"Lưỡi rìu" mù quáng

06/04/2015 14:46

(Baonghean) - Hồi mình còn bé, trước cửa nhà có một cây phượng. Mình còi cọc, lại nhút nhát nên thường xuyên bị bọn trẻ con trong xóm bắt nạt. Mỗi lần mình chạy về nhà khóc lóc, bà lại dắt mình ra đứng trước cửa, chỉ tay lên cây phượng nói hùng hồn: “Đứa nào bắt nạt cháu bà, đi qua cây phượng này sẽ bị sâu chiếu rơi vào đầu”. Trẻ con đứa nào cũng sợ sâu chiếu, nên cứ đi qua cây phượng nhà mình là chúng nó im phăng phắc, bước rón rén như sợ làm động đến lũ sâu trên cây. Mình thấy thế thì lấy làm hả hê lắm.

Mãi đến sau này khi nhà mình chuyển đi, thỉnh thoảng vẫn ghé qua thăm ngôi nhà cũ, chỉ để nhìn thấy cây phượng già đứng trầm ngâm trong hàng cây toả bóng rợp mát con đường quen thuộc thuở bé. Có lần đi qua thấy cây phượng được khoác thêm lớp “áo” vôi trắng tinh để phòng sâu bọ, thấy yên lòng như thể về thăm ông bà ta một ngày đông, ấm áp trong chiếc áo bông dày dặn.

Cũng có lần đi qua thấy người ta đang đốn bớt những cành phụ chuẩn bị đón mùa mưa bão, không khỏi thấy xót xa khi nhìn vết chặt còn rỉ nhựa, tươi nguyên. Hơn cả một cái cây cho bóng mát, cho hoa lá tô đẹp cảnh quan đường phố, người ta thường nảy sinh mối dây tình cảm gắn bó, quyến luyến lạ kỳ với những gì ở xung quanh mình, chứng kiến những quãng thời gian của một hay thậm chí là nhiều đời người, nhiều thế hệ.

Không lấy làm khó hiểu khi dự án chặt hạ, trồng mới 6.700 cây xanh trên các tuyến phố ở Hà Nội vấp phải sự phản đối gay gắt từ dư luận. Về lý do khách quan, việc chặt cây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, bởi có tác động trực tiếp và to lớn đến môi trường, cảnh quan đô thị. Nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang tập trung, nỗ lực cùng nhau hướng đến một môi trường xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thì cây xanh được xem là hàng rào xanh vững chãi nhất bảo vệ chúng ta trước những thiên tai, hiện tượng thời tiết xấu.

Đến thời điểm hiện tại, người ta dần thay đổi quan điểm đánh giá mức độ hiện đại, phát triển của một thành phố, thậm chí là một quốc gia. Thay vì nhìn vào những toà nhà chọc trời, những công trình xây dựng đồ sộ, người ta lại đánh giá mức độ văn minh, phát triển bằng những khoảng không gian xanh ngay giữa lòng cuộc sống hiện đại. Bởi, điều đó không chỉ thể hiện một tầm nhìn lâu dài, hướng tới sự phát triển bền vững dựa trên nền tảng hài hoà với những giá trị tự nhiên, đó còn là minh chứng rõ ràng nhất cho mức độ phát triển của khoa học công nghệ. Làm thế nào để thiên nhiên, môi trường cộng sinh một cách hài hoà, lành mạnh với những máy móc của bàn tay con người, đó mới chính là kiệt tác thực sự của trí thông minh loài người.

Trên thực tế, chính những thành phố, quốc gia phát triển bậc nhất hành tinh như Paris (Pháp), Singapore, Sydney (Úc),… lại là những nhà tiên phong trong việc đề cao vai trò, giá trị của cây xanh. Tại những nơi này, không chỉ việc chặt cây xanh trên đường phải thông qua những quy trình, thủ tục nghiêm ngặt và chỉ được cho phép trong tình huống bất khả kháng đi kèm với phương án thay thế, trồng mới khả thi, ngay cả những cây xanh thuộc quyền sở hữu của tư nhân cũng phải được cơ quan chức năng cho phép mới được chặt hạ. Đối với những cá nhân hay tổ chức vi phạm, sẽ phải chịu mức xử phạt vô cùng lớn, ví dụ như một nhà kinh doanh bất động sản ở Malacca, Malaysia đã bị truy tố hình sự vì chặt hạ 17 cây cọ và đinh hương. Thị trưởng thành phố này cho biết, hành động trên đã gây thiệt hại hơn 120.000 đô la Mỹ cho toàn thành phố. Để thấy, việc chặt cây gây ra thiệt hại tưởng như vô hình nhưng nếu đánh giá đúng bản chất, mức độ thì đó là những tổn thất cực kỳ lớn.

Tạm gác lại những lý do về mặt khoa học và giá trị vật chất, nên biết rằng hình ảnh của Hà Nội trong tâm tưởng của mọi người dân Việt Nam và cả du khách nước ngoài là một Thủ đô mang nhiều dáng dấp cổ kính với bề dày ngàn năm văn vật. Chúng ta vẫn thường đùa vui với nhau về những nút tắc đường khiến “Hà Nội không vội được đâu”, về những con phố nhỏ và cũ kỹ với hệ thống thoát nước có phần hạn chế nên “Hà Nội mùa này phố cũng như sông”,… Nhưng những điều đó không làm cho chúng ta bớt yêu Hà Nội đi, mà đã trở thành một cái gì đặc trưng, đáng yêu, đáng nhớ mỗi khi đi xa, mỗi khi trở về. Việc nhanh chóng tiến hành chặt hạ hàng loạt cây xanh tại những con phố có hàng cây đẹp nổi tiếng và đặc trưng như đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Chí Thanh… đã khiến người Hà Nội và dư luận trong nước sửng sốt. Bởi tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của họ vẫn chưa được bày tỏ. Bởi đau lòng, xót xa những gì đẹp đẽ, đã thành hồn cốt, thành tượng đài bất tử trong những trái tim và tâm hồn hoài niệm, sau một đêm đã vụn vỡ, tan biến không lý do.

Cũng trong dòng thời sự về vụ chặt cây xanh ở Hà Nội, có nhiều thông tin về các đề án tương tự tại Hạ Long, Huế, thành phố Hồ Chí Minh,…mặc dù chính quyền các địa phương này đã lên tiếng khẳng định đó là những thông tin không có tính xác thực hay là những dự thảo chưa được thông qua. Đó vẫn là những hồi chuông báo động cho toàn xã hội trước câu hỏi: Liệu chúng ta đã đánh giá đúng mực vai trò của cây xanh, của môi trường trong mọi mặt cuộc sống: kinh tế - khoa học và trong đời sống tinh cảm, tinh thần của xã hội? Sự yếu kém về hiểu biết khoa học, tầm nhìn mang tính dài hạn, bền vững nếu kết hợp với sự vô cảm, sẽ tạo nên một “chiếc rìu” sắc bén đến mù quáng, chém vào mái nhà xanh đang che chở nhân loại này. Chỉ có phản ứng quyết liệt, đồng bộ từ cả cộng đồng mới có thể kết thành sợi dây xích chắc chắn, neo giữ và phong toả sự đường đột và những tham vọng mù quáng như khối u đè nặng lên môi trường sống của toàn xã hội.

Thục Anh