Biết chọn việc và chăm chỉ lao động thì sẽ thoát nghèo!

17/10/2014 09:36

LTS: Từ số báo ra ngày 17/10, Báo Nghệ An mở chuyên mục “Trò chuyện cuối tuần” ra vào số thứ Sáu hàng tuần để trao đổi về những cách làm hay, những kinh nghiệm quý trong các lĩnh vực đời sống. Tuần này, nhân “Ngày cả nước vì người nghèo”, phóng viên Báo Nghệ An gặp gỡ, trao đổi với chị Võ Thị Nghĩa (sinh năm 1968, ở Giáo xứ Làng Nam, Nghi Trung, Nghi Lộc) về cách thoát nghèo vươn lên làm giàu của gia đình chị.

Trong trang trại của chị Võ Thị Nghĩa.
Trong trang trại của chị Võ Thị Nghĩa.

- Trong hoàn cảnh như bao phụ nữ nông thôn khác, lớn lên rồi lấy chồng, theo nghề nông kiến tạo cuộc sống gia đình riêng; chị đã bắt đầu cuộc sống mới của mình như thế nào?

- Tôi luôn nhớ ngày vợ chồng ra ở riêng, điều kiện mưu sinh duy nhất có 5 sào ruộng khoán, thời tiết bấp bênh, nhìn vào đó để lo toan trang trải việc nhà, nuôi các con ăn học là hết sức khó khăn…

Nghĩ vợ chồng đang trẻ, khỏe, lại chăm chỉ làm ăn, không lẽ chịu nghèo mãi? Chúng tôi đã rất trăn trở, tính toán tìm cách thoát nghèo. Ấy nhưng, chỉ mới nghĩ thôi mà đã có những lúc bế tắc, nên đòi hỏi phải vừa nỗ lực ổn định cuộc sống thường ngày, vừa không ngừng tìm hiểu, trăn trở. Vấn đề là mình phải có quyết tâm cao, xác định phải chịu khó, kiên trì…

- Và chị đã xoay xở “mở hướng” bằng cách nào?

- Nhiều phương án được chúng tôi đưa ra và nghiền ngẫm chọn lựa: Mở cửa hàng tạp hoá thì gặp khó do phải chi phí vốn nhiều; hay đi làm thuê trên thành phố thì phải xa chồng, xa con… Cuối cùng, tôi bàn với chồng quyết định nuôi vịt thả đồng, vì hồi đó đất đồng mênh mông, ít người chăn thả. Tôi vay 3 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp mua 100 con vịt giống, ban đầu chăn thả ở những cánh đồng ven làng. Khi vịt lớn hơn, thì cần tìm kiếm những cánh đồng xa có nhiều thức ăn. Lặn lội mãi mới tìm được cánh đồng ở xã Nghi Yên để chuyển đàn vịt đến. Thế là từ đó, hai vợ chồng “ăn ngủ” với vịt, rong ruổi khi thì Nghi Tiến, Cầu Cấm, khi thì mạn Nghi Liên… Cứ chịu khó thế, thu nhập từ nuôi vịt thả đồng đã trả được vốn vay ngân hàng, còn mở rộng được quy mô đàn vịt.

- “Lộ trình” từ đàn vịt thả đồng đến một trang trại chăn nuôi tổng hợp gồm trâu bò, lợn, vịt và cá đều có quy mô đàn, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm, chắc chị phải có thêm những quyết định táo bạo?

