Giữ trọn niềm tin yêu

04/12/2014 16:40

(Baonghean) - Đã gần tuổi 70, người nữ CCB ấy vẫn sôi nổi, nhiệt tình và luôn gắn bó, chia sẻ tình yêu thương cùng đồng chí, đồng đội. Vì lẽ đó, bà được đón nhận niềm tin yêu, sự kính trọng và biết ơn của những người xung quanh. Đó là bà Lê Thị Duyên, Chi hội trưởng CCB xóm Khe Bai, xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn)…

Những ngày này, bà Duyên khá bận rộn cho kế hoạch giao lưu, kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam và 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Tuy vậy, khi biết có khách ở xa lên thăm, bà đã dành thời gian để trò chuyện. “Tôi quê ở Nông Cống- Thanh Hóa, nhưng cuộc đời lại gắn bó với đất Phủ Qùy. Hồi trẻ, gặp ông nhà tôi ở chiến trường, thư từ qua lại rồi nên duyên vợ chồng. Giờ ông ấy đã mất gần 20 năm, tôi vẫn gắn bó với vùng đất này...”- bà Duyên mở đầu câu chuyện.

Bà Lê Thị Duyên (phải) thăm hỏi hội viên CCB Vũ Mạnh Đông.
Bà Lê Thị Duyên (phải) thăm hỏi hội viên CCB Vũ Mạnh Đông.

Mối tình trong lửa đạn

Bà Duyên sinh 1948, học hết cấp 3 đúng vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt đầu bước vào giai đoạn gay go, ác liệt. Đất nước lâm nguy, nam nữ thanh niên đều gác lại ước mơ, hoài bão để lên đường đánh giặc, phục vụ chiến đấu, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cô thôn nữ Lê Thị Duyên, chưa đầy 18 tuổi, đã đăng ký gia nhập TNXP, tham gia san lấp các tuyến đường từ Thanh Hóa vào tận Quảng Bình. Rồi không lâu sau đó được điều chuyển sang Đoàn 559, tham gia đội văn nghệ, đến tận các đơn vị để cổ vũ tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Với nhiệm vụ này, chiến sỹ Lê Thị Duyên và đồng đội đã đặt chân khắp những cánh rừng Trường Sơn, dưới làn bom đạn khốc liệt, không ít lần đối mặt với cái chết. Nhưng với sức trẻ, lòng nhiệt huyết dâng tràn và niềm khát khao giải phóng đất nước, những con người ấy không quản gian khổ và hy sinh, luôn có mặt ở điểm nóng kịp thời cất lên tiếng hát, để “át” đi tiếng bom đạn của kẻ thù. Với bà Duyên và đồng đội, đây là những năm tháng không thể nào quên!

Giữa nơi đạn bom ác liệt, ranh giới sự sống và cái chết rất đỗi mong manh, tình yêu thương vẫn được gieo hạt và nảy mầm. Mối tình giữa nữ chiến sỹ Lê Thị Duyên và người lính vận tải Trường Sơn là minh chứng cho sự bất diệt của sức trẻ, của tình yêu và khát vọng hạnh phúc. Trong cảnh máy bay địch quần thảo, ném vô số loạt bom xuống những cánh rừng già của đại ngàn Trường Sơn, có hai đơn vị cùng tìm đến một nơi trú ẩn. Cây rừng đổ ngổn ngang, mặt đất chi chít những hố bom, đơn vị hết lương thực, ai nấy đều hoa mắt vì đói, một vài người đã lả đi. Phía bên kia suối, sát với dãy núi đá có một đoàn xe vận tải đang trú ẩn, họ từ Bắc vào chắc hẳn còn lương thực. Nhân thấy điều này, cô gái xứ Thanh ấy đã băng qua suối, vượt qua những hố bom đang khét lẹt mùi khói đến chỗ đoàn xe để xin lương thực.

