Mùa măng đắng miền Tây

18/03/2015 21:19

(Baonghean.vn) - Hàng năm, cứ vào dịp ra tết, bà con nhân dân vùng rẻo cao các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương lại nô nức rủ nhau vào rừng lấy măng đắng. Mùa măng đắng kéo dài từ tháng Giêng đến tháng ba âm lịch. Hiện nay, măng đắng là một thực phẩm không chỉ giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua cơn đói ngày giáp hạt mà nó còn trở thành một đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng.

Vào đến bản Lưu Phong của xã Lưu Kiền (Tương Dương) chúng tôi gặp lúc đoàn người đang tấp nập gùi măng về sau một ngày lao động vất vả nhưng gương mặt người nào người nấy đầy ắp những niềm vui. Anh Lô Văn Xá ở bản Lưu Phong bảo rằng: “Vừa nghỉ tết xong chúng tôi lại rủ nhau lên rừng lấy măng. Đang là đầu mùa nên măng cũng dễ kiếm hơn, càng vào cuối mùa càng khan hiếm, phải đi cả ngày mới được một ít”. Nhìn những ngọn măng vàng xám, to bằng bắp chân người lớn nặng trĩu sau gùi của người dân đang thấm mồ hôi mới thấy được nỗi vất vả nhưng cũng đầy niềm vui của họ.

Măng đắng được bày bán khắp nơi
Măng đắng được bày bán khắp nơi

Măng đắng là loại măng cùng họ với măng nứa, tre, giang…nhưng có đặc điểm bên ngoài giống với cây trúc và chỉ mọc ở vùng cao, có khí hậu lạnh. Khi mùa đông sắp qua, cây cối trên núi trơ trụi lá để chuẩn bị đón một mùa xuân đầy nắng ấm thì trong lòng đất, những ngọn măng đắng đang cựa mình vươn lên. Những vật dụng để hái măng được người dân mang theo là cuốc, dao và thuổng. Không đơn giản như măng tre chỉ chặt ngang là đưa về mà muốn lấy được măng đắng phải đào sâu xuống đất.

Già làng Lương Văn Quyên ở xã Lưu Kiền (Tương Dương) bảo rằng: “Tuy là nó có sẵn trên rừng đấy nhưng đưa được củ măng đắng về đến nhà không đơn giản chút nào đâu. Khi gà vừa gáy sáng đã phải xách thuổng lên rừng, hì hà hì hục đào mãi mới đầy được cái bế. Về đến nhà cũng là lúc con gà đã lên chuồng đi ngủ”.

Róc măng.
Róc măng.

Măng đắng cũng có nhiều loại, có loại nhỏ như ngón tay người thường được người dân bó lại thành từng bó như bó rau màu xanh. Loại này mang vị đắng pha lẫn vị ngọt khi ăn vào. Loại măng đắng này mọc nhiều trong vùng rừng núi cao không phải đào bới như các loại khác. Còn loại măng to như bắp chân người lớn thì phải đào sâu xuống lòng đất mới lấy lên được. Loại này có đặc điểm càng lên dần phía trên ngọn càng đắng còn phần nằm trong lòng đất ngọt hơn.

Thực tế, không phải ai cũng biết phân biệt được các loại măng đắng. Loại to cũng có loại đắng và không đắng. Hầu hết các loại này người Thái đều gọi là “nỏ khốm” nhưng “nỏ khốm” có màu tím ngoài vỏ thì ít đắng hơn. Còn loại “nỏ khốm” có màu vàng hơn một tí, chỗ ra lá có màu xanh khi vừa nhú lên khỏi mặt đất thì dù nằm trong đất hay khi đã lên cao vẫn rất đắng. Do vậy, khi mua măng, người mua có thể tùy theo sở thích của mình để chọn măng nhưng tốt nhất là lúc mua nên hỏi người dân loại nào đắng, loại nào không đắng. Bởi vì, bằng mắt thường nhìn bề ngoài rất khó để có thể phân biệt được các loại măng đắng, chỉ có người trực tiếp đi lấy về mới biết rõ mà thôi.

Nướng măng đắng
Nướng măng đắng

Trời mùa xuân se lạnh, ngồi bên bếp lửa hồng của bà con dân bản để thưởng thức món măng nướng thật khoan khoái không tả hết được. Anh Lô Văn Xá bảo: “Người ở xuôi mang măng về không biết chế biến thế nào chứ món truyền thống của bà con ở đây là các món luộc, nướng trên than củi hoặc nấu canh lá lốt. Trong đó món măng đắng nướng trên than củi là món được ưa thích nhất”.

Dọc quốc lộ 7 từ địa bàn huyện Tương Dương lên đến Thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn hay trong các bản của người Thái, Mông, Khơ Mú…đâu đâu cũng thấy người dân mang măng đắng ra đường để bán. Giá một kg măng đắng đầu mùa khoảng từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng, ra đến thị trấn có thể đắt hơn nhưng lúc nào cũng tấp nập người mua. Có người mua về để ăn, có người mua về để làm quà. Anh Và Bá Lầu ở bản Liên Sơn của xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) cười vui bảo: “Năm nào cũng đến mùa măng đắng là mình lại háo hức lên rừng, vừa lấy về để ăn vừa có thêm thu nhập. Mỗi mùa như vậy, ít cũng kiếm được dăm bảy trăm, nhiều thì hơn triệu, cũng đỡ cho cuộc sống gia đình”.

Đào Thọ