Những sợi chỉ kết đoàn
(Baonghean) - Do đặc thù vùng miền, công tác mặt trận tại những địa bàn vùng cao luôn gặp những khó khăn, nhất là đối với cán bộ nữ. Tuy vậy, họ vẫn đang nỗ lực để xứng danh là những “sợi chỉ đỏ” kết nối mối đoàn kết cộng đồng...
Cô dâu bản Mông làm công tác mặt trận
Một người bạn làm “báo huyện” cho biết, ở Hợp Thành (Xá Lượng, Tương Dương) có một chị đã được làm cán bộ bản lại là bí thư chi bộ kiêm luôn trưởng ban công tác mặt trận. Là một người Kinh đến làm dâu cách đây đã ngót chục năm trời, chị Đậu Thị Lịch vốn ở bản Cửa Rào 1, dù cùng xã nhưng về văn hóa, lối sống thì cộng đồng người Mông còn nhiều khác biệt so với người Kinh trên địa bàn này.
Chị Đậu Thị Lịch và một đảng viên cùng chi bộ. |
Con đường vào bản người Mông này mang lại một cảm giác thoải mái đến lạ. Từ Quốc lộ 7 vào Hợp Thành, con đường dài hơn 3 km đã được nhựa hóa. Điều này khác xa so với tất cả những bản người Mông mà chúng tôi có dịp ghé thăm trong những chuyến tác nghiệp. Khi hỏi thăm nhà chị cán bộ bản Đậu Thị Lịch, tôi đã không gặp chút khó khăn bởi người Mông ở bản Hợp Thành rất cởi mở trong giao tiếp.
“Đấy, cái chị áo đỏ kia kìa”, một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi nói với tôi bằng tiếng Kinh lơ lớ, rất đặc trưng của người Mông. Tôi tìm đến quán tạp hóa của gia đình chị Lịch. Đó là một phụ nữ mặc áo cộc màu đỏ, trắng trẻo đang giao tiếp với khách mua hàng bằng tiếng Mông như một dân bản thực sự. Tiếp chuyện tôi chỉ bảo dù là họ Đậu không phải họ Vừ, họ Và, tên Lịch chứ không phải Y Kia, Y Pà nhưng chị đã thành người Mông và thấy phù hợp với cách sống của dân bản nơi đây. Bây giờ về quê (huyện Đô Lương), họ hàng vẫn gọi đùa là người dân tộc thiểu số”. Có lẽ chính vì thế mà chị được người bản tín nhiệm bầu vào đội ngũ cốt cán của cộng đồng còn không ít định kiến với phụ nữ này.
“Chị đến với bản người Mông cũng nhờ cái duyên thôi.”, chị Lịch bắt đầu câu chuyện xen lẫn một tràng cười. Khoảng 10 năm về trước mẹ chị vào bản Hợp Thành bán hàng tạp hóa. Hồi ấy cuộc sống gia đình cũng chẳng đến nỗi nào nhưng vì ham lao động nên chị theo mẹ vào phụ giúp việc bán hàng. Anh Lì Bá Dở là trai bản hiền lành, chí thú làm ăn đã lọt vào “mắt xanh” của chị. Thế là chị đã về làm cô dâu người Mông từ năm 2007. Là người nhiệt tình trong phong trào xây dựng làng bản, chị được bầu chi hội trưởng phụ nữ của bản. Đến năm 2009, chị vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chị cũng là đảng viên đầu tiên của Chi bộ bản Hợp Thành.
Thế rồi vào năm 2012, chị được bầu làm Bí thư Chi bộ bản Hợp Thành. Điều này khiến chị cảm thấy hết sức bất ngờ, bởi trong một cộng đồng phụ nữ luôn bị coi là thứ yếu, chị lại được tín nhiệm đến như vậy. Nhưng rồi chị cũng hiểu ra trách nhiệm của mình từ nay thật lớn và phải nỗ lực vượt lên để khẳng định năng lực của mình cũng như góp phần xua tan tâm lý còn coi nhẹ phụ nữ trong cộng đồng.