Người đầu tiên gặp Lê Thị Duyên là Ngô Khắc Liễu, người lính đến từ quê hương xứ Nghệ. Người chiến sỹ vận tải đã bớt khẩu phần gạo của mình chia sẻ với nữ chiến sỹ của Đoàn 559 để về nấu cháo cho đồng đội. Lúc chia tay, họ đã kịp trao nhau địa chỉ và lời hứa sẽ giữ mối liên lạc, chiến tranh kết thúc sẽ tìm đến nhau. Lời hứa của người lính chắc như đinh đóng cột, dù khói lửa, dù chiến tranh ngăn cách hai người vẫn luôn hướng về nhau, vẫn giữ được mối liên hệ qua những cánh thư vượt bao chặng đường dài. Rồi Lê Thị Duyên được cử ra Bắc học làm y tá, về quê nhận công tác tại Quân y viện 202 (Thanh Hóa). Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, người lính vận tải Trường Sơn hoàn thành nhiệm vụ và trở ra Bắc, tìm đến Nông Cống gặp người yêu. Lúc này, cô gái xứ Thanh đã ra quân và đang tham gia công tác ở địa phương. Lời hẹn ước năm xưa vẫn khắc sâu trong trái tim mỗi người, nay là dịp để ra mắt hai bên gia đình, tiến tới xây dựng mái ấm hạnh phúc. Không bao lâu sau, cô gái xứ Thanh soạn sửa hành trang về làm dâu đất Nghệ. Vợ chồng bà Duyên có 4 người con, tất cả đều trưởng thành và tham gia công tác xã hội.

DÂNG TRÀO NHIỆT HUYẾT

Tham gia Hội CCB, bà Lê Thị Duyên là hội viên hoạt động tích cực, luôn đi đầu trong các phong trào. Từ năm 1999 đến nay, bà liên tục được bầu làm chi hội phó, rồi chi hội trưởng và năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mới đây, bà được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” tỉnh Nghệ An lần thứ 5. Nhắc đến bà, người dân và các CCB xóm Khe Bai luôn bày tỏ sự yêu mến và nể phục. Xóm Khe Bai có 186 hộ, trong đó 33 hộ là giáo dân, nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Đất đai bạc màu, đồng ruộng ít, lại không có nghề truyền thống nên cuộc sống nơi đây còn gặp không ít khó khăn, vất vả. Một thời gian khá dài, các tổ chức đoàn thể hoạt động chưa thật sự sôi nổi, phong trào văn hóa - xã hội của xóm có lúc bị chững lại. Làm chi hội trưởng CCB, bà Duyên luôn trăn trở và không ít lần họp bàn để tìm giải pháp đưa phong trào của chi hội và các đoàn thể khác của xóm Khe Bai tiến kịp các xóm khác. Việc trước tiên là xây dựng quy chế chặt chẽ để đi các hoạt động thực sự đi vào nề nếp, phát huy tinh thần và ý thức trách nhiệm của từng hội viên. Nhờ đó, các buổi họp thường được tổ chức đúng giờ, đầy đủ hội viên và không khí cuộc họp trở nên sôi nổi, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu, phong trào ngày càng chuyển biến đi lên.

Kinh nghiệm tập hợp hội viên của Chi hội trưởng Lê Thị Duyên là phải bắt đầu từ việc giúp đỡ, chia sẻ với những hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Chi hội xóm Khe Bai có ông Vũ Mạnh Đông (sinh 1952) hoàn cảnh gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ông Đông từng là lính Sư đoàn 325, có tới 4 năm chiến đấu ở đất Quảng Trị, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) tham gia đánh Tổng kho Long Bình, năm 1979 ra biên giới phía Bắc đánh quân xâm lược Trung Quốc. Những năm chiến đấu ở Quảng Trị, ông bị nhiễm chất độc da cam, giờ sức khỏe giảm sút, bị bệnh tim nặng, xương khớp luôn sưng vù.

Đáng nói hơn, trong số 7 người con của ông Đông thì có tới 5 người mắc bệnh thiếu máu, giảm tiểu cầu, 2 người đã mất vì căn bệnh này, 3 người đang phải điều trị. Vì thế, ngôi nhà nhỏ xây 6 năm vẫn chưa xong, phải bỏ giở chừng để lo thuốc thang cho con. Gia đình ông hiện sống trong ngôi nhà lợp tranh, vách nứa. Sau khi xuất ngũ, ông Đông bị thất lạc mất giấy tờ nên đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Bà Duyên thường vận động các đồng chí BCH và hội viên đến động viên, chia sẻ với gia đình ông Đông. Riêng bà đã dành nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu, hướng dẫn và làm các thủ tục cần thiết giúp ông làm hồ sơ hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam. Nay hồ sơ, thủ tục đã hoàn thành và gửi lên cấp trên, đang chờ xét duyệt.