- Ấy là khi tích luỹ được một số vốn nho nhỏ, các con thì đã lớn, nếu bố mẹ cứ suốt ngày đi chăn vịt xa như thế sẽ không có thời gian để chăm sóc. Phải chuyển hướng làm ăn mới để có điều kiện quan tâm việc ăn học, giáo dục các cháu. Tôi bàn với chồng nhận khoán vùng đất hoang hóa rộng 4 ha giáp ranh giữa Nghi Trung (Nghi Lộc) và Nghi Liên (TP. Vinh) để xây dựng mô hình chăn nuôi. Nhà tôi băn khoăn đất ấy xa dân cư, nếu có kéo điện ra rất tốn tiền, rồi phải san lấp mặt bằng mới có thể xây dựng được trang trại, là khoản đầu tư tốn kém nữa. Tôi thuyết phục: Đất khó thì mới không ai nhận, và mình nhận rồi làm “cho ra nhẽ” mới là hay! Hơn nữa, địa hình ở đó rất thích hợp để vừa nuôi vịt, đào ao thả cá, vừa nuôi trâu bò. Cuối cùng, anh cũng thuận. Không thể nói phải đổ biết bao nhiêu sức lực, tiền của vào mảnh đất sình lầy ấy, nào là thuê xe về san lấp mặt bằng, đổ hàng trăm xe cát để tạo một lớp đất mới phù hợp với trang trại chăn nuôi; thuê cẩu đào 3 ao cá xung quanh, quy hoạch các khu chăn nuôi lợn, vịt, gà, trâu, bò... 3 năm đầu, thu chỉ bù chi, đến năm thứ 4, mới bắt đầu có lãi. Mừng nhất là lúc này con trai đầu lập gia đình, không theo bạn bầu đi làm ăn xa, mà ở lại cùng bố mẹ và các em quản lý, xây dựng trang trại của gia đình…

- Vâng, có thể đó là “sức hút” dễ hiểu không phải riêng đối với các con của chị mà còn với nhiều người đến đây, vì ngoài hiệu quả kinh tế, trang trại của gia đình còn là một cơ ngơi khang trang, có quy hoạch quy củ và nhất là đảm bảo vệ sinh chuồng trại giữa một không gian xanh rất đẹp?

- Trước hết, trong đầu tư làm ăn luôn phải biết tính đến yếu tố bền vững, nếu không sẽ thất bại, nhiều khi trắng tay nữa. Trong tổ chức trang trại chăn nuôi nói riêng, khâu vệ sinh chuồng trại, an toàn vật nuôi phải được đặt lên hàng đầu. Với thời tiết như ở tỉnh ta mùa nắng thì chói chang, mùa mưa thì ngập lụt, vì thế ban đầu cải tạo đất, ngoài đổ toàn bộ đất pha cát có tác dụng hút ẩm nhanh, tôi còn bàn với chồng mua các loại cây chịu được nóng, lại có tán mát, cao to để làm chuồng nuôi gà, vịt bên dưới, hoặc làm nơi trú cho trâu, bò mùa nắng nóng. Khi trồng cây và xây dựng chuồng trại cũng phải xem xét kỹ các vị trí để vừa đảm bảo đẹp mắt, vừa hợp lý thuận tiện cho chăm sóc vật nuôi và khâu vệ sinh môi trường. Ấy như hiện trang trại của tôi ngoài nhiều loại cây xanh khác, có hơn 50 gốc dừa, mùa nắng nóng tạo cảm giác rất xanh mát. Môi trường ấy cũng là để cho một số vật nuôi được phát triển một cách gần với thiên nhiên…

- Như vậy, chị đã không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, tạo dựng được cơ ngơi ưng ý và luôn đem lại niềm tự hào về thành quả lao động cho mỗi thành viên trong gia đình, từ đó hứng khởi hơn với công việc. Chị đã có điều kiện để có thể chia sẻ cách làm hay, giúp đỡ nhiều hộ nghèo khác vươn lên?

- (Cười rất tươi): Tôi là nông dân, cứ suy nghĩ đơn giản là mình quen lam lũ, không ngại khổ, nên chọn việc để làm, cần mẫn lao động, chăm chút cho thành quả của mình, sẽ thoát được nghèo. Đến khi có của ăn của để, thì mình giúp đỡ những người xung quanh!

- Cảm ơn chị và chúc cho trang trại của gia đình chị ngày càng phát triển!

Thanh Thủy (thực hiện)