Khi làm bí thư chi bộ, kiêm luôn cả trưởng ban công tác mặt trận, chị đã có điều kiện thuận lợi để làm điều này. Công tác mặt trận thường là những việc thầm lặng nhưng hết sức quan trọng đối với đời sống chính trị của cộng đồng. Trong phong trào góp Quỹ “Vì người nghèo”, ban đầu gặp khá nhiều khó khăn. Người bản đưa ra cái lý rằng bản đã nghèo còn góp quỹ cho ai nữa. Nhưng rồi có những công trình, những dự án đầu tư từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” được triển khai ngay tại cộng đồng. Lúc này người dân mới hiểu ý nghĩa của nguồn quỹ này mà hăng hái tham gia đóng góp quỹ. Những năm trước, học sinh nữ cứ xong cấp 1, cấp 2 rồi ở nhà chờ đến tuổi lấy chồng. Vận động thể nào cũng chẳng nghe theo. Có người còn cãi cùn: “Các người cứ nói mãi thế thì nuôi cho nó học hộ ta nhé.” Nhưng rồi khi thấy con gái của chị vào trường nội trú, lại có người trong bản cũng cho con đi học cấp 3 thế là dần dà, những trẻ em gái trong bản được cha mẹ cho đi học đầy đủ. Hiện tại phong trào toàn dân đưa trẻ đến trường đã được bà con người Mông ở bản Hợp Thành nhận thức tốt và chấp hành nghiêm túc.
Có một điều nan giải đối với cộng đồng người Mông là tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn rất cao. Gia đình nào cũng muốn cố gắng sao cho có con trai để nối dõi dòng họ. Trong bản trước đây có khá nhiều hộ vẫn sinh con thứ 3. Có nhiều hôm theo nhiệm vụ đến vận động nói hết nhẽ, nào là sinh con thứ 3 là vi phạm chính sách dân số của Nhà nước, nào là đông con thì cực nhọc, vất vả khi nuôi con ăn học. Cuối cùng, chị nhận được câu: “Ta sinh con ra ta nuôi, chứ Nhà nước có được nuôi đâu?”. Nói thêm nữa, họ vẫn không nghe. Nhưng rồi cuộc sống ngày càng khó khăn vì đất chật người đông nên họ cũng dần nhận ra tác hại của cảnh đông con. Vận động mãi thì họ cũng nhận ra cái tốt mà theo. Những cuộc vận động vẫn được tiếp tục thực hiện. “Mưa dầm thấm lâu”, đến nay thì tỷ lệ sinh con thứ 3 đã giảm hẳn.
“Người Mông là một cộng đồng sống rất thực tế nên muốn họ nghe theo thì lời nói phải đi đôi với việc làm”, cán bộ bản Đậu Thị Lịch tâm sự. “Khi mình không sinh con thứ 3, con cái lại được cho đi học đàng hoàng có nói họ mới nghe theo. Và một điều nữa, khi đã sống trong cộng đồng bản thân mình chẳng nghĩ đến ai là người Kinh, người Thái, người Mông thì mọi việc sẽ trở nên đơn gian hơn rất nhiều.”. Khi về làm dâu bản Hợp Thành, chỉ trong một thời gian ngắn chị Lịch đã thông thạo tiếng nói và chữ viết của người Mông, tiếng Khơ mú cũng tạm ổn. Đó là điều kiện tốt để chị am hiểu phong tục, tập quán của người Mông. Sau một vài năm lập gia đình, gia đình chị cũng về nhà chồng mổ lợn làm lễ đặt tên lại cho người chồng. Anh Lì Bá Dờ được đặt tên là Nhìa Thanh, tên tiếng Kinh, cũng là mong ước về sự thành công trong cuộc sống gia đình, của họ hàng bên ngoại đối với anh chị.