Trong chi hội còn có ông Nguyễn Văn Thái hoàn cảnh gia đình cũng hết sức khó khăn vì rủi ro, bệnh tật. Bản thân ông Thái bị bệnh tiểu đường type 2, vợ bị bệnh tim nặng, lại đông con nên cuộc sống gia đình luôn trong tình trạng chật vật, thiếu thốn. Mỗi tháng, vợ chồng ông Thái phải chi đến hàng triệu đồng tiền thuốc, trong khi nguồn thu nhập gần như không có gì khác ngoài mấy sào ruộng và đất bãi. Mấy năm trước, ông Thái vay chi hội số tiền 2,5 triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhưng bệnh tật triền miên, tiền thuốc thang không đủ nên đến hạn vẫn chưa có tiền trả cho chi hội. Trước hoàn cảnh ấy, bà Duyên đã cho vay để ông Thái thanh toán nợ cho tập thể, cho dù bà cũng đang phải vay tiền làm nhà, hàng tháng phải thanh toán tiền lãi suất cho ngân hàng. Và không chỉ ông Đông, ông Thái mà bất cứ gia đình hội viên nào gặp khó khăn và ốm đau, hoạn nạn, bà Duyên đều tìm đến động viên và giúp đỡ tận tình.

Nhận thấy phong trào xây dựng NTM ở Khe Bai không sổi nổi bằng các xóm khác, người dân ủng hộ chưa nhiệt tình, bà Duyên quyết định tìm cách khuấy động tinh thần của bà con. Từng tham gia biểu diễn văn nghệ ở chiến trường, nữ CCB này hiểu được tác dụng của lời ca, tiếng hát nên quyết định tổ chức một đêm giao lưu văn nghệ. Bà làm tờ trình lên Thường vụ Hội CCB và Đảng ủy xã xin tổ chức đêm văn nghệ với chủ đề “Đoàn kết xây dựng NTM”. Cấp trên lúc đầu tỏ ra ngần ngại, vì nguồn kinh phí hạn hẹp, lại còn nhiều công việc khác cần chi tiêu. Bà Duyên khẳng định quyết tâm sẽ làm được, vì tin rằng thời chiến tranh “xe chưa qua, nhà không tiếc” thì nay không có lý do gì mà nhân dân không ủng hộ. Các tổ liên gia của xóm đều thành lập đội văn nghệ, bà Duyên ủng hộ mỗi tổ 60.000 đồng chi phí tiền nước cho các buổi tập luyện.

Rồi bà đến từng hộ để vận động ủng hộ kinh phí cho đêm giao lưu văn nghệ, số tiền thu về được gần 1 triệu đồng. Riêng bà Duyên đã dành số tiền gần 2 triệu đồng bỏ ống tiết kiệm trong gần 3 năm để làm kinh phí tổ chức đêm văn nghệ. Đêm biểu diễn văn nghệ đã thành công như ý muốn, bà con con lương, giáo đều vui vẻ, phấn khởi đến tham gia cổ vũ, tình đoàn kết xóm làng được thắt chặt thêm. Người dân Khe Bai càng tin tưởng và yêu mến bà Duyên. Vì thế, tại cuộc họp xóm để triển khai công tác dồn điền, đổi thửa và mở đường giao thông nội đồng kéo dài 5 tiếng vẫn không tìm được sự nhất trí, Bí thư chi bộ đề nghị Chi hội trưởng CCB phát biểu. Trong lúc bà Duyên phát biểu, mọi người đều chăm chú lắng nghe. Khi bà phát biểu xong, mọi người đều vỗ tay tán thưởng, nhất trí hoàn toàn và không cần biểu quyết. Sau cuộc họp đó, 14 hộ đã đồng ý hiến đất làm giao thông nội đồng, trong đó có 8 hội viên CCB.

CCB Lê Thị Duyên còn là một đoàn viên danh dự của Chi đoàn Khe Bai. Thời gian qua, do thiếu người đứng đầu tập hợp nên phong trào thanh niên chững lại, bà Duyên luôn trăn trở tìm cách vực dậy phong trào. Bà vận động con dâu là Trần Thị Phương làm Bí thư Chi đoàn và giúp đỡ cách tập hợp, vận động và phát triển phong trào. Bản thân bà xin làm đoàn viên danh dự, tham gia các buổi sinh hoạt, có điều kiện nắm bắt thực tế, tìm hiểu tâm tư để giúp thế hệ trẻ đẩy mạnh phong trào, góp phần hữu ích cho xã hội. Đến nay, Chi đoàn Khe Bai đã được Huyện đoàn chọn xây dựng kiểu mẫu, được nhiều nơi tìm đến học hỏi…

Công Kiên