"Khó" ở làng nghề chế biến hải sản
(Baonghean) - Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 10 làng nghề chế biến hải sản, đều là các làng nghề truyền thống, tập trung ở các vùng cửa biển của Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Diễn Châu và TX. Cửa Lò. Mặc dù tạo ra lượng lớn sản phẩm và nhiều chủng loại có uy tín trên thị trường, nhưng hiện các làng nghề vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Hiệu quả “giữ nghề”
Trong số 10 làng nghề, thì TX. Hoàng Mai có 2 làng, Quỳnh Lưu 1 làng, Diễn Châu 2 làng và TX. Cửa Lò 5 làng. Hầu hết các làng nghề chế biến hải sản hoạt động và phát triển ổn định, trong đó có những làng có bước phát triển nhanh chóng, chủng loại phong phú, khối lượng sản phẩm lớn, lên tới hàng triệu lít nước mắm, hàng trăm nghìn tấn cá hấp sấy, đông lạnh mỗi năm như làng nghề Ngọc Văn (Diễn Châu), làng nghề Phú Lợi (TX. Hoàng Mai)…
Đóng chai sản phẩm nước mắm tại Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần |
Đặt chân đến cổng làng nghề nước mắm Phú Lợi (Quỳnh Dị - Hoàng Mai), mùi nước mắm thơm lừng cuốn hút. Tồn tại từ hàng trăm năm nay, nước mắm Phú Lợi - Quỳnh Dị quen thuộc với người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc. Ở làng ven biển này, từ những đứa trẻ con học cấp 1, cấp 2 đã biết công thức muối cá để làm nước mắm, đều biết thùng ngâm nước mắm càng to, để càng để lâu thì sản phẩm càng thơm, càng ngọt. Người làng nghề Phú Lợi chung thủy với phương thức sản xuất truyền thống cha ông truyền lại, không dùng “phụ chất” nào tác động quá trình sản xuất.
Được công nhận từ tháng 7/2005, hiện Làng nghề Phú Lợi có 515 hộ tham gia, trong đó có 151 hộ sản xuất hiệu quả, với các sản phẩm khá phong phú, đa dạng như nước mắm, ruốc, 7 cơ sở sản xuất chế biến cá hấp sấy, phơi khô. Là một trong những hộ sản xuất khá lớn ở làng nghề Phú Lợi, gia đình chị Trần Thị Hồng (xóm Mới) có 55 cái thùng muối cá để làm nước mắm, mỗi tháng xuất bán bình quân trên dưới 500 lít, ngoài ra còn có thêm 2 tấn ruốc/năm.
Chị Hồng cho biết: Gia đình chị có tàu đi biển nên nguồn nguyên liệu hầu như tự túc được, chỉ phải mua ngoài một ít. Gia đình luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất truyền thống, không pha lẫn các loại hóa chất vào sản phẩm, nên giữ được khách hàng. Nghề chế biến nước mắm truyền thống đã giúp gia đình chị Hồng nuôi mấy đứa con ăn học, trưởng thành, xây nhà ở khang trang. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của chị, để duy trì và mở rộng sản xuất như dự định vẫn còn rất nhiều khó khăn, cả về nguồn vốn lẫn khâu tiêu thụ.
“Khó” khâu tiêu thụ...
Ông Nguyễn Đức Xân, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề của phường Quỳnh Dị chia sẻ: Mỗi năm, làng nghề sản xuất trên 3 triệu lít nước mắm, 350 - 400 tấn ruốc, nhưng trong 151 hộ sản xuất tập trung chỉ có chưa đầy 10 hộ xây dựng được mạng lưới tiêu thụ ổn định, bà con chỉ bán được khoảng 2,1 triệu lít nước mắm/năm, số còn lại buộc để tồn qua các năm sau. Năm 2010, thương hiệu nước mắm Làng nghề Phú Lợi được xây dựng, làng nghề có trang web riêng để quảng bá giới thiệu sản phẩm, hàng năm người dân cũng đưa sản phẩm đi tham gia các hội chợ. Tuy nhiên, tất cả những giải pháp đó vẫn chưa thực sự giải quyết được vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm làng nghề.
Đây là vấn đề nan giải không chỉ đối với Làng nghề nước mắm Phú Lợi. Huyện Quỳnh Lưu có tiềm năng rất lớn trong chế biến hải sản với sản lượng hải sản đánh bắt hàng năm lên tới 50 nghìn tấn. Trong đó, 30 - 40% dành cho chế biến nước mắm, ruốc và cá khô, số ít dùng cấp đông, sản xuất bột cá... Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu sau khi chia tách, có 2 điểm chế biến hải sản tập trung là Làng nghề Tân An (An Hòa) và Công ty chế biến thủy sản Quỳnh Lưu.