Có lẽ chính sự thấu hiểu và sẻ chia những sự khác biệt về văn hóa, lối sống đã giúp xóa nhòa ranh giới giữa những cộng đồng dân tộc khác nhau. Cũng là cách để người cán bộ mặt trận nữ hiếm hoi trong những cộng đồng này được tín nhiệm và có được sự thành công. Đó là một niềm vui, khi chia tay cô dâu bản Mông và cũng là cán bộ công tác mặt trận bản Hợp Thành.
Nữ chủ tịch mặt trận giữa vùng ma túy
Bà Vi Thị Hà chăm sóc vườn rau. |
Cũng là một cán bộ làm công tác mặt trận nhưng với cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nga My (Tương Dương), bà Vi Thị Hà được biết đến là người năng nổ. Tôi tìm đến bản Pột, một cộng đồng người Thái thuộc xã Nga My. Qua điện thoại, bà Hà cho biết đang dự một buổi sinh hoạt chi bộ và tuyên truyền ngăn chặn việc xuất, nhập biên trái phép đang diễn ra trong nhiều bản làng trên toàn xã, cũng như nhiều bản vùng cao khác. Bà cho biết khó khăn nhất của công tác mặt trận trên địa bàn là việc vận động người dân chấp hành pháp luật. Lâu nay, xã Nga My vốn là địa bàn khá phức tạp về nạn nghiện hút. Mặc dù nạn buôn người cơ bản đã được ngăn chặn nhưng gần đây trên địa bàn có nhiều phụ nữ và trẻ em gái theo lời rủ rê của những đối tượng xấu, bỏ làng bỏ bản đi sang Trung Quốc.
Việc vận động này gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng đang diễn ra khá phức tạp, không thống kê được số lượng, bởi họ thường ra khỏi địa bàn một cách lén lút. Trong xã lại còn 190 người nghiện hút, đó là con số đáng báo động. Việc vận động những người nghiện hút từ bỏ ma túy là vô cùng khó khăn. Cuộc sống đói nghèo, có người thân nghiện ngập lại là nguyên nhân chính khiến ngày càng có nhiều người bỏ làng bản đi Trung Quốc. Thực trạng diễn biến phức tạp nhất tại những bản khó khăn về giao thông như Na Ca, Xốp Kho, Na Kho, Na Ngân... Để vào được những địa bàn này phải men theo những vực thẳm. Đã có người gặp tại nạn phải nhập viện, nhưng vì nhiệm vụ và trách nhiệm với người dân nên trong đoàn không ai nản chí. Nhưng điều khiến người cán bộ mặt trận 53 tuổi này vui nhất là sau mỗi cuộc vận động, nhận thức của bà con được nâng cao hơn. Mới đây, có đối tượng rủ rê người vượt biên trái phép sang Trung Quốc đã bị người dân tố giác và bị bắt giữ. Một số người trong xã đã quyết tâm từ bỏ được chất ma túy độc hại.
Đối với bà Vi Thị Hà, có thể công tác mặt trận sẽ là một thế mạnh của các cán bộ nữ. Bởi nữ giới thường khéo léo trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Tuy vậy, phụ nữ cũng cần sự chia sẻ của nam giới trong công việc gia đình thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà chia sẻ thêm, bản thân có được những thuận lợi trong công việc là nhờ sự hy sinh của người chồng. Để giúp vợ hoành thành nhiệm vụ, ông Mạc Đình Doanh lâu nay trở thành một người nội trợ rất “đảm đang”...
Trên đường trở về xuôi, tôi có ghé vào bản Nưa (Yên Khê - Con Cuông). Tại đây, người dân và ban công tác mặt trận đang gấp rút chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết vào 18/11 đã rất gần. Đây là ngày hội lớn được cả bản, cả xã chờ mong bởi sẽ có cán bộ cấp trên về dự. Để có được những ngày hội và sự bình yên trong các cộng đồng vùng cao, đang có một đội ngũ lặng thầm làm công tác mặt trận, trong đó có cán bộ nữ như chị Lịch, bà Hà... Họ thực sự là những “sợi chỉ đỏ” kết nối mối dây kết đoàn trong các cộng đồng!
Bài, ảnh: Hữu Vi