Trung Quốc "chọc gậy" vào quan hệ Mỹ và đồng minh?

23/03/2015 07:37

(Baonghean) - Trung Quốc vừa chính thức thông báo thời điểm thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) vào cuối năm 2015. Bất chấp việc Bắc Kinh khẳng định rằng, AIIB sẽ là một sự bổ sung chứ không cạnh tranh với các định chế tài chính khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Ngân hàng thế giới (WB), thế nhưng, người ta đã thấy sự dè chừng rõ rệt trong thái độ của Mỹ khi kêu gọi các đồng minh thận trọng nếu muốn gia nhập hệ thống tài chính này. Vậy Mỹ cần phải ứng xử ra sao trước tình thế này và đâu là ý đồ thực sự của Trung Quốc?

Thực ra, ý tưởng về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á - AIIB đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra trong chuyến thăm Indonesia vào tháng 10/2013. Một năm sau vào ngày 26/10/2014, Trung Quốc cùng 20 quốc gia khác như: Singapore, Philippines, Malaysia, Kuwait, Quatar... đã cùng ký vào Biên bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB. Ban đầu, AIIB có số vốn hợp thức hóa là 100 tỷ USD, với nhiệm vụ chính là cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông và năng lượng tại châu Á. Theo đánh giá của tạp chí Financial Times, AIIB về cơ bản sẽ hoạt động tương tự Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Obama.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Obama.

Xét về mục đích, Trung Quốc có một cái lý rất thuyết phục, đây cũng là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á rằng, khu vực châu Á hiện cần đầu tư tới khoảng 8.000 tỷ USD vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, các thể chế tài chính quốc tế do Mỹ chi phối hiện nay như WB, IMF… khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu này. Vì vậy, Trung Quốc với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào đã trở thành ứng cử viên sáng giá, là quốc gia dẫn đầu phù hợp nhất cho một dự án ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực phát triển năng động hàng đầu là châu Á. Và tất nhiên, Bắc Kinh đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.

Theo nhiều chuyên gia, thậm chí Trung Quốc không chỉ nắm bắt mà đã nhiệt tình tự kiến tạo ra một cơ hội quá tốt để nhắm tới hàng loạt mục tiêu chiến lược khác của mình. Dư luận hẳn đã thấy sự khó chịu của Trung Quốc trong nhiều năm qua, khi nước này cùng các nền kinh tế mới nổi lớn khác liên tục đòi có tiếng nói lớn hơn trong các định chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) để phản ánh sức mạnh kinh tế gia tăng của quốc gia, thế nhưng, những đòi hỏi này không hề được Mỹ đáp ứng. Nắm bắt cơ hội, khi tiến trình cải cách ở WB và IMF diễn ra một cách chậm chạp, Trung Quốc đã quyết định tự lập ra một định chế tài chính quốc tế do mình đứng đầu.

Trước tình thế này, việc Mỹ lo lắng là hoàn toàn dễ hiểu. Nhất là khi hàng loạt đồng minh châu Âu như: Pháp, Đức, Italy tiếp đó là Thụy Sỹ cũng thông báo quyết định tham gia vào AIIB, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ. Không chỉ vậy, Australia, Nhật Bản và cả Hàn Quốc là các đồng minh tại châu Á của Mỹ mấy ngày qua cũng đã thông báo nhiều khả năng cũng sẽ gia nhập AIIB dù còn thận trọng. Việc Nhật Bản - đồng minh của Mỹ và là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Trung Quốc cũng ngỏ ý muốn gia nhập AIIB đã khiến Mỹ thực sự phải giật mình. Bởi trước đây 1 năm, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia đã không tham gia ký kết vào bản ghi nhớ thành lập ban đầu của AIIB, thế nhưng đến hiện tại, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Tính đến nay, đã có 27 nước tham gia AIIB và một số nước khác dự kiến sẽ thông báo việc gia nhập trong tháng này sẽ vượt con số 30 quốc gia.

Trong mắt Mỹ hiện nay, AIIB là một nước cờ kinh tế rất cao của Trung Quốc, bởi nếu thành công, đây sẽ là một công cụ đắc lực để Trung Quốc nâng cao “quyền lực mềm” tại châu Á. Mỹ lo rằng Trung Quốc sẽ sử dụng hệ thống hạ tầng mà AIIB tài trợ để tạo đòn bẩy trong khu vực, là hòn đá tảng trong chiến dịch xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đang ấp ủ. Và không chỉ trong khu vực, Washington còn lo ngại đây sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của các định chế tài chính hiện Mỹ đang đứng đầu. Một khi AIIB được thành lập, đây sẽ trở thành một thể chế tài chính chuyên cung cấp các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng bằng đồng Nhân dân tệ, tất nhiên đồng tiền của Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường, khiến vị thế của đồng USD suy giảm nghiêm trọng. Đây là điều mà Mỹ không hề mong muốn. Một số chuyên gia cũng cho rằng, xúc tiến AIIB cùng với việc công khai ủng hộ các cơ chế khác trong nhiều năm qua như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội nghị về tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), đây là các bước đi chiến lược của Bắc Kinh nhằm tái cân bằng các thể chế quốc tế, giảm sự lệ thuộc vào Mỹ và châu Âu.