Theo ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng NN & PTNT huyện, thì trong phát triển các làng nghề chế biến hải sản, tiêu thụ sản phẩm được coi là một trong những khâu quan trọng và khó nhất. Thực tế, sản xuất của các làng nghề đều mang nặng tính truyền thống, theo quy trình “gia truyền” của từng nơi, thậm chí từng hộ gia đình, vì thế rất khó đảm bảo được độ đồng đều của sản phẩm, gây khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Hiện tại, ngoài Công ty chế biến thủy sản Quỳnh Lưu đã xây dựng, đăng ký và được công nhận thương hiệu nước mắm 559 Quỳnh Lưu, thì khu Tân An vẫn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng thương hiệu riêng do kinh phí lớn, quy trình yêu cầu rất khắt khe.
Nhìn chung, hiện người dân các làng nghề chế biến hải sản vẫn đang tự xoay xở trong khâu tiêu thụ theo từng tổ hợp, từng hộ gia đình, một số làng nghề đông lạnh có Hiệp hội làng nghề, nhưng hầu như chưa thể hiện được vai trò một cách rõ nét, việc tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề đang trong tình trạng bấp bênh. Theo ông Trần Văn Huy, Trưởng phòng Tư vấn chính sách Liên minh HTX tỉnh, thì chất lượng sản phẩm của các làng nghề chế biến hải sản của Nghệ An đứng vào tốp đầu trong cả nước với sản phẩm nguyên chất.
Tuy nhiên, vấn đề quảng bá, xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm còn kém, trong khi sản lượng lại quá nhiều, tiêu thụ nội tỉnh chỉ đáp ứng một phần, buộc phải vươn ra thị trường ngoại tỉnh. Và trong thực tế, việc tỉnh tạo điều kiện công nhận các làng nghề đã là một hình thức quảng bá sản phẩm hữu hiệu. Nhưng để sản phẩm làng nghề thực sự đến tay người tiêu dùng một cách bền vững và rộng rãi trong điều kiện hiện nay, thì ngay tại các làng nghề cần có sự liên kết thành lập các đơn vị kinh tế như HTX, doanh nghiệp để có điều kiện vươn ra những thị trường rộng lớn và ổn định.
... và “khó” đảm bảo vệ sinh môi trường
Làng nghề Ngọc Văn (Diễn Ngọc - Diễn Châu) được UBND tỉnh công nhận từ năm 2006. Với lợi thế là xã vùng biển, có 7 xóm làm nghề khai thác và chế biến thủy sản, đội tàu 398 phương tiện, làng nghề có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Các sản phẩm của làng nghề rất phong phú, đa dạng từ nước mắm, cá phi lê, chế biến cá tạp, tôm nõn khô… Tuy nhiên, cũng chính sự phát triển đó trong điều kiện không được đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng đảm bảo đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề.
Trên địa bàn, ngoài 3 cơ sở chế biến bột cá, còn có hàng trăm hộ sản xuất nước mắm, ruốc, cá khô. Hầm chứa nước thải tập trung không đáp ứng được yêu cầu, không có nắp, đáy chống thấm, nước thải không lưu thoát được gây mùi và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, hầu hết các hộ dân đều đang xả thẳng nước thải sinh hoạt, sản xuất ra hầm này mà không qua quy trình xử lý rồi xả thẳng ra Lạch Vạn. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã trình tỉnh, huyện hỗ trợ tu sửa hầm chứa nước thải cũng như xây dựng Nhà máy xử lý nước thải, nhưng chưa được phê duyệt.
Đó cũng là tình trạng chung ở hầu khắp các làng nghề chế biến hải sản khác trên địa bàn tỉnh ta. Cũng theo ông Nguyễn Đức Xân, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề phường Quỳnh Dị, thì điều kiện đất đai ở làng nghề quá chật hẹp, trên địa bàn chưa có hệ thống mương xả thải đảm bảo yêu cầu, nên các hộ dân đều đang xả chất thải lỏng chưa qua xử lý theo hệ thống mương của từng gia đình ra sông Hoàng Mai. Chất thải rắn thì được Công ty môi trường thu gom và đưa đi xử lý, nhưng một tuần mới tiến hành thu gom một lần, trong khi lượng chất thải từ sinh hoạt, từ sản xuất chế biến thủy sản là rất lớn nên môi trường ở làng nghề đang ô nhiễm nặng nề.
Những năm qua, một số làng nghề chế biến hải sản ở Quỳnh Dị, Quỳnh Phương được hỗ trợ làm mương thoát nước, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa kể ở hầu hết các xã dọc ven biển, xã nào cũng có làng có nghề chế biến hải sản nhưng chưa hề có biện pháp xử lý nào đối với nguồn nước và chất thải. Một số làng nghề ở TX. Cửa Lò đã cho chủ trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải đồng bộ, nhưng chưa thực hiện được vì đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như tạo điều kiện để nghề chế biến hải sản phát triển ổn định và bền vững, việc quy hoạch, hình thành các khu sản xuất tập trung nằm cách biệt khu dân cư được coi là một biện pháp khả thi trong điều kiện hiện nay. Tại Diễn Ngọc (Diễn Châu), xã đã quy hoạch 2,16 ha tập trung, kêu gọi các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất của người dân “vào” chế biến. Nếu thực hiện thành công, sẽ tạo điều kiện cho việc quản lý, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không dễ dàng, và hiện khu chế biến này mới chỉ có 5 hộ tham gia…
Bài, ảnh: Phú Hương