Niềm mong ở Lữ Thành

02/04/2015 18:54

(Baonghean) - Lữ Thành là bản vùng sâu, vùng xa của xã Tây Sơn (Kỳ Sơn), cuộc sống của hơn 50 hộ đồng bào dân tộc Mông nơi đây đang gặp phải không ít khó khăn, nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc giao thông cách trở. Cư trú ở vùng xa trung tâm và đường sá đi lại gian nan, vất vả đã cản trở quá trình giao lưu kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của bà con…

(Baonghean) - Lữ Thành là bản vùng sâu, vùng xa của xã Tây Sơn (Kỳ Sơn), cuộc sống của hơn 50 hộ đồng bào dân tộc Mông nơi đây đang gặp phải không ít khó khăn, nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc giao thông cách trở. Cư trú ở vùng xa trung tâm và đường sá đi lại gian nan, vất vả đã cản trở quá trình giao lưu kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của bà con…

Từ trung tâm xã Tây Sơn, để về đến bản Lữ Thành có 2 con đường, hoặc băng qua dãy núi phía trước với chiều dài chặng đường gần 8km hoặc đi vòng ra bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) rồi men theo sườn núi với chiều dài khoảng 13km. Con đường thứ nhất ngắn và có dễ đi hơn nhưng phải băng qua dòng Huồi Cốc và Huồi Nhăn. Mùa mưa nước khe dâng cao, việc qua lại hết sức nguy hiểm. Con đường sau xa và khó đi hơn vì hẹp, nhiều ghềnh đá, chủ yếu nằm cạnh vực sâu. Mùa mưa lũ, cả 2 đường đều bị sạt lở, trơn trượt, chỉ có thể lội bộ bằng đôi chân, xe máy không thể lưu hành. Đây nguyên là những lối mòn giữa rừng được người dân san lấp, mở rộng thêm.

Đường vào bản Lữ Thành (xã Tây Sơn - Kỳ Sơn).
Đường vào bản Lữ Thành (xã Tây Sơn - Kỳ Sơn).

Vào Lữ Thành, chúng tôi nhận thấy cuộc sống của bà con nơi đây cơ bản vẫn còn tự cung tự cấp, bởi lẽ các loại nông sản làm ra như ngô, sắn, dứa, gừng chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình, rất khó tiêu thụ. Các loại vật nuôi như lợn, gà vịt cũng không mấy khi bán được ra thị trường, do đường sá đi lại khó khăn, vất vả nên thương lái ngại vào thu mua. Còn dân bản cũng gặp không ít trở ngại khi vận chuyển nông sản và vật nuôi ra chợ Mường Xén, một phần vì đường xa, phần khác do thiếu phương tiện và chi phí xăng xe.

Vật nuôi của bà con bản Lữ Thành chủ yếu  để tự cung, tự cấp.
Vật nuôi của bà con bản Lữ Thành chủ yếu để tự cung, tự cấp.

Những năm gần đây, đồng bào Mông ở Lữ Thành có phong trào phát triển kinh tế trang trại, nhiều hộ gia đình vào dọc khe Huồi Nhăn và Huồi Cốc để khoanh vùng chăn nuôi bò, lợn, gà, vịt. Không ít hộ đã có trong tay hơn 10 con bò, đàn lợn lên tới hàng chục và đàn gà có hàng trăm con. Nhưng như thế vẫn chưa thể xem là giàu, vì việc vận chuyển và tiêu thụ chưa thuận lợi, tiền thu về chưa được nhiều nên bà con vẫn chưa vui.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng bản Mùa Xái Cở cho biết: “Từ lâu lắm rồi, người Mông ở Lữ Thành ta mong một con đường rộng và dễ đi hơn. Có được con đường như thế, bà con ta chắc chắn sẽ hết đói nghèo, vì các thứ làm được có thể đem ra chợ bán. Việc đến lớp của con em cũng được thuận lợi hơn…”.

Bài, ảnh: TƯỜNG ANH