Đây là những lý do mà Mỹ lo ngại, dè chừng và đưa ra lời kêu gọi các đồng minh thận trọng khi tham gia AIIB. Thế nhưng, các nước châu Âu hiện nay có nhiều lý do để phớt lờ Mỹ và “nói có” với AIIB của Trung Quốc. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo châu Âu đã thẳng thắn rằng, nếu không trở thành một thành viên của định chế mới này, các nước châu Âu có nguy cơ bỏ qua một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng địa chính trị mạnh nhất thế giới. Điều này cũng xuất phát từ tình trạng kinh tế trì trệ của châu Âu vốn sau nhiều năm vẫn chưa thoát khỏi hệ quả của khủng hoảng nợ công; trong khi IMF, WB hay ADB không thể đáp ứng được nhu cầu phục hồi và tăng trưởng của châu Âu. Không chỉ vậy, việc chậm cải tổ cho phù hợp cũng như rạn nứt trong quan hệ Mỹ - châu Âu liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đã khiến nhiều nước châu Âu phải đi theo tiếng gọi từ Trung Quốc. Còn với các nước châu Á như Australia, Nhật Bản hay Hàn Quốc, dù là đồng minh của Mỹ nhưng việc đứng ngoài một định chế tài chính của chính khu vực châu Á rõ ràng là thiệt nhiều hơn là lợi. Vì thế, sau khi cân nhắc lợi - hại, có lẽ các nước này đều đã đưa ra được quyết định của mình.

Còn về phía Mỹ, có lẽ đầu tàu kinh tế thế giới đang gặp phải một tình huống vô cùng khó xử và một cảm giác rất khó chịu, khi vị trí số 1 thế giới đang bị thách thức trong khi quan hệ đồng minh sứt mẻ và sự bất lực khi nhìn đồng minh đi theo đối thủ của mình. Cách ứng xử của Mỹ lúc này là những lời kêu gọi yếu ớt và khuyên các đồng minh rằng, hãy cân nhắc xem AIIB có đủ các tiêu chuẩn về quản trị và biện pháp bảo vệ môi trường, xã hội hay không. Cũng bởi Mỹ hiểu rằng, việc tham gia một định chế tài chính là quyết định riêng của một quốc gia có chủ quyền và Mỹ không có quyền can thiệp hay ngăn cấm. Thế nhưng theo các chuyên gia, Mỹ vẫn còn lựa chọn khác, đó là thay vì đứng ngoài lo lắng không yên thì có thể tham gia vào AIIB. Thực ra đây sẽ là một ý tưởng tốt nếu Mỹ biết tận dụng nó để giữ một vị trí ổn định, tham gia các hoạt đồng điều phối, quản lý hay hoạch định kế hoạch. Lúc đó, Mỹ sẽ hoàn toàn kiểm soát được định chế vốn đã trở thành đối thủ của mình.

Trong khi đó thực ra theo giới quan sát, Mỹ cũng không cần lo lắng quá xa, bởi dù ngân hàng này có được thành lập thành công thì Trung Quốc dù là quốc gia khởi xướng nhưng cũng sẽ chỉ là một trong rất nhiều quốc gia có nền kinh tế hàng đầu tham gia quản lý và điều hành. Có nghĩa là, với cơ chế quản lý đa phương thì quyền hạn là tương đương và Bắc Kinh không thể có quyền tự quyết mọi vấn đề của AIIB. Và một việc mà Mỹ có thể làm ngay, đó là đẩy nhanh tiến trình cải tổ IMF hay WB theo mong muốn của các đồng minh châu Âu. Một khi các cơ chế này hoạt động tốt và hiệu quả, giữ vững được vai trò hàng đầu thì dù AIIB của Trung Quốc có xuất hiện thì cũng sẽ là một sự bổ sung cho sự đa dạng của hệ thống tài chính toàn cầu mà thôi. Cho nên theo giới phân tích, sự thành công của AIIB sẽ mang tính biểu tượng nhiều hơn; nhưng dù sao, dự án ngân hàng của Bắc Kinh cũng đã khiến Washinhton phải giật mình.

Phương Hoa