có cảm xúc như thế nào khi tiếng búa vinh danh Dân ca ví, giặm vang lên?

- Khi tiếng búa UNESCO vang lên, chúng tôi không giấu được vui mừng và xúc động, mọi người trong đoàn Việt Nam ùa lên, cờ Tổ quốc tung bay trong hội trường. Các thành viên của Ủy ban liên chính phủ và các đoàn của nước bạn cũng chạy đến bắt tay, ôm chầm lấy từng thành viên của các đoàn Việt Nam để chia vui. Chúng tôi nhớ mãi việc đoàn đại biểu của Vương quốc Bỉ phát biểu công khai rằng, nhiều thành viên trong đoàn đã đến Nghệ An, được nghe hát dân ca và hôm nay thể loại âm nhạc này được vinh danh là điều hoàn toàn xứng đáng. Đó là niềm vui không chỉ của những thành viên trong đoàn Việt Nam mà còn là của cộng đồng người dân xứ Nghệ, của cả đất nước.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng trả lời phỏng vấn của các phóng viên.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng trả lời phỏng vấn của các phóng viên.

- Quá trình để một thể loại dân ca của bất kỳ quốc gia nào được vinh danh như thế không thể nói là dễ dàng… Những “điểm yếu” và“điểm mạnh” trong hồ sơ của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh khi đệ trình lên UNESCO là gì, thưa ông?

- Khó khăn lớn nhất là phải sưu tầm, quảng bá, giới thiệu với bạn bè thế giới, đồng thời xây dựng hồ sơ theo đúng tiêu chuẩn. Tôi nghĩ rằng, bản thân Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã rất xứng đáng để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nên nó không có những điểm yếu. Theo Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đáp ứng cả 5 tiêu chí để trở thành di sản đại diện.

Thứ nhất, đây là loại hình nghệ thuật được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng cư dân Nghệ Tĩnh, chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống văn hóa và tinh thần của người dân, phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện suy nghĩ và cảm xúc theo cách của họ.

Thứ hai, việc ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vào “danh sách đại diện” có thể góp phần thúc đẩy nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể thông qua sự quan tâm đối với dân ca, khuyến khích sự khoan dung và sự đồng cảm giữa các nhóm dân tộc và các cộng đồng cũng như đối thoại giữa các nghệ nhân của các phong cách âm nhạc khác nhau.

Thứ ba, các biện pháp bảo vệ gồm nâng cao nhận thức, giáo dục và phát huy được đề xuất với sự hỗ trợ tài chính của các cơ quan nhà nước và địa phương nhằm đảm bảo tính bền vững việc thực hành di sản, thể hiện sự cam kết và ý chí của chính quyền, cộng đồng trong việc bảo vệ di sản.

Thứ tư, hồ sơ đề cử được xây dựng với sự tự nguyện tham gia của cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành, các chuyên gia và cùng cam kết bảo vệ.

Thứ năm, di sản đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam kiểm kê với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Việt Nam quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm năm 2012. Cả 5 tiêu chí trên đều được Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO ghi vào Quyết định 9.COM 10.46. Các đoàn đại biểu và thành viên hội đồng cũng đánh giá rất cao hồ sơ của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Đây chính là nỗ lực của chúng ta trong việc giới thiệu, quảng bá với thế giới.

- Được vinh danh đã khó, giữ gìn danh hiệu và phát huy di sản còn khó hơn, thực trạng của việc bảo tồn các di sản hiện nay ở Việt Nam hiện đang có nhiều bất cập. Ông có thể nói rõ cơ hội và thách thức của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh sau khi được UNESCO vinh danh?

Video clip trả lời phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Thắng:

- Nói về cơ hội, là khi được vinh danh, cái tên gọi ví, giặm, tên Nghệ An, Hà Tĩnh được bạn bè quốc tế biết đến không chỉ đây là vùng đất truyền thống cách mạng mà còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Những con người lao động với câu vè, điệu ví của họ được cả nhân loại biết đến và trở thành tài sản chung của toàn nhân loại. Thông qua việc ghi danh, thế giới sẽ biết đến vùng đất xứ Nghệ, du khách sẽ đến để thưởng thức loại hình dân ca đặc sắc này, từ đó chúng ta có cơ hội để quảng bá văn hóa, quảng bá tiềm năng của vùng đất địa linh nhân kiệt. Thông qua UNESCO, sẽ có các quốc gia, các tổ chức trên thế giới hỗ trợ phát triển loại hình nghệ thuật này… Nhưng, thách thức cũng rất nhiều.

Hiện nay, Dân ca ví, giặm không còn là tài sản của người Nghệ An, Hà Tĩnh nữa mà là của chung toàn thế giới. Trong đó, người dân và chính quyền phải có biện pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. UNESCO yêu cầu chúng ta phải xây dựng kế hoạch hành động để bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa. Phải tiếp tục đào tạo nghệ nhân, đẩy mạnh đưa dân ca vào trường học để thế hệ trẻ sau này tiếp tục phát triển di sản lên những tầm cao mới. Cần phải biết thêm, không phải được vinh danh thì UNESCO sẽ cung cấp tài chính để phát triển loại hình Dân ca ví, giặm, bởi UNESCO không phải là cơ quan tài chính… Nhưng tôi tin chắc rằng, lộ trình mà Nghệ An, Hà Tĩnh đang đi là đúng hướng. Và chính lộ trình này đã được UNESCO ủng hộ và vinh danh.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyên Khoa (Thực hiện)