Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng ở Yên Thành
(Baonghean) - Bản thân tên gọi địa danh “Yên Thành” (xưa là Đông Thành) như cũng đã phản ánh đây là vùng đất thanh bình, yên ả, là nơi phát sinh hoặc kết thành cơ đồ sự nghiệp của nhiều danh nhân, danh sỹ, chí sỹ cách mạng. Và là vùng đất ấm no nức tiếng: “Nghệ Đông Thành/ Thanh Nông Cống”, hay “Hết nước thì có nước nguồn/ Hết gạo thì có gạo buôn Đông Thành”...
Như vậy, từ xưa vùng đất này đã đầy sức cuốn hút, mời gọi. Những điều đó cũng cho thấy ở đây có nguồn “tài nguyên du lịch” giàu có không phải nơi nào cũng có được.
TIN LIÊN QUAN
Phối cảnh Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành. |
Những địa danh níu chân người!
Nhà văn Nguyễn Xuân Phầu để lại mấy câu thơ lưu luyến nghĩa tình sâu nặng “Sông Dinh một thuở đôi bờ nhớ/ Rú Gám ba tầng mấy dặm thương”. Sông Dinh, Rú Gám là nơi ký gửi niềm thương nỗi nhớ về tình đất tình người Yên Thành. Hơn thế, đó còn là biểu tượng, nơi kết tinh lưu giữ linh khí của vùng đất và con người trong suốt trường kỳ lịch sử.
Về vùng đất phía tây Yên Thành, chí sỹ yêu nước Lê Doãn Nhã từng viết “Nhớ thời núi tụ anh linh/ Quy Lai giáo dựng Động Đình gươm reo”, đó là ký ức thời dưới cờ nghĩa của Lê Lợi, tướng công Đinh Lễ đã lấy vùng đất này để tụ nghĩa đánh giặc Minh. Giám sinh Ngô Trí Hợp trong cuốn “Đông Thành phong thổ ký” cũng từng khái quát “bát cẩm tú” (tám cảnh đẹp) của vùng Đông Thành, trong đó có mây mùa Xuân trên đỉnh Rú Gám và hồ sen làng Diệu Ốc. Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu khẳng định “Sông Dinh Rú Gám cảnh thần tiên”... Có thế thấy rằng từ lâu đời ở vùng đất này đã có quần thể các di tích và danh thắng, nơi mà mỗi tên đất, tên làng, tên núi, tên sông đều ít nhiều gắn bó với những huyền tích, chuyện kể lưu dấu những ánh hồi quang của lịch sử.
Ngay tại Rú Gám từ xưa đã hình thành một quần thể di tích Đền, Chùa Gám, Đền Cửa Ông và Đền thờ Bạch Y công chúa. Đền, Chùa Gám là di tích xuất hiện từ rất sớm, vào khoảng đầu thế kỷ thứ X, là di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, còn lưu dấu triết lý “tam giáo đồng nguyên” mà nổi bật là dấu ấn thiền phái Trúc Lâm.
Xung quanh trung tâm tín ngưỡng Đền, Chùa Gám còn có một “trữ lượng” lớn những địa chỉ có thể kết nối thành điểm đến. Trong đó, nhiều di tích mang giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo, nằm giữa vùng đồng quê làng mạc đậm nét nông thôn Trung bộ, hoặc ở vùng bán sơn địa có sơn thủy hữu tình, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông thôn như: Đền Đức Hoàng (Phúc Thành), Đình - chùa Bảo Lâm (Hoa Thành), Nhà thờ đá Bảo Nham (Bảo Thành), Đình Sừng (Lăng Thành), Đình Hậu (Bắc Thành), Đình Cả (Hoa Thành)... Một số di tích lịch sử cách mạng tại những nơi có cảnh quan đẹp như: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành (Vĩnh Thành), Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu (Hoa Thành), Di tích Tràng Kè (Mỹ Thành)...
Đình Nguyên Thám Hoa Phan Thúc Trực từng viết “Yên Thành thế đất bằng phẳng, tục dân thuần tú, việc học hành thi cử đứng đầu một phủ” (Diễn Châu phủ chí). Nói đến Yên Thành còn là nói đến vùng đất khoa bảng, hiếu học, cũng là nơi sinh ra nhiều đấng hào kiệt. Tính từ thời Trần đến thời Nguyễn, huyện Yên Thành có 24 vị đậu đại khoa từ Trạng nguyên đến Bảng nhãn. Trong đó, có 4 trạng nguyên đều vang danh. Trạng nguyên Bạch Liêu - người mở đầu nền khoa bảng xứ Nghệ; và chuyện “Một nhà ba trạng nguyên ngồi/Một gương từ mẫu cho đời soi chung” với 3 thế hệ ông, cha, con, đều là Trạng nguyên: Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn và Hồ Tông Thành, là hiện tượng có một không hai trong lịch sử khoa cử; ngoài ra có Tiến sỹ Trần Đình Phong, Thám hoa Phan Duy Thực, Thám hoa Phan Tất Thông, Thám hoa Phan Thúc Trực.
Yên Thành có thế đất “phía trước kho lương, phía sau rương tiền”, tiến có thể đánh, lui có thể giữ, vì vậy từ thời Bắc thuộc, thời Tiền Lê, thời Trần, đây là lỵ sở của Châu Diễn, của Đông Thành. Đất này còn là hậu cứ quân sự, là căn cứ địa để tụ nghĩa dụng binh nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nước, tinh thần tự lực tự cường. Do vậy, đây là nơi có thể gắn du lịch sinh thái với du lịch lịch sử, trở về với những bài học tình yêu nguồn cội, tình yêu quê hương, đất nước. Những câu chuyện về tên núi tên sông như lèn Vũ Kỳ, lèn Voi, Động Thờ, sông Dinh,... hãy còn lấp lánh giá trị lịch sử và nhân văn. Những giai thoại về thành Dền, chùa Thông, những chuyện kể về Uy dũng Đại vương Phan Cảnh Quang, về cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn, Phó tướng phong trào Cần Vương Lê Doãn Nhã, vị chủ điền trang yêu nước Tô Bá Ngọc, về cụ Tác Bảy - Lãnh Ngợi, cụ cử nhân võ yêu nước Chu Trạc,... và đặc biệt là tấm gương người chiến sỹ cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng - đồng chí Phan Đăng Lưu, thực sự cho thấy mỗi bước đi trên vùng đất này đều như được tiếp xúc, gặp gỡ với những trầm tích và hội tụ bề dày lịch sử.
Nét tinh xảo trong kiến trúc chùa Gám. |
Nằm giữa vùng trung tâm Đông Bắc Nghệ An, Yên Thành còn có ưu thế trong việc thu hút du khách bởi nơi đây có một quần thể rừng sinh thái với thảm động thực vật khá phong phú, đa dạng như rừng Xanh Gám, rừng lim nguyên sinh Lăng Thành, Hậu Thành và một diện tích đất rừng trải dài từ phía Bắc, đến Tây sang Nam của huyện (Đức Thành đến Sơn Thành).
Với trên 220 sông ngòi, hồ đập vừa tưới tiêu, vừa tạo cảnh quan về một vùng quê sơn thủy hữu tình có cảnh tượng tươi sáng. Nhiều điểm đến như đập Vệ Vừng, hồ Quản Hài, đập Lọ Nồi, đập Sặt, hồ Xuân Nguyên, đầm sen Diệu Ốc, Lèn Vũ Kỳ, chùa Thiên tạo... hay các vườn chim tự nhiên mà tiêu biểu là vườn chim rộng hơn 2 ha của gia đình anh Vũ Văn Ngân ở xóm 10, xã Lý Thành, huyện Yên Thành, đảo cò ở hồ Vệ Vừng.
Gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, là các lễ hội dân gian truyền thống, là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa dân gian đậm đà sắc thái của cư dân nông nghiệp lúa nước như: Lễ hội Đền Đức Hoàng (Phúc Thành), Đền, chùa Gám (Xuân Thành), Đền Cả (Nhân Thành), Đại điển - Đình Mõ (Hậu Thành), Đền Cả (Hoa Thành), Đền Canh (Đức Thành)... Yên Thành còn là một trong những cái nôi của phong trào văn hóa, nghệ thuật dân gian, nghệ thuật quần chúng. Tại đây có nhiều làng lưu giữ sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc như: hát Tuồng ở Xuân Thành, Vĩnh Thành, hát chèo Lăng Thành, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ở Phúc Thành, Đồng Thành...
Là vùng đất có khu vực núi đồi hồ đập tiếp giáp với vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng với những cánh đồng ngút ngát tầm mắt, nơi đây có nhiều sản vật đặc trưng vừa truyền thống vừa hiện đại. Trong đó, những năm gần đây địa danh Yên Thành được biết đến nhiều trên bản đồ giống của cả nước với gạo thơm, gạo thảo dược Vĩnh Thành; cam Đồng Thành và Minh Thành; đào Kim Thành và Minh Thành; nấm Nam Thành, Sơn Thành, Lý Thành, Long Thành...; mật ong Minh Thành, Quang Thành, Tây Thành...
Yên Thành còn duy trì và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống có từ hàng trăm năm nay như: làng nghề làm bún bánh Vĩnh Hòa (Hợp Thành), làng nghề mây tre đan Yên Hội (Đô Thành), làng nghề tăm hương Yên Bang (Phúc Thành), làng nghề nồi đất (Viên Thành), làng nghề đan chiếu cói Long Thành...
Linh thiêng lễ rước. |
Khai mở “kho lương, rương tiền”
Trên khung cảnh núi non xanh biếc, ruộng đồng tốt tươi, quang cảnh phố thị và làng xã đan cài nhiều nét cổ điển và hiện đại, vừa có nét thuần khiết quê kiểng trong lành, vừa thuận tiện trong việc kết nối với các điểm đến khác lân cận, Yên Thành hứa hẹn sẽ trở thành vùng đất có sức thu hút mạnh mẽ. Tại Yên Thành, các cơ quan chuyên ngành, các chuyên gia về du lịch cộng đồng thế giới và trong nước đã khẳng định đây chính là “miền đất hứa” cho các loại hình du lịch: Du lịch tâm linh - văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch lịch sử - nghiên cứu...
Trong bán kính từ 20 - 70km du khách có thể đi về phía biển đến với bãi biển Diễn Thành, vào thăm quan đền Cuông - cửa Hiền (Diễn Châu), tắm biển tại bãi Lữ (Nghi Lộc), bãi biển Cửa Lò... đi sang Nam Đàn đến với khu di tích Kim Liên, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Phan Bội Châu, hay ngược lên miền Tây Nghệ An đến với khu nước khoáng nóng Giang Sơn (Đô Lương) Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông), Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ)... Do đó, chủ trương phát triển du lịch cộng đồng ở Yên Thành có thể ví là “chìa khóa” để khai mở “kho lương, rương tiền”, vừa đảm bảo việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị truyền thống, gìn giữ môi trường, sử dụng lao động, vừa góp phần lan tỏa các giá trị khoa học - xã hội và nhân văn.
Trong những năm qua, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch để phục tốt cho nhu cầu phát triển du lịch. Đến nay, hệ thống đường giao thông để đến với huyện Yên Thành và các điểm du lịch đang bắt đầu hình thành và tiến hành cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Một số cơ sở lưu trú được nâng cấp, xây mới ngày càng khang trang, hiện đại. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Yên Thành có trên 30 cơ sở lưu trú, trong đó có 2 khách sạn; gần 20 nhà hàng lớn, nhỏ, thu hút giải quyết công ăn việc làm cho gần 1.500 lao động là người dân địa phương. Cùng với đó, UBND tỉnh phê duyệt, HĐND tỉnh đưa vào Nghị quyết về xây dựng Khu du lịch sinh thái tâm linh Đền, Chùa Gám và ngày 4/4/2015 (tức là ngày 16/2 năm Ất Mùi) UBND huyện phối hợp với nhà Chùa tổ chức lễ đặt đá Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành, khởi công hạng mục Tượng Đại Phật An Quốc, chính là bước khởi động quan trọng trong việc xây dựng Khu du lịch sinh thái tâm linh Đền, Chùa Gám.
Nhóm phóng